Kể cho con một sáng thứ Sáu trên xe bus

Mẹ cũng mong sao các con mẹ sau này cũng sẽ có thế giới của mình, bầu trời của mình, tình yêu và hạnh phúc của riêng mình.

Chuyện thứ nhất

Các con chắc hẳn đã từng nhìn thấy một người đàn ông nước ngoài với bộ tóc xoăn tít và chòm râu dài rậm đến tận cổ, thỉnh thoảng địu/đẩy xe đẩy một em bé bé xíu chừng 4-5 tháng đi cùng một người phụ nữ Việt thấp bé trong khu nhà mình chứ? Sáng nay, mẹ ngồi ở hàng ghế cao cuối cùng trên xe bus, thì chú này ngồi ở hàng ghế thấp trước mặt mẹ. Rảnh rỗi và ngồi đằng sau, ghế cao hơn, nên mẹ bèn quan sát chú này.

Người chú ấy quá to nên ngồi ghế đó đối với chú ấy là một sự thử thách, chú ý cựa quậy loay hoay một lúc rồi lấy ra được cái điện thoại. Khác với những người khác thường mở fb hoặc khá hơn thì đọc tin tức trên các trang báo mạng, hoặc nghe nhạc, thì chú này mở ảnh cô vợ và đứa trẻ ra ngắm nghía. Mỗi bức ảnh, chú ý đều dừng khá lâu để ngắm nghía. Mẹ hình dung người đàn ông này chỉ vừa bước chân ra khỏi nhà, sau một đêm chăm con vất vả cùng vợ. Với một đứa trẻ nhỏ như thế, mỗi đêm là một cuộc chiến: khóc đêm, cáu kỉnh, đói, đi vệ sinh… liên tục và cứ lặp đi lặp lại từ tối đến sáng. Vậy mà sao chỉ vừa mới lên xe, chú ấy đã có nhu cầu ngắm nhìn vợ con say sưa như thế.

Mẹ nhìn các bức ảnh: người mẹ không xinh, trông cách ăn mặc khá tồi tàn, đứa trẻ thì có vẻ xinh xắn, nhưng quần áo cũng cũ kỹ, chứ không phải trông thơm tho sạch sẽ xinh đẹp như những đứa trẻ có điều kiện khác. Mẹ nhìn lại chú ấy, thấy cũng ăn mặc xoàng xĩnh: cổ áo và tay áo sơ mi cũ sờn hết (bây giờ rất hiếm nhìn thấy người mặc áo cũ như thế, nhất là ở khu của mình), chân đi một đôi giày cũng cũ kỹ và bạc màu. Mẹ đoán công việc hàng ngày của chú ấy cũng không dễ dàng chút nào.

Bỗng nhiên, mẹ cảm thấy có thiện cảm với gia đình chú ấy. Họ đang vất vả hàng ngày để lo cuộc sống cho bản thân, cho đứa trẻ, nhưng điều đó không làm mất đi tình cảm họ dành cho nhau. Hai người từ hai đất nước khác nhau, văn hóa khác nhau, họ gắn bó với nhau trong một cuộc sống không dư dả gì, họ hoàn toàn lạc lõng trong cộng đồng này. Nhưng họ hạnh phúc khi họ có đứa trẻ, và 3 người họ hạnh phúc với thế giới của riêng họ, có mối liên hệ riêng của họ,… họ đầy đủ! Mẹ cũng mong sao các con mẹ sau này cũng sẽ có thế giới của mình, bầu trời của mình, tình yêu và hạnh phúc của riêng mình.

Mẹ cũng mong sao các con mẹ sau này cũng sẽ có thế giới của mình
Mẹ cũng mong sao các con mẹ sau này cũng sẽ có thế giới của mình

 Chuyện thứ hai

Là về bà cụ người Trung Quốc 81 tuổi sáng nào cũng cùng đi trên xe bus chuyến 7.30 với mẹ và xuống ở gần bệnh viện Hữu Nghị, mẹ có nghe kể là bà đi chăm ông nằm viện bao nhiêu tháng nay. Đến hôm vừa rồi mẹ mới có dịp ngồi gần bà.

Bà có một vẻ hiền lành phúc hậu. Bà bắt chuyện với mẹ khi thấy mẹ dụi mắt liên tục, vì mỏi mắt, bà bảo có mấy huyệt ở ngón tay cái, mẹ chịu khó day khi rảnh rỗi, sẽ đỡ mỏi. Mặc dù nói tiếng Việt không rõ, nhưng bà rất nhiệt tình, cố giải thích cho mẹ hiểu bằng được. Đấy là đặc biệt.

Lâu rồi chúng ta ngại, ngay kể cả giữa người Việt với nhau, chào một câu với người lạ cũng ngại, giúp đỡ hay bắt chuyện với người khác lại càng ngại hơn… Ta quên mất cách quan sát cuộc sống của những người bên cạnh, lại càng quên mất cách chia sẻ với họ. Ta sung sướng, hoặc ta buồn, ta chỉ nghĩ đến bản thân ta thôi, ích kỷ thành quen rồi. 

Ta quên mất cách quan sát cuộc sống của những người bên cạnh, lại càng quên mất cách chia sẻ với họ
Ta quên mất cách quan sát cuộc sống của những người bên cạnh, lại càng quên mất cách chia sẻ với họ

Mẹ hỏi thăm bà cụ thì biết, bà sang Việt Nam từ khi lấy ông (ông người Việt - ông học bên Trung Quốc, bà yêu ông lấy ông và theo ông về Việt Nam). Bà bảo khi còn trẻ, cuộc sống vốn khó khăn, lại càng khó khăn hơn với người Trung Quốc sống ở Việt Nam như bà. Bà nhớ gia đình lắm, mà viết thư có những lá thư đến tay gia đình mất hơn một năm trời. Việc đi về Trung Quốc thăm gia đình, họ hàng thì càng khó. Bà ở với ông, chỉ biết có ông và Việt Nam, đến 40 tuổi, bà mới sinh con, và chỉ có được một người con duy nhất đó thôi. Chú ấy hiểu được tiếng Trung khi bà nói, nhưng không nói được tiếng Trung. Bà kể bây giờ hiện đại, internet phát triển, bà còn trò chuyện được với gia đình ở Thượng Hải, giờ cũng chỉ có cô em gái và các cháu, nhưng cũng vui. Một năm, bà cố gắng về thăm lại quê hương một lần cho đỡ nhớ. Chứ gia đình, quê hương, không ai dễ mà quên, chỉ vì tình yêu, vì chồng, vì con mà gắn bó ở một đất nước khác được thôi.

Ôi, mẹ nghe mà thấy thương và cảm động quá con ạ. Mẹ hỏi thăm bà ông ốm thế nào. Bà kể ông bị tai biến mạch máu lần thứ hai nên ngã và liệt nửa năm nay. Ông thích khu mình lắm, nên ông bà dành dụm tiền mua nhà bên Thảo Nguyên (Ecopark), còn năm vừa rồi ông bà thuê nhà ở chung cư để sống. Bà bảo, bà không thích ở dưới đất đâu, nhưng ông thích lắm, ông bảo chỉ ở tạm chung cư rồi sau này ở kia thích nuôi con gì thì nuôi, trồng tí cây cối… Thế mà bây giờ sắp được nhận nhà rồi, ông chả được về đấy ở! Bà chăm ông, ông chỉ nghe hiểu, và gật đầu, lắc đầu được thôi.

Bà kể chuyện nhẹ nhàng, không phải để than thở khổ sở, đau thương gì cả… câu chuyện xúc động mà sao có thể bình dị đến vậy? Mẹ thấy câu chuyện đó giống như bà, 81 tuổi, vẫn đi chăm sóc ông hàng ngày như những người đi làm việc, thản nhiên và vui vẻ với công việc vất vả, và vẫn mỉm cười, quan tâm đến một con bé ngồi cạnh trên xe bus, giản dị mà kỳ diệu thật.

Rồi tất cả chúng ta sẽ già đi, mẹ và những người phụ nữ xinh đẹp với những váy áo thơm tho rực rỡ, rồi cũng sẽ đến lúc thành các bà già, không biết có ai nghĩ rằng mình cần nghĩ đến người khác hơn một chút không, có ai nghĩ liệu ở tuổi đó, mình có còn được nhân hậu và bình an giản dị như người phụ nữ Trung Quốc già đó không?

Mẹ mong các con hãy để tâm đến cuộc sống của mọi người xung quanh con nhé, hãy mỉm cười và chào hỏi mọi người, hãy giúp đỡ người khác khi ta có thể, vì ngay cả những người ta giúp đỡ, không phải chỉ là vì họ già cả yếu đuối đâu, mà khi giúp họ, con sẽ có cả một bài học cuộc sống, mà những người đi hết cuộc đời trao lại cho mình, đó là món quà quý hơn nhiều cái sự chào hỏi, tươi cười, giúp đỡ… mà ta làm.

Bích Ngọc

Xúc động hình ảnh cô bé 5 tuổi chăm em trai 4 tuổi bị ung thư

Xúc động hình ảnh cô bé 5 tuổi chăm em trai 4 tuổi bị ung thư

Hình ảnh cô bé Aubrey 5 tuổi chăm sóc em trai bị ung thư gây xúc động và thương cảm tới mọi người