Khẩu trang tắc đường “xuất ngoại"

Doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng xuất khẩu vì không rõ thủ tục.

Theo nhiều doanh nghiệp, Việt Nam đang bỏ lỡ thời điểm “vàng" trong việc cung ứng mặt hàng khẩu trang ra thế giới - trong bối cảnh rất nhiều quốc gia đang cần mặt hàng này.

Khẩu trang tắc đường “xuất ngoại

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết, năng lực sản xuất sản phẩm này của doanh nghiệp Việt là rất lớn, nhu cầu xuất khẩu cao. Thậm chí, Việt Nam có thể trở thành đại công xưởng khẩu trang của thế giới với năng lực như hiện nay. Tuy nhiên, việc xuất khẩu đang bị tắc lại do chưa mua đủ dự trữ.

Trao đổi với Dân Trí, Ông Lê Hải Trọng - Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) cho biết, cầu mặt hàng khẩu trang y tế tăng mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát khiến các doanh nghiệp như Danameco phải đầu tư thêm hàng chục dây chuyền thiết bị đáp ứng nhu cầu, tăng năng lực sản xuất.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã đầu tư 100 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế, gần 10 dây chuyền sản xuất vải màng bọc giúp năng lực sản xuất mỗi ngày tăng lên 7 triệu chiếc khẩu trang y tế từ sau ngày 15/5 và khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang chuyên dụng N95.

Ông Trọng cho biết, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có dư để xuất khẩu, nhưng đường xuất những chiếc khẩu trang y tế thương hiệu Việt Nam lại đang vướng do thủ tục. Trong khi đó, Thủ tướng đã đồng ý cho xuất khẩu mặt hàng này để tận dụng cơ hội, giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

“Ngay khi Nhà nước chưa cấm xuất khẩu, chúng tôi cũng không xuất khẩu cái nào vì quan điểm là ưu tiên phục vụ ngành y tế trong nước. Giá bán cho các cơ sở y tế trong nước luôn thấp hơn bên ngoài 2-3 lần so với thị trường”, ông Trọng chia sẻ.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phản ánh đã nhận được các yêu cầu hỏi hàng của các thương vụ nước ngoài. Nhiều khách hàng tại Anh, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Hong Kong… quan tâm đến sản phẩm khẩu trang của Việt Nam.

Nhiều công ty đang thương thảo với đối tác những hợp đồng xuất khẩu rất lớn, lên tới cả triệu chiếc. Cụ thể, Công ty CP Dệt may và Thương mại Minh Trí đang thương thảo với đối tác đơn hàng 1 triệu chiếc. Công ty CP đầu tư Minh Bảo Tín với đơn hàng gần 10 triệu chiếc đi Ý, Úc, Mỹ... 

“Khi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tổng lượng tồn kho tại 20 doanh nghiệp khoảng 20 triệu chiếc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đã bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh hiện nay", ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận định.

Khẩu trang tắc đường “xuất ngoại

Theo thông tin do Cục Công nghiệp tổng hợp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ông Lê Hải Trọng - Chủ tịch Danameco cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp nhận được hàng chục cuộc gọi muốn đặt hàng xuất khẩu khẩu trang y tế từ đối tác nước ngoài nhưng chưa dám nhận đơn hàng nào vì không rõ thủ tục xuất khẩu tới đây sẽ như thế nào.

“Lúc này là thời cơ rất tốt để doanh nghiệp sản xuất uy tín có thể xuất khẩu mặt hàng khẩu trang vào các nước châu Âu, Mỹ. Doanh nghiệp đang rất trông chờ quyết định rõ ràng, kịp thời từ cấp có thẩm quyền để có thể xuất khẩu mặt hàng phòng dịch này”, ông Trọng nói.

Liên quan đến việc xuất khẩu khẩu trang y tế, Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Y tế về việc góp ý dự thảo Tờ trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28/2 của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, dự thảo Tờ trình đề xuất cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc có văn bản thỏa thuận hỗ trợ cho cơ sở y tế trong nước tối thiểu 20% số lượng dự kiến xuất khẩu.

“Quy định này trên thực tế có thể khó triển khai. Vì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ký được hợp đồng bán khẩu trang cho cơ sở y tế trong nước trong thời gian ngắn. Chưa kể trường hợp cơ sở y tế không có nhu cầu mua hoặc chỉ có thể mua được số lượng rất nhỏ. Bên cạnh đó, việc tiến hành đấu thầu hoặc thương lượng để đi đến ký hợp đồng cũng không thể hoàn tất trong thời gian ngắn”, lãnh đạo Bộ Công Thương góp ý.

Để tận dụng thời cơ xuất khẩu khẩu trang y tế, đồng thời đảm bảo có thể huy động khẩu trang y tế đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước, Bộ Công Thương kiến nghị cơ chế quản lý xuất khẩu khẩu trang y tế cần duy trì chế độ cấp giấy phép.

Bộ Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế không hạn chế, nhưng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có cam kết sẵn sàng cung cấp số lượng tối thiểu 10% năng lực sản xuất đã kê khai với Bộ Y tế cho nhu cầu sử dụng trong nước khi được huy động.

Khi yêu cầu chống dịch trong nước tăng cao, Bộ Y tế có quyền hạn chế số lượng cấp phép hoặc dừng cấp giấy phép, giao Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc bãi bỏ chế độ cấp giấy phép khi nhu cầu dự trữ đã được đáp ứng hoặc lập lại chế độ cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế khi có nhu cầu.

btl (t/h)

 Sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam được nhiều nước đặt mua

Sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam được nhiều nước đặt mua

Mới đây, Việt Nam đã nghiên cứu thành công sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).