Khi mỗi ô tô cần trang bị thêm một cái… bô

Không chỉ Hà Nội hay TP.HCM, nạn tắc đường do lượng xe vượt quá sức chứa của các con đường đô thị đang là câu chuyện toàn cầu.

Không chỉ Hà Nội hay TP.HCM mới đang loay hoay tìm cách giải quyết nạn tắc đường do số lượng xe cộ đang vượt quá khả năng chứa chấp của các con đường đô thị. Đây đang là câu chuyện toàn cầu…

1.10 năm trước, trên máy bay tới Jakarta, đọc một trang du lịch giới thiệu thành phố này mà bật cười. Tác giả bài viết bảo đây là thủ đô nổi tiếng nhất Đông Nam Á về kẹt xe và khuyên rằng nếu đi xe hơi ở Jakarta thì nhớ mang theo cái... bô!

Tưởng đùa, mà thật. Ở cùng một gia đình người Việt trong vài ngày thăm thú Jakarta mà tôi không gặp mặt hai đứa con của anh chị, chỉ vì hàng ngày chúng phải dậy từ tinh mơ để bắt xe bus tới trường và về nhà rất muộn để tránh giờ kẹt xe. Và bản thân tôi cũng nếm trải việc kẹt xe hơn 3 tiếng đồng hồ để thoát ra khỏi khu vực trung tâm Jakarta, tuy chưa phải dùng tới cái…bô, nhưng cũng ê ẩm hết cả người.

Cảnh tắc đường ở Jakarta, Indonesia.
Cảnh tắc đường ở Jakarta, Indonesia.

Ngay từ lúc đó (2009), tôi đã thấy Jakarta áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng xe vào thành phố như làm đường riêng cho xe bus có gờ cao khỏi mặt đường, có làn xe đi nhanh chỉ cho phép xe chở từ 2 người trở lên được phép lưu thông, xây dựng những tòa nhà nhiều tầng nổi làm bãi đậu xe, v.v.. Nhưng có vẻ không ăn thua.

Giờ thì Jakarta và các vùng phụ cận có khoảng 30 triệu dân với hơn 10 triệu lượt xe hơi lưu thông trên mặt đường mỗi ngày. Một người dân thủ đô cho biết để tới công ty đúng giờ anh phải rời khỏi nhà từ 5:30 sáng!

Và rồi, chịu không thấu, Indonesia đã quyết định dời đô (ngoài chuyện kẹt xe, thủ đô này còn bị lún vì nạn khai thác nước ngầm tràn lan). Đây có lẽ là một trong những hệ quả nặng nề nhất mà một thành phố phải gánh chịu liên quan tới kẹt xe.

Nhưng không phải chỉ có Jakarta nói tới việc dời đô vì kẹt xe. Năm 2017, nhà nước Trung Quốc cũng bày tỏ ý tưởng dời thủ đô ra khỏi Bắc Kinh để giảm kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Trong 20 năm qua, số lượng ô tô tư nhân ở Trung Quốc đã tăng từ mức không đáng kể lên tới gần 190 triệu chiếc. Các con đường mở ra liên tục nhưng vẫn luôn luôn là quá chậm và quá chật hẹp. Mô hình siêu đô thị như Jakarta, Bắc Kinh đang bị xem là cái gốc của căn bệnh trầm kha này.

2. Năm 2012, khi nhóm nhà báo chúng tôi đang thiu thiu trên chiếc xe du lịch đón từ sân bay về khách sạn ở Pisa, thành phố nhỏ nổi tiếng với tháp nghiêng của nước Ý, thì bác tài tấp xe vào lề, xin lỗi là từ đây chúng tôi phải kéo vali đi bộ về khách sạn, vì xe của bác không được phép vào khu trung tâm!

Dù xe của bác không to mấy, loại 16 chỗ, chả là cái đinh gì so với những chiếc xe du lịch hai tầng ngất nghểu ở ta, lại có giấy phép du lịch, lại chở nhóm nhà báo nước ngoài theo lời mời của một tập đoàn lớn của nước Ý, nhưng vẫn “out”.

Ý là nước kiểm soát lượng xe ô tô vào các đô thị rất gắt gao, biển cấm xe cắm dày đặc ở khu vực trung tâm, chỉ những xe có giấy phép mới được vào các khu vực này, còn vi phạm, mức phạt có thể lên tới 500 euro (hơn 10 triệu đồng).

Mô hình đậu xe tại các bãi đỗ vành đai, và mượn xe đạp miễn phí vào thành phố để tránh ùn tắc đã không còn xa lạ trên thế giới.
Mô hình đậu xe tại các bãi đỗ vành đai, và mượn xe đạp miễn phí vào thành phố để tránh ùn tắc đã không còn xa lạ trên thế giới.

Anh (cùng với Đức) là hai quốc gia châu Âu duy nhất miễn phí hoàn toàn đường cao tốc, nhưng ở London, các xe vào khu vực trung tâm giờ làm việc (từ 7h sáng đến 6h chiều) đều bị chạc phí tự động (camera quét bảng số và trừ thẳng vào tài khoản của chủ phương tiện), với mức phí gần 13 bảng Anh (khoảng 400 ngàn đồng) và dự kiến sẽ tăng lên 21 bảng (hơn 600 ngàn).

Chưa kể, ở nhiều đô thị nước Anh còn có luật đậu xe không quá 2 tiếng/lần (có trả tiền hẳn hoi) và chỉ được quay lại sau 2 tiếng – nghĩa là nếu muốn đậu xe trên 2 tiếng thì hết tiếng thứ hai phải đánh xe đi tới nơi khác đậu và cứ đúng 2 tiếng lại làm đúng như vậy!

Amsterdam, thủ đô Hà Lan thì chỗ đậu xe hơi (thu phí) còn ít hơn chỗ đậu xe đạp và 99% nó đã được đăng ký. Lái xe vào Amsterdam, bạn cầm chắc sẽ thực hiện một chuyến city-tour sau tay lái thay vì có thể bước ra khỏi cửa xe.

Tất cả, phí, cấm, lệ như vậy đều để làm nản lòng những ai có ý định lái xe vào thành phố. Song bạn lại được cung cấp những lựa chọn khác từ các phương tiện giao thông công cộng như bus, tàu điện nổi, tàu điện ngầm hoặc dịch vụ chia sẻ xe đạp – đây là hai dịch vụ ưu tiên phát triển nhất tại các thành phố châu Âu.

Tại nhiều thành phố ở Anh hay Đức, mô hình P+R (Park and Ride) hỗ trợ rất tốt cho những người cần di chuyển vào thành phố. Những người này có thể đậu xe (miễn phí) tại các bãi đậu xe nằm ở vành đai ngoài trung tâm và bắt xe bus ngay tại đó để vào thành phố. Việc duy trì các bãi đậu xe xa trung tâm hơn có giá rẻ hơn, thậm chí miễn phí cũng khuyến khích việc kéo giãn một số lượng lớn xe ra xa khu vực trung tâm.

Ngược lại, dịch vụ cho thuê xe đạp sử dụng công nghệ tự lấy tự trả tại nhiều điểm trong trung tâm thành phố rất phát triển. Thậm chí, ở nhiều thành phố Thụy Sĩ, xe đạp còn được cho mượn miễn phí.

3. Kẹt xe trong thành phố giống như một “bệnh dịch” lan nhanh trên toàn cầu. Có không ít các giải pháp “độc đáo” được đưa ra, thậm chí đã được thực hiện, như ông chủ hãng xe điện Tesla muốn làm đường dưới lòng đất Los Angeles để lấy chỗ cho xe chạy. Hay ở Bolivia, một đất nước Nam Mỹ, người ta làm cáp treo để di chuyển dân từ điểm này đến điểm kia trong thành phố tắc nghẽn - ý tưởng này từng được đưa ra cho Hà Nội.

Jan Gehn, kiến trúc sư người Đan Mạch, trong chuyến trở lại Việt Nam mới đây giới thiệu cuốn sách nổi tiếng của ông “Thành phố vì con người”, trả lời câu hỏi của một bạn trẻ TP.HCM: Ông có lời khuyên gì cho thành phố của chúng tôi? ông bảo: Các bạn phải biết mình muốn gì và từ đó sẽ biết lựa chọn.

Không, tôi không muốn lên xe với một cái bô các bạn ạ!

Thủy Phạm

Ký sinh vào 'Parasite'

Ký sinh vào "Parasite"

Bộ phim "Parasite" làm nên lịch sử của người Hàn Quốc, tuy nhiên có một "vật chủ", một mắt xích quan trọng của kịch bản tạo nên thành công của bộ phim.