Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Tăng trưởng năm 2019 vẫn được duy trì ở mức ổn định cao, đạt 7,02% và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,6-6,8%, tương đồng với hai năm gần đây.

Kinh tế phân cực

Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%, thấp hơn không đáng kể so với mức tăng 7,08% năm 2018, và vẫn vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,6-6,8%. So với các năm trước đó tính từ 2011, đây vẫn là mức tăng trưởng rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Trong đó, tăng trưởng quý I và quý II/2019 lần lượt là 6,79% và 6,71%, đều thấp hơn so với quý I và quý II/2018 nhưng cũng đều cao hơn quý I và quý II các năm trong giai đoạn 2012-2017, quí III và quí IV tăng trưởng khá ở mức 7,31% và 6,97%.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế , tăng trưởng giữa các khu vực không cùng xu hướng mà có sự khác biệt lớn. Nếu như khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản và khu vực công nghiệp xây dựng có mức tăng trưởng thấp hơn các năm trước, khu vực dịch vụ lại có mức tăng trưởng cao hơn đáng kể.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Khu vực nông lâm ngư nghiệp đã không giữ được xu hướng phục hồi từ năm 2017 mà đảo hướng suy giảm do sự không thuận lợi của thời tiết và dịch bệnh. So với năm 2018, tăng trưởng sản xuất của khu vực này thấp hơn 1,75%. Đáng nói là tăng trưởng suy giảm của khu vực này xuất hiện trên cả 3 ngành, trong đó giảm mạnh nhất là ngành nông nghiệp (-2,25%), kế đó là lâm nghiệp (-0,95%) và thuỷ sản (-0,16%).

Dịch tả lợn bùng phát và lan rộng gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, cùng với biến đổi khí hậu mạnh mẽ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng cây trồng. Hệ quả là tăng trưởng sản xuất nông nghiệp chỉ ở mức 0,61%, mức tăng thấp nhất tính từ 2011 và đóng góp rất khiêm tốn vào tăng trưởng chung ở mức 0,07%.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Ngành lâm nghiệp cũng trong tình trạng tương tự với mức tăng thấp nhất từ 2011 là 3,98%, đóng góp 0,04% vào tăng trưởng chung. Ngành thuỷ sản là điểm sáng duy nhất của khu vực này với mức tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (tăng 6,45%-mức tăng cao nhất của ngành trong 9 năm trở lại đây).

Tuy nhiên, nhịp tăng này đã không thể duy trì ở 6 tháng cuối năm nên tăng trưởng ngành cả năm chỉ ở mức 6,3% dù vẫn cao hơn các năm trước đó nhưng đã giảm nhẹ so với năm 2018, đóng góp 0,21% vào tăng trưởng chung.

Sản xuất công nghiệp không còn là ngành dẫn đầu tăng trưởng của nền kinh tế nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao. Hoạt động sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng 8,86%, giảm 1,24% so với mức tăng 10,1% ở năm 2018.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp sản xuất công nghiệp có mức tăng thấp hơn so với năm trước đó, cảnh báo cho xu hướng tăng trưởng giảm dần của ngành. Việc giữ nhịp tăng trưởng cho ngành công nghiệp đang trở nên hết sức khó khăn nếu không tìm ra động lực mới. Với mức tăng này, sản xuất công nghiệp đóng góp 2,91% vào mức tăng trưởng chung.

Giữa các ngành công nghiệp, ngành chế biến chế tạo vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Ngành chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng 11,29%, đóng góp 2,33% vào mức tăng chung, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,14%, đóng góp 0,44%.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,72%, đóng góp 0,05%; ngành khai khoáng tăng 1,29% sau 3 năm giảm liên tục do khai thác dầu thô có mức giảm 7,7% so với năm trước và khai thác than, quặng kim loại đều tăng cao, đóng góp 0,09% vào mức tăng chung.

Mặt khác, xu hướng tăng trưởng giảm dần của ngành công nghiệp có nguyên nhân chủ yếu là từ ngành chế biến chế tạo. Mức tăng trưởng của ngành này thấp hơn hẳn so với 3 năm trước đó (2016-2018). Tuy nhiên, công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhóm doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, hoạt động của nhóm này phụ thuộc vào thị trường thế giới và điều hành từ công ty mẹ. Với năm 2019, sự giảm tốc của ngành hàng sản xuất điện tử, máy tính chỉ còn một nửa so với năm trước, là một trong những lý do cho sự giảm mạnh của tăng trưởng ngành chế biến chế tạo.

Ngành xây dựng bất ngờ trở thành ngành dẫn đầu về tăng trưởng năm 2019 với mức tăng rất tích cực là 9,1%. Do tỷ trọng thấp, khu vực này chỉ đóng góp 0,66 đpt vào mức tăng chung. Giá nguyên vật liệu tăng vào đầu năm 2019 làm cho sản xuất ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn ở 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, ở 6 tháng cuối năm, sự ổn định và giảm nhẹ của giá nguyên vật liệu đã giúp cho hoạt động sản xuất của ngành khả quan hơn. Nếu nhìn vào 3 năm trở lại đây, tăng trưởng của ngành xây dựng khá ổn định với mức dao động thấp +/-0,5%/năm.

Ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng trưởng cao thứ 3 trong giai đoạn 2011-2019. Mức tăng trưởng của ngành là 7,3%, chỉ thấp hơn mức tăng 7,47% của năm 2011 và 7,44% của năm 2017.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm năm 2019 như bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm 2018, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực dịch vụ nhưng đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,96%).

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%, đóng góp 0,56%. Ngành vận tải, kho bãi tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 9,12%, đóng góp 0,3%. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,71%, đóng góp 0,28%.

Ổn định cao

Từ góc độ chi tiêu GDP, tiêu dùng duy trì mức tăng ổn định. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2018. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,2% (năm 2018 tăng 8,5%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 75,9% tổng mức, tăng 12,7% (2018 tăng 11,3%); doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm 11,9% tổng mức, tăng 9,8% (2018 tăng 9,6%); doanh thu du lịch chiếm 0,9% tổng mức, tăng 12,1% (2018 tăng 19,5%) và doanh thu dịch vụ khác chiếm 11,3% tổng mức, tăng 8,5% (2018 tăng 7,3%).

Trong tăng trưởng của doanh thu vật phẩm văn hoá, giáo dục đi đầu về mức tăng (14,4%); kế đến là lương thực thực phẩm (13,2%); đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại (11,3%); may mặc (10,9%); phương tiện đi lại (7,8%).

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Trái ngược với mức tăng trưởng rất tích cực của tiêu dùng, đầu tư toàn xã hội có mức tăng trưởng thấp thứ 2 trong giai đoạn 2012-2019, chỉ cao hơn mức 8,62% của năm 2016. Tình hình suy giảm tăng trưởng đầu tư xuất hiện trên tất cả các nguồn.

Tính cả năm, đầu tư toàn xã hội đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt 634,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 942,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%; khu vực FDI đạt 469,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%. Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, vốn nhà nước chiếm 31%, vốn ngoài nhà nước chiếm 46% và vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23%.

Nguồn lực từ bên ngoài có nhiều diễn biến đáng chú ý. Tính đến 20/12/2019, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.

Trong đó, có 3.883 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn đăng ký so với năm trước; 1.381 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,8 tỷ USD, giảm 23,6%; 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 15,5 tỷ USD, tăng 56,4%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 2.136 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 9,2 tỷ USD và 7.706 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị vốn góp là 6,3 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Vốn FDI thực hiện năm 2019 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước. Chiến tranh thương mại leo thang và vị thế thành viên của Việt Nam trong nhiều FTA là nguyên nhân chủ yếu giải thích cho những con số này.

Bất chấp những dự báo kém khả quan dành cho hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động này là một trong những điểm sáng bất ngờ trong các thành phần tổng cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 516,96 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu là 263,45 tỷ USD, giá trị nhập khẩu là 253,51 tỷ USD, theo đó, thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 8,1%.

Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn, tăng trưởng cao là điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 51,8 tỷ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,3% so với năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 35,6 tỷ USD, tăng 20,4%; hàng dệt may đạt 32,6 tỷ USD, tăng 6,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,3 tỷ USD, tăng 11,9%; giày dép đạt 18,3 tỷ USD, tăng 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 18,2%.

Ngược lại, xuất khẩu nhóm nông – thuỷ sản giảm mạnh do giá xuất khẩu bình quân giảm so với năm trước: hàng nông, lâm sản đạt 20,9 tỷ USD, giảm 4,1% và chiếm 7,9% (giảm 1 đpt). Nhóm hàng thủy sản đạt 8,6 tỷ USD, giảm 2,4% và chiếm 3,3% (giảm 0,3 đpt).

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu vượt trội so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt tới 17,7%, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,2%).

Mặc dù vậy, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực FDI, trong đó: điện thoại và linh kiện chiếm 95%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 82,3%; giày dép chiếm 76,5%; hàng dệt may chiếm 58,9%.

Điểm đáng lưu ý của hoạt động xuất nhập khẩu nằm ở mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Nếu như tăng trưởng xuất khẩu 8,1% là mức tăng trưởng thấp nhất tính từ 2012, thì tăng trưởng nhập khẩu ở mức 6,9% là mức thấp thứ 3 trong giai đoạn này.

Thêm vào đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp hoạt động xuất nhập khẩu có mức tăng trưởng giảm mạnh so với năm trước đó. Tình hình này đang dần phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực dài hạn của thương chiến Mỹ-Trung đến hoạt động thương mại toàn cầu nói chung và xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng.

Một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn so với những năm trước là do xuất khẩu nông sản giảm do: (i) giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng nông sản đang trong xu hướng giảm và (ii) lượng xuất khẩu nông sản cũng giảm mạnh. Thêm vào đó, trong khi xuất khẩu vào các thị trường như EU, Trung Quốc, Asean gần như dậm chân tại chỗ, xuất khẩu vào Nhật và Hàn Quốc tăng nhẹ khoảng 8%.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng như thế nào trong năm 2019?

Thị trường Mỹ mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu 27,8% nhưng dẫn đến quan ngại về vấn đề “lẩn tránh thương mại” khi nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc cũng tăng lên đột biến. Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ mạnh mẽ cũng làm tăng rủi ro về khả năng bị đưa vào danh sách bị theo dõi của Mỹ.

Như vậy, tăng trưởng năm 2019 vẫn được duy trì ở mức ổn định cao, tương đồng với hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, cần theo dõi sát những biểu hiện “không bình thường” đang dần lộ diện. Từ phía cung là sự suy giảm tăng trưởng cần lưu tâm của khu vực nông lâm thuỷ sản. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn đóng vai trò tăng trưởng đầu tàu nhưng sự giảm sút của công nghiệp chế biến chế tạo đang định hình xu thế.

Nhìn trong bức tranh tăng trưởng từ 2016 trở lại đây, nền kinh tế đã xác lập một trạng thái tăng trưởng “bình thường mới” so với giai đoạn trước đó.
Nhìn trong bức tranh tăng trưởng từ 2016 trở lại đây, nền kinh tế đã xác lập một trạng thái tăng trưởng “bình thường mới” so với giai đoạn trước đó.

Từ phía cầu, sự tích cực ổn định của tiêu dùng và diễn biến tốt bất ngờ của cán cân thương mại phần nào “làm mờ” đi tăng trưởng đầu tư toàn xã hội giảm mạnh so với những năm trước. Dữ liệu về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dường như làm quên đi những vấn đề về ngành hàng cũng như tiêu dùng của các nước đối tác.

Nhìn trong bức tranh tăng trưởng từ 2016 trở lại đây, nền kinh tế đã xác lập một trạng thái tăng trưởng “bình thường mới” so với giai đoạn trước đó. Một mặt, đây là mức tăng trưởng ổn định cao hơn so với trước đây. Nhưng ở mặt khác, việc tạo ra sự thay đổi cho những điều bình thường trở thành thách thức lớn bởi không dễ để tạo ra cú huých mới cho một trạng thái đã ổn định.

TUYẾT HƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương