Làm dâu người Ơ Đu

Ơ Đu là dân tộc ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc anh em Việt Nam (thống kê dân số năm 2009 có 376 người). Năm 2006, người Ơ Đu đã được tập trung về bản Văng Môn, thuộc xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Từ 73 hộ ban đầu đến nay bản đã có 103 hộ, nhiều nét đẹp văn hóa đang giữ gìn và phát huy. Trong sự phát triển đó có công của nhiều cô dâu người dân tộc khác như Thái, Khơ Mú, Lào... Vai trò của các cô dâu trong gia đình Ơ Đu có ý nghĩa rất đặc biệt, quyết định sự tồn vong của cả một dân tộc.
  • Thoạt nhìn từ bên ngoài, người ta thường có suy nghĩ là đàn ông người Ơ Đu rất gia trưởng và độc đoán. Điều này một phần do phong tục của người Ơ Đu, trong nhà thường có hai bếp, một bếp dành cho gia đình, một bếp dành cho khách. Khi người chồng tiếp khách, người vợ chỉ được ăn ở bếp dưới.

Trong giao tiếp, đàn ông Ơ Đu cũng rất ít nói, dè dặt, nếu chú tâm quan sát thật khó phát hiện ra những cử chỉ âu yếm, thân mật họ dành cho vợ. Nhưng thực tế đó chỉ là bề nổi, còn “tảng băng chìm” bên dưới thì hoàn toàn ngược lại...

Về vai trò phụ nữ, đặc biệt là con dâu trong gia đình Ơ Đu là người quán xuyến tất cả công việc, từ việc thu vén cuộc sống cho tới thực hành nghi lễ tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên ông bà.

Phụ nữ Ơ Đu chuẩn bị lễ cúng năm (Ảnh: VTC)
Phụ nữ Ơ Đu chuẩn bị lễ cúng năm (Ảnh: VTC)

Đàn ông Ơ Đu có tiếng sợ vợ, điều đó thì đã được cánh thanh niên người Thái ở xã Nga My khẳng định. Trước đó họ có sợ vợ không? Theo chúng tôi thì họ vẫn sợ... vì trong một thời gian dài dân tộc này sống phân tán nhỏ lẻ, thường là một hai gia đình dựa vào các dân tộc khác nên có thể nói rằng gia đình nhà chồng sẽ sống giữa “vòng vây” của gia đình nhà vợ. Nếu có sợ hẳn cũng là thường tình. Người Việt chúng mình đều hiểu như thế!

Ở bản Văng Môn, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều gia đình Ơ Đu. Ở nhà ông Lo Xuân Tình, bí thư chi bộ, chúng tôi được dùng bữa cơm với đúng phong tục tập quán. Nghĩa là người vợ ở dưới bếp chờ chồng và khách ăn. Chúng tôi mời thế nào cũng không được, đành phải mạo muội vô phép. Nhưng đến chiều đó khi theo chân ông Tình đi lấy thuốc ở Khe Lớn trị bệnh cho vợ, chúng tôi phải chia tay ông bên bờ suối.

Số là mấy ngày gần đây, mưa nhiều lũ lớn, nước suối dâng cao. Bọn tôi mấy đứa tre trẻ không tài nào vượt được do nước sâu, dòng siết đành nhìn bóng ông khuất dần trong những lùm cây bên kia suối. Bữa đó ông đi lâu lắm mới về, hỏi có tìm được thuốc không? Ông đáp gọn: “Tìm kỳ được mới về!”.

Giống như nhiều cô gái người dân tộc Thái lớn lên ở bản Com (xã Kim Đa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) thuở ấy, Mạc Thị Tím chỉ được học hết cấp 2 rồi lấy chồng. Gia đình nhà chồng nghèo, cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi con, cái ăn chưa đủ, cái mặc thiếu thốn, cuối cùng đám cưới cũng chỉ rút gọn giản tiện hết mức có thể. Chồng chị Tím là anh Lo Văn Xiêng, người chắc như cây lim giữa rừng, suốt ngày chỉ cười hiền hiền. Vợ bảo gì cũng nghe.

Nhà anh là một trong 5 hộ người Ơ Đu sống trong bản Com. Là người có sức vóc sống ở bản Com không phải là khổ, nhưng khi nghe chị “chỉ đạo” phải về Nga My để con cái sau này mở mang học hành, anh cũng nghe.

Lễ cúng sấm của người Ơ Đu
Lễ cúng sấm của người Ơ Đu

Ở nơi tái định cư, chị Mạc Thị Tím đã tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội, của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, và đã được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Chị sưu tầm may quần áo, trang phục truyền thống của người Ơ Đu, anh cũng được tham gia làm người mẫu. Chị lập đội văn nghệ, anh cũng giữ một chân đội viên. Chị bảo phải đi học tiếng Ơ Đu, anh bảo học khó lắm nhưng cũng chăm chỉ không bỏ buổi nào.

Năm 2013 cả hai vợ chồng Mạc Thị Tím-Lo Văn Xiêng được mời đi dự hội thảo “Tuổi trẻ các dân tộc với việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam” tại Hà Nội. Trong hội thảo này, Giáo sư Tô Ngọc Thanh có nhiều phát biểu rất “gai góc”, đại ý phê những đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu quá châm. Ông nói: “Có lẽ sắp tới chúng ta phải gạt nước mắt chia tay với dân tộc này!”.

Dù hồi hộp do chưa bao giờ được dự một sự kiện lớn như thế nhưng chị Tím đã thu hết can đảm giơ tay xin có ý kiến. Và trên bục phát biểu của một hội thảo lớn với toàn những chuyên gia và lãnh đạo đầu ngành văn hóa, chị kể về công việc thường ngày của một người vợ trong gia đình người Ơ Đu, những nếp sinh hoạt còn đang giữ gìn được.

Ngay sau buổi hội thảo, GS Tô Ngọc Thanh đã tìm gặp riêng chị, ông nói rằng có thể những phát biểu của ông tại hội nghị đã quá lời và ông tin rằng nếu dân tộc Ơ Đu có thêm nhiều cô dâu như chị Tím thì bản sắc văn hóa sẽ giữ được.

Ơ Đu trong tiếng Thái nghĩa là “thương lắm”, cái tên ấy cũng nói lên thân phận của họ giữa cộng đồng người Thái. Làm dâu người Ơ Đu lại khoác lên chức phận thiêng liêng bảo tồn văn hóa cho tộc người này. Phải thương lắm mới làm được vậy. Tất cả đều cậy nhờ vào tay những nàng dâu thảo hiền khéo lo toan và biết nhìn xa trông rộng.

Đông Lê

Đôi vợ chồng già dắt nhau đi khắp nước Việt

Đôi vợ chồng già dắt nhau đi khắp nước Việt

Ở cái tuổi ngấp nghé 70, vợ chồng ông Long và bà Thủy rong ruổi khắp mọi nẻo đường đất Việt.