Làm trắng da với sữa non cô đặc giá "bèo" nguy cơ bị ung thư bạch cầu

Vì cho rằng tự nhiên, an toàn, nhiều chị em đang kháo nhau sử dụng các sản phẩm sữa non cô đặc trắng da được cho nhập từ Pháp, Đức, Nhật...

Mặc dù hàng ngoại nhập nhưng lại có giá rẻ như cho, thông tin trên sản phẩm mập mờ; thậm chí có nhiều sản phẩm trước kia từng bị thu hồi vì chứa tân dược làm trắng bị cấm, nay mượn danh nghĩa Sở Y tế để quảng cáo.

Hàng ngoại, giá rẻ như cho

Hiện nay có một rừng các sản phẩm sữa non trắng da như Hokaido, helokity, Qualulalu, Clarins, Federal bath, yko, pure fuirt, … Mặc dù khẳng định ngoại nhập nhưng toàn bộ bao bì các sản phẩm này có thông tin rất sơ xài.

Có làn da trắng mịn màng là mơ ước của hầu hết chị em phụ nữ.
Có làn da trắng mịn màng là mơ ước của hầu hết chị em phụ nữ.

Tại chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM), đưa chúng tôi xem một sản phẩm sữa non kích trắng da có tên Federal bath, người bán quảng cáo sản phẩm được nhập từ Pháp nhưng chỉ có giá 45.000đ/chai loại 120ml. Sau một lần sử dụng, đảm bảo trắng 50 – 60%, kiên trì sử dụng từ 2 – 3 sản phẩm sẽ... trắng như Ngọc Trinh.

Quan sát bao bì sản phẩm thì thấy toàn tiếng anh nhưng không hề có thông tin nhà sản xuất, chỉ thấy dòng chữ Clarins được in sơ xài. Theo tìm hiểu, Clarins là một hãng sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp, nhưng sản phẩm có dung tích từ 30ml đã có giá 1 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tìm kiếm trên các website chính thức của hãng này không hề thấy sản phẩm nào có tên Federal bath. Chưa kể, Clarins là hãng chuyên về dòng chăm sóc da, không hề có sản phẩm nào kích trắng da như quảng cáo ở trên.

Tại các chợ khác, nhiều thông tin chỉ được in lên giấy, rồi dán lên sản phẩm. Chữ in rất nham nhở, chỗ rõ, chỗ mờ. Sau khi tháo miếng giấy dán kia, chúng tôi bất ngờ khi bên trong có thêm một lớp giấy màu, không có bất cứ thông tin nào ngoài một miếng nhãn phụ ghi sữa non lạnh.

Tương tự, với sản phẩm sữa non Hokaido, Yko – được cho sản xuất tại Nhật, quảng cáo rất thu hút khách hàng như: chỉ cần thoa lên da, massage cho thấm đều, sau năm phút lau sạch sẽ trắng rạng rỡ, bất kể vùng da nào. Quan sát thông tin trên sản phẩm cũng toàn tiếng Việt, có vài dòng tiếng Nhật nhưng cũng chỉ được in trên miếng giấy rồi dán vào chai chứ không in trực tiếp vào chai.

Để lấy lòng tin của khách, nhiều thương hiệu còn sử dụng danh nghĩa của cơ quan chức năng y tế để quảng cáo – một hành vi bị cơ quan chức năng cấm.

Sữa non làm trắng da giá rẻ đang bày bán nhan nhản ngoài thị trường.
Sữa non làm trắng da giá rẻ đang bày bán nhan nhản ngoài thị trường.

Chẳng hạn, tại website brighdr.com.vn – website của thương hiệu sữa non trắng da Bright Doctors, quảng cáo sữa thương hiệu sữa non này được bảo trợ bởi Sở Y tế TP.HCM nên sản phẩm an toàn tuyệt đối. Thậm chí, một số nhà thuốc như Đông y Tràng An cũng quảng cáo sữa non trắng da Bright Doctors được bảo trợ bởi Sở Y tế TP.HCM, là sản phẩm vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đạt nhiều danh hiệu tiêu biểu.

Lập lờ về nhà sản xuất

Trước thông tin quảng cáo mỹ phẩm Bright doctor được Sở Y tế bảo trợ, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, không có chuyện Sở y tế đứng ra bảo trợ cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào cả.

Việc mượn danh nghĩa tổ chức y tế để quảng cáo là vi phạm. Bởi tại điều 47, mục 2c của thông tư 06/2011 về quản lý mỹ phẩm có quy định quảng cáo mỹ phẩm không được sử dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, thư tín của tổ chức y, dược, của cán bộ y tế.

Hiện sản phẩm Bright doctor đang lập lờ về nhà sản xuất. Tại một số trang website, sản phẩm này giới thiệu là của công ty TNHH IBC Việt Nam. Nhưng có website, ở trên ghi là của công ty IBC Việt Nam, bên dưới lại ghi đơn vị chủ quản là công ty TNHH EBC Việt Nam.

Trong khi đó, công ty EBC Việt Nam lại là công ty chuyên nhập khẩu và phân phối mỹ phẩm Bright doctor – một thương hiệu mỹ phẩm từng vài lần bị thu hồi vì có chứa tân dược Clobetasol Propinate - một biệt dược corticoid có tác dụng trắng da rất mạnh và đã bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm.

Chị em không nên tin vào hiệu quả
Chị em không nên tin vào hiệu quả "thần kỳ" từ những lời quảng cáo "có cánh".

Một cán bộ thuộc phòng thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, Bright doctor và White doctor thật ra cùng là một. Thương hiệu White dotor bị thu hồi, dính lùm xùm thì công ty đổi tên, mở ra thương hiệu khác.

Nói về sữa non trắng da, TS Huỳnh Khánh Duy - khoa kỹ thuật hóa học, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, việc làm sáng da được thực hiện bằng con đường hóa học thông qua 3 cơ chế: ức chế hoạt động của tyrosinase, ức chế hình thành tyrosinase, và giảm sự hình thành melanin.

Sữa non làm trắng da chỉ là một tên gọi của kem làm trắng da, được phối chế dưới dạng trắng và sệt. Trong đó, thành phần hoạt chất dùng để ức chế tyrosinase có hydroquinone - được sử dụng khá phổ biến trong các sản phẩm làm trắng da (với nồng độ từ 2% đến 4%).

Hydroquinone bị cấm sử dụng ở một số nước (thí dụ như EU cấm dùng hydroquinone trong mỹ phẩm từ 2001) do có nguy cơ gây ung thư bạch cầu. Một số sản phẩm làm trắng da có chứa thủy ngân độc hại như thủy ngân (II) clorua.

Việc sử dụng thủy ngân trong các sản phẩm làm trắng da đã bị cấm tại hầu hết các nước (1976 ở châu Âu, năm 1990 tại Mỹ) vì nó tích tụ trên da và nó có thể có kết quả ngược lại trong thời gian dài, chưa kể dẫn đến ngộ độc thủy ngân mãn tính.

HOÀNG HẢI

Thu hồi kem trắng da mặt AIHAO Gel mụn 10g không đạt chất lượng

Thu hồi kem trắng da mặt AIHAO Gel mụn 10g không đạt chất lượng

Cục Quản lý Dược vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành trên toàn quốc sản phẩm mỹ phẩm Kem trắng da AIHAO và Gel mụn 10g.