Maradona - Lời nguyền đắm đuối

Giống như một tách café đặc, một thứ rượu khổ ngải chát chúa, hay một thứ ma túy đầy ảo giác, Diego Maradona không phải là thứ cảm giác say đắm mà người ta có thể dễ dàng rũ bỏ.

Một cơn đau tim, và thế là hết. Vĩnh viễn, những lần xuất quân của Los Albicelestes (Đội tuyển áo sọc xanh trắng – ĐT Argentina), những cameraman sẽ không bao giờ còn dõi lên khán đài, cố bắt từng cử động bột phát của thần tượng vĩnh cửu ấy nữa. Diego Armando Maradona đã về trong tay Chúa.

---

Anh – xin được dùng đại từ nhân xưng ấy, bởi bất cứ ai từng xem Maradona bùng nổ năm 1986, suýt làm nên điều kỳ diệu tại World Cup 1990 hay văng ra khỏi cuộc chơi bốn năm sau đó nữa đều thật khó có thể gọi anh bằng tiếng “ông” xa lạ - là một lời nguyền, nhưng là một lời nguyền đầy đắm đuối của đất nước Argentina.

Có một câu chuyện bên lề World Cup 1994 trên đất Mỹ: Sau khi Diego Maradona bị cấm thi đấu do dương tính với chất kích thích, cả quốc gia Nam Mỹ ấy chìm vào khung cảnh tang tóc. Trên đường phố Buenos Aires, một viên cảnh sát cay đắng trả lời phỏng vấn: “Đất nước chúng tôi có 30 triệu tên ngốc, khi lại một lần nữa đặt niềm tin vào Maradona”.

Và Los Albicelestes của anh cũng vậy. Có anh lĩnh xướng, mang áo số 10 và đeo băng đội trưởng, hai trận đầu vòng bảng năm đó, Argentina dường như là không thể bị ngăn cản. Gabriel Batistuta lần đầu tiên xuất hiện tại sân chơi lớn World Cup, ngay lập tức ghi hat-trick vào lưới ĐT Hy Lạp. Bàn còn lại của chiến thắng 4-0 ấy thuộc về chính anh – Maradona. Một pha dứt điểm gọn ghẽ, sau một loạt những pha bật tường chóng mặt mà chính anh là người dàn xếp.

Maradona - Lời nguyền đắm đuối

Trận thứ hai, “Siêu đại bàng xanh” Nigeria đang vụt sáng, bị kéo xuống đất bởi cú đúp của Claudio Caniggia, mà một trong hai bàn thắng đó xuất phát từ pha đá phạt chớp nhoáng vô cùng “xảo quyệt” từ chân Maradona.

Nhưng, mọi hào quang phụt tắt ngay khi anh không còn được quyền vào sân. Nguyên vẹn cả một dàn hảo thủ danh tiếng lẫy lừng (Batistuta, Canniggia, Diego Simeone, Fernando Redondo, Leo Rodriguez, Chamot, Sensisi, Ariel Ortega…), nhưng Argentina ấy không còn một chút cảm hứng nào, và trở thành một hải đoàn mất hướng. Lần lượt, họ bị Bulgaria của Hristo Stoichkov hạ gục ở trận cuối vòng bảng, rồi bị Romania của Gheorghe Hagi đánh quỵ tại vòng 16 đội.

Vắng Maradona “xịn”, Argentina không còn là đối thủ của “Maradona vùng Balkan” hay “Maradona dãy Carparth” – những cái chân trái kiệt xuất khác, nhưng không ai là một thiên tài chói lọi đến thế. Los Albicelestes cũng từ vị thế ứng viên vô địch trở thành những kẻ chầu rìa.

Nhưng, Argentina có bao giờ thôi yêu mến Diego Maradona được không? Và không chỉ Argentina, những ai đã từng thấy tim rung lên theo từng nhịp chạm bóng của anh cũng vậy? Câu trả lời chắc chắn là Không.

Giống như một tách café đặc, một thứ rượu khổ ngải chát chúa, hay một thứ ma túy đầy ảo giác, Diego Maradona không phải là thứ cảm giác say đắm mà người ta có thể dễ dàng rũ bỏ.

Maradona không phải là thứ cảm giác say đắm mà người ta có thể dễ dàng rũ bỏ...
Maradona không phải là thứ cảm giác say đắm mà người ta có thể dễ dàng rũ bỏ...

Anh là một nỗi ám ảnh, là một hợp chất được tạo nên bởi đủ thứ thành phần, mà bóng tối cũng nhiều như ánh sáng. Anh đậm chất “giang hồ vỉa hè”. Anh không bao giờ ăn nói chững chạc đạo mạo như Beckenbauer hay Platini, anh không hay “giảng đạo” như Pele, cũng không hippy như Johann Cruyff. Anh chơi bời phóng đãng. Anh nhậu nhẹt say xỉn. Anh đầy những thói hư tật xấu. Anh thậm chí không thể xem là tấm gương tốt cho những đứa trẻ. Song, hàng triệu bà mẹ ở trong và ngoài ngữ hệ Tây Ban Nha vẫn đặt tên cho con trai mình là Diego.

Đến cả cách anh nhảy múa cùng trái bóng trên sân cũng độc nhất vô nhị. Kỹ thuật của anh tưng tửng và bụi bặm, và đậm đặc sự ma quái. Người gần anh nhất với những “trick” đi bóng kiểu đó có lẽ là Ronaldinhho chứ không phải Messi, có điều Ronaldinho vẫn dường như quá màu mè khi đứng cạnh anh.

Anh là một thiên thần ở Mexico 86 năm đó. Tuy nhiên, thiên thần ấy cũng mang cả những đường nét ác quỷ. Hãy hỏi người Anh xem đến bây giờ họ đã nguôi ngoai cơn giận dữ về “Bàn tay của Chúa” hay chưa.

Diego Armando Maradona là một lời nguyền, bởi sau anh, cả Argentina lẫn Napoli đến bây giờ đều vẫn chưa từng tìm lại được thời vàng son của chính mình. Mà có thể họ đều sẽ chẳng bao giờ đạt được điều đó nữa, khi bất cứ ngôi sao nào vừa vụt sáng cũng sẽ bị so sánh, trong cả vô thức và chủ ý, với Người Duy Nhất.

Maradona như một lời nguyền với cả Argentina và Napoli
Maradona như một lời nguyền với cả Argentina và Napoli

Không còn mấy ai nhớ đến cái tên Diego Latorre – người đầu tiên bị đặt kỳ vọng sẽ thay thế được Maradona, trước thềm Italia 90. Từng cùng Batistuta tạo nên một “cặp bài trùng” khủng khiếp của Boca Juniors, nhưng Latorre không chịu nổi sức ép của thứ tiếng tăm kinh khủng đó, và nhanh chóng vỡ vụn. Sau anh, ta có một danh sách rất dài những “thế tử” hay “truyền nhân” không bao giờ đăng quang của “Diego thần thánh”, trong màu áo sọc xanh trắng: Marcelo Gallardo, Ariel Ortega, Pablo Aimar, Andres D’Alessandro, Juan Roman Riquelme, Carlos Tevez…và dĩ nhiên, cả El Kun Aguero hay Lionel Messi.

Họ đều là những tên tuổi lẫy lừng, nhưng đều rất đáng tội nghiệp, khi không có cách nào vượt thoát khỏi cái bóng lồng lộng của một lời nguyền độc địa, được tạo nên bởi một nhân vật truyền kỳ với những chiến công không tưởng. Không hẳn là những gì người ta đã nói quá nhiều, như bàn thắng đẹp nhất World Cup 1986 khi anh làm nhục hàng phòng ngự Anh, mà là một thứ điểm tựa tinh thần vô giá, đủ sức xốc cả một tập thể đứng dậy và bùng nổ, như “đường chuyền đẹp nhất đời tôi” mà anh đưa bóng cho Canniggia bắn ngã Brazil năm 1990.

Thế nên, có thể hôm nay, chính viên cảnh sát cau có trên đường phố Buenos Aires năm ấy sẽ là một trong những người đầu tiên nức nở.

Hận đến thế, có nghĩa là yêu đến đâu?

Thiên Thư

Cựu danh thủ Maradona qua đời ở tuổi 60, Argentina Quốc tang 3 ngày

Cựu danh thủ Maradona qua đời ở tuổi 60, Argentina Quốc tang 3 ngày

Truyền thông Argentina đưa tin cựu danh thủ Argentina Diego Maradona đã qua đời ở tuổi 60.