Mất thị trường EU, thủy sản Việt Nam sẽ gặp khó ở thị trường khác

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định nhận định về sự cấp thiết tháo gỡ thẻ vàng EU trong ngành thủy sản.

Sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%. 

Theo bà Kim Lan, Bình Định là một trong những tỉnh số tàu thuyền đánh bắt xa bờ rất lớn nên thẻ vàng EU (chống đánh bắt khai thác trái phép) tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp thủy sản. Xuất khẩu thị trường EU chiếm 60- 70% nên thẻ vàng EU khiến doanh nghiệp doanh nghiệp lao đao duy trì sản xuất ổn định hai nhà máy với hơn 1.000 lao động.

Ngư dân và doanh nghiệp phải chung tay tháo gỡ thẻ vàng EU. 
Ngư dân và doanh nghiệp phải chung tay tháo gỡ thẻ vàng EU. 

Các thủ tục kiểm tra, xuất nhập khẩu vào EU vô cùng gắt gao, diễn ra với thời gian khá lâu trên 20 ngày. Đó là chưa kể, khi thủy sản Việt Nam bị thẻ vàng, các nhà nhập khẩu ngại giao thương vì có quá nhiều rủi ro.

Điều này khiến chi phí các lô hàng đội lên rất nhiều, thậm chí nhiều đơn hàng bị lỗ, giảm khả năng cạnh tranh nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ các thị trường truyền thống vì nếu mất thị trường EU, thì những thị trường khác cũng sẽ gây áp lực doanh nghiệp.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa các sản phẩm và tìm kiếm những thị trường khác, liên kết với các tàu đánh bắt có thiết bị định vị, xuất xứ rõ ràng, không đánh bắt bất hợp pháp. Các doanh nghiệp và ngư dân mong các cơ quan chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, đẩy nhanh việc tháo gỡ thẻ vàng EU để có doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Ông Ngô Viết Hoài Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BASEAFOOD) cho biết: “100% các lô hàng xuất khẩu sang Châu Âu hiện nay đều phải mất từ 10-20 ngày để kiểm tra, khiến chi phí và rủi ro tăng cao. Trong khi đó, tại thị trường Tây Ban Nha có một quy định về nhập khẩu thủy sản: nếu các thông số thể hiện, chuyến tàu biển đi quá 20 ngày thì họ không chấp nhận vì họ cho rằng với thời lượng 20 ngày là quá dài để đảm bảo chất lượng của thủy sản.

Các doanh nghiệp bắt buộc phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Đối với những doanh nghiệp lớn, thẻ vàng EU là cơ hội để họ thay đổi công nghệ, quản lí điều hành, nghiên cứu sản phẩm mới đáp ứng thị trường.  Tất cả các doanh nghiệp cần phải chung tay tráng đánh bắt và khai thác bất hợp pháp để tháo gỡ thẻ vàng EU”.  

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, Bình Thuận, hải sản Việt Nam đang đối diện với khó khăn khi bị thẻ vàng EU. Nếu các nhà nước và các cơ quan ban ngành trang bị được các cơ sở hạ tầng cho các tàu đánh bắt cá thì tăng trưởng thủy sản sẽ mạnh trong tương lai.

Chúng ta nên học hỏi những đất nước tiên tiến, phát triển rất mạnh trong nghề cá như Đan Mạch, Na Uy họ đã chuyển được nghề cá nhân dân thành nghề cá công nghiệp. Trước đây ngư dân nghĩ tàu thuyền của họ và họ muốn đánh bắt ở đâu cũng được, Việt Nam phải có những chương trình hướng dẫn cho người dân biết về quy định của EU và chuyển đổi nghề cá ngư dân thành nghề công nghiệp với những quy định rõ ràng.

Trang bị các thiết bị định vị cho ngư dân. 
Trang bị các thiết bị định vị cho ngư dân. 

Để gỡ được thẻ vàng EU, ngoài việc nâng cấp cơ sở vật chất, Chính phủ phải kiểm soát được những tàu thuyền đánh cá bất hợp pháp, máy định vị và giám sát hành trình cần phải có một chương trình cụ thể. Chúng ta phải làm cho thật nhanh để thể hiện với Châu Âu rằng Việt Nam đang có kế hoạch và hành động cụ thể, nỗ lực để thay đổi, để gỡ thẻ vàng EU.

Thêm vào đó, ngay cầu cảng phải có chợ đấu giá, để tất cả thủy sản sẽ tập trung ở đây và người ngư dân biết được chất lượng sản phẩm của mình ở đâu? Họ biết được thị trường đang cần những mặt hàng gì, họ sẽ đi tìm ở ngư trường khai thác. Ở ngay chợ đấu giá người ta cũng có được truy xuất nguồn gốc thủy sản. Chợ đấu giá ở các nước trên thế giới rất hiệu quả thì Việt Nam cũng nên học hỏi để hỗ trợ ngư dân.

Tuy nhiên với thẻ vàng EU bên cạnh những khó khăn, thách thức thì đây là cơ hội để Việt Nam nhận thức, thay đổi nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình hơn nữa.

Qua 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng và sự phát triển bền vững của ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình như đồng loạt treo biển Cam kết chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp, tuân thủ các quy định của Mỹ, EU và Việt Nam chống khai thác IUU, tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn, tuyên truyền và truyền thông về chống khai thác IUU.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương