Doanh số smartphone toàn cầu giảm kỷ lục kể từ cuối năm 2020

Các lô hàng điện thoại thông minh trên toàn thế giới giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh điều kiện kinh tế không thuận lợi và nhu cầu theo mùa chậm trong quý đầu I/2022.

Samsung dẫn đầu thị trường với 24% thị phần, tăng từ 19% vào quý IV/2021 khi nhà cung cấp cải tiến danh mục đầu tư vào năm 2022. Apple đứng thứ hai, với quý I vững chắc nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với dòng iPhone 13 của hãng.

Xiaomi đứng ở vị trí thứ ba do hiệu suất xuất sắc của dòng Redmi Note. OPPO (bao gồm OnePlus) và Vivo hoàn thành top 5 với 10% và 8% thị phần.

ds.png

Nhà phân tích Sanyam Chaurasia của Canalys cho biết: "Bất chấp sự không chắc chắn từ thị trường, các nhà sản xuất smartphone vẫn liên tục mở rộng danh mục thiết bị của họ."

Theo Chaurasia, dòng sản phẩm iPhone 13 vẫn tiếp tục là động lực chính thúc đẩy doanh số của Apple. Bên cạnh đó, chiếc iPhone SE 2022 vừa được giới thiệu vào tháng 3 được kỳ vọng sẽ giúp công ty này mở rộng sức ảnh hưởng tại phân khúc tầm trung.

Bất chấp một số báo cáo chỉ ra rằng iPhone SE 2022 không nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng, sản phẩm này vẫn được đánh giá khá tốt khi sở hữu con chip A15 Bionic mạnh mẽ, cải thiện hiệu suất pin và hỗ trợ kết nối 5G.

voucher-galaxy-s22-series-6-trieu-2.png

Bảng xếp hạng doanh số toàn cầu mới nhất phản ánh những thách thức gay gắt mà các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải đối mặt tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới.

Ngoài cuộc khủng hoảng chip toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi cung ứng khác, các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc phải đối phó với việc xung đột Nga – Ukraine ngày càng làm gia tăng áp lực lạm phát lên nền kinh tế hàng đầu châu Á.

Sự chậm lại ở Trung Quốc đã làm tăng vấn đề tìm kiếm nguồn cung linh kiện phù hợp cho các thương hiệu điện thoại thông minh nội địa hàng đầu của nước này. Điều đó đặc biệt đúng đối với Oppo và Vivo, những công ty đã xuất xưởng tới 70% điện thoại thông minh của họ tại thị trường quê nhà, theo Canalys.

“Tin tốt là tình trạng thiếu hụt linh kiện có thể được cải thiện sớm hơn dự kiến, điều này chắc chắn sẽ giúp giảm bớt áp lực chi phí”, bà Nicole Peng cho biết.

Vào tháng 2, doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua thị trường Mỹ kể từ tháng 4/2020, đồng thời giành được thị phần từ Huawei Technologies Co tại thị trường nội địa, theo một bài đăng trên Twitter của Counterpoint Research.

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và trước đây là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, đã gặp khó khăn trong và ngoài nước vì các hạn chế thương mại bị phía Mỹ áp đặt từ năm 2020.

Nhu cầu cao đối với iPhone ở Trung Quốc dự kiến ​​cũng sẽ ảnh hưởng đến thị phần nội địa của Xiaomi. CEO Xiaomi Lei Jun cho biết công ty sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu để gia tăng khả năng thách thức Apple.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Apple tại thị trường tỷ dân có thể phải đối mặt với sự gián đoạn kéo dài do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ của chính phủ. Các nhà chức trách chính quyền địa phương ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, gần đây đã quyết định đặt một số khu vực trong Khu kinh tế sân bay Trịnh Châu trong diện kiểm dịch.

LAN ANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương