Nghệ An xuất hiện mưa đá trong sáng mồng 1 Tết

Trận mưa đá chỉ kéo dài vài phút nhưng khiến cho người dân địa phương vô cùng ngạc nhiên bởi lần đầu tiên chứng kiến vào đúng ngày mồng 1 Tết.

Theo Người Đưa Tin, vào khoảng 7h ngày 25/1 (tức mồng 1 Tết), tại một số địa phương huyện miền núi Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn… tại tỉnh Nghệ An bất ngờ xuất hiện mưa rào, sấm sét. Điều ngạc nhiên, trận mưa thậm chí còn kèm theo mưa đá.

Theo những hình ảnh người dân ghi lại được, bầu trời các khu vực này tối sầm trước khi trận mưa bắt đầu. Cơn mưa đá chỉ kéo dài vài phút. Mật độ mưa đá không quá dày đặc với kích thước không quá to, bán kính khoảng 1-2 cm.

Nghệ An xuất hiện mưa đá trong sáng mồng 1 Tết

Anh Nguyễn Hồng Sơn, trú thị trấn Tân Kỳ cho hay: “Khi tôi thức dậy thì thấy trời mưa, đang ra xem bất ngờ xuất hiện mưa đá. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy mưa đá. Nhưng viên đá nhỏ cỡ đầu ngón tay và kéo dài trong khoảng vài phút, sau đó xuất hiện mưa rào kéo dài”.

Nghệ An xuất hiện mưa đá trong sáng mồng 1 Tết

Theo người dân, kỳ lạ ở việc hôm nay là mồng 1 Tết nên khiến cho mọi người vô cùng xôn xao. Được biết, vào 30 Tết, một số địa phương trên địa bàn cả nước tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên cũng ghi nhận xuất hiện mưa đá. Mưa đá kéo dài khoảng 10 phút trước khi xuất hiện mưa rào.

Không chỉ có Nghệ An có mưa đá, trong ngày 24/1 và sáng 25/1 (tức ngày 30 Tết Kỷ Hợi và mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), tại nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội đã xuất hiện mưa vừa, mưa rào, thậm chí mưa đá.

Theo ghi nhận lượng mưa từ các trạm đo mưa tự động vào ngày 24/1 (tức 30 Tết), mưa lớn được ghi nhận xảy ra tại Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Kim Anh (Hà Nội) có lượng mưa lớn nhất với 79,8 mm.

Tại Bố Hạ (Bắc Giang) cũng ghi nhận có lượng mưa 77 mm, Vạn Ninh (Lạng Sơn) có mưa 62,6 mm.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, do ngày 24 - 25/1, tại các tỉnh phía Bắc đón gió mùa Đông Bắc nên xảy ra sự tranh chấp mạnh mẽ giữa khối không khí nóng và không khí lạnh, dẫn đến nhiễu loạn không khí gây ra mưa dông.

Trong đó, ngày 30 Tết, một số nơi như Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên... có xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan là mưa đá.

  Mưa đá trưa 30 tết khiến nhiều người dân bất ngờ - Ảnh: TTXVN

Mưa đá trưa 30 tết khiến nhiều người dân bất ngờ - Ảnh: TTXVN

Còn ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng cho biết, nguyên nhân chính của hiện tượng mưa vừa, mưa rào, mưa đá xuất hiện trong ngày 30 Tết và sáng mùng 1 Tết là do ảnh hưởng của không khí lạnh.

Ông giải thích, trước mỗi đợt không khí lạnh thường gây ra mưa, mưa rào, còn ở khu vực nào có mây đối lưu mạnh thì có mưa to thậm chí xảy ra mưa đá.

Cụ thể, khi không khí lạnh hoạt động mạnh lại gặp không khí vừa ẩm, vừa ấm ở các tỉnh miền Bắc trong những ngày vừa qua đã gây ra đối lưu mạnh nên xảy ra mưa đá, mưa rào.

Bất kỳ ở thời điểm nào, khi có không khí lạnh về, có đối lưu cũng có khả năng gây ra mưa đá. Trong quá khứ từng ghi nhận ngay cả thời điểm mùa đông cũng đã xảy ra hiện tượng mưa đá.

Trưởng phòng Dự báo thời tiết cũng cho rằng, Tết Nguyên đán theo âm lịch, thay đổi liên tục, không cố định và gặp đúng dịp có không khí lạnh tác động và có mưa đá nên không có đánh giá về mức độ bất thường.

GIA HÂN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương