Bãi bỏ hình thức kỉ luật 'đuổi học' đối với học sinh phổ thông

Bộ GD-ĐT đã đưa ra các nội dung mới như thay đổi cách kiểm tra, cho điểm từ lớp 1 đến lớp 12, bỏ hình thức đuổi học đối với học sinh.

Đa dạng hình thức đánh giá

Đầu năm học, Bộ GD-ĐT ban hành 2 thông tư sửa đổi về kiểm tra đánh giá học sinh bao gồm: thông tư dành cho tiểu học, thông tư dành cho THCS và THPT nhằm đánh giá thực chất hơn, đề cao sự tiến bộ của học sinh (HS) và giảm áp lực điểm số.

Theo đó, giáo viên (GV) có thể sử dụng nhiều phương pháp trong quá trình giảng dạy như: quan sát; vấn đáp; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của HS; kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận.

GV đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục của HS, về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2 và cuối năm học.

Bãi bỏ hình thức kỉ luật 'đuổi học' đối với học sinh phổ thông

Vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá HS.

Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn toán vào giữa học kỳ 1 và giữa học kỳ 2. Bài kiểm tra được GV sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho HS. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh HS này với HS khác.

Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT Thông tư số 58/2011/BGD-ĐT ngày 12.12.2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trong đó có một số nội dung thay đổi như: giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra; bổ sung môn ngoại ngữ có tầm quan trọng như toán, văn trong xếp loại HS.

Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), ông Sái Công Hồng cho biết một trong những thay đổi lớn để đánh giá HS trung học là các môn học được bổ sung đánh giá nhận xét, giúp GV quan tâm đến từng học sinh, đánh giá tiến bộ của các em để học sinh có thể điều chỉnh việc học cho hiệu quả. 

Thông tư cũng bổ sung quy định về kiểm tra đánh giá HS THCS và THPT, hình thức kiểm tra đánh giá gồm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên gồm: hỏi - đáp, thuyết trình, viết ngắn, thực hành, sản phẩm học tập. Hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ gồm: bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập.

Thông tư 58 quy định tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và cả năm cụ thể như sau: 

- HS được xếp loại HS giỏi nếu điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó, điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 8,0 trở lên. 

-  HS được xếp loại khá phải có điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó, điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 6,5 trở lên.

- Bỏ việc đánh giá, xếp loại “HS yếu”, thay vào đó là cụm từ “cần rèn luyện thêm” đối với HS có điểm số, hạnh kiểm chưa đạt yêu cầu xếp loại từ trung bình trở lên.

Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 26 đã thêm môn ngoại ngữ trở thành một trong những môn điều kiện để xếp loại HS. HS giỏi phải có điểm của 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8,0; HS khá thì phải có điểm của 1 trong 3 từ 6,5 trở lên.

Ông Sái Công Hồng cho biết bổ sung môn ngoại ngữ là vì  trong các kỳ thi, như thi tốt nghiệp THPT thì toán, văn, ngoại ngữ đều là 3 môn thi bắt buộc.

Về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh 

Bộ GD-ĐT cũng vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988.

Ông Phạm Ngọc Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Nhật (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho rằng dự thảo này thể hiện được tinh thần “giáo dục tích cực” mà chúng ta đang hướng tới. Trong đó có việc không đuổi học HS mà tạo điều kiện cho các em thay đổi môi trường, và mức kỷ luật cao nhất là tạm dừng học tập trong vòng 2 tuần.Trong quá trình kỷ luật, trường sẽ có bộ phận theo dõi, giúp đỡ và dùng biện pháp giáo dục tích cực.

Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thanh cho rằng thủ tục để thực hiện các hình thức khen thưởng, kỷ luật còn nặng hình thức và quá nhiều thành phần, tốt nhất nên giao quyền cho hiệu trường quyết định. Giáo viên cần phải được tập huấn, rèn luyện các phương pháp giáo dục tích cực mới phát huy được hiệu quả.

Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), dự thảo vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần trao đổi như hình thức “tạm dừng học tập” thay thế cho đuổi học, nên để việc quyết định thời gian tạm dừng bao lâu cho Hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định.

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM), cũng cho rằng dự thảo này đã bỏ được nhiều vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua. Trong đó có , thay đuổi học bằng hình thức tạm dừng học tập trên lớp đối với HS vi phạm tối đa là 2 tuần để thực hiện kế hoạch giáo dục. Chính sách khen thưởng cũng rút từ 7 hình thức xuống còn 4 nhưng vẫn bao quát hết được tất cả hình thức. Việc bỏ cảnh cáo HS trước lớp, toàn trường cũng được xem là bước tiến bộ rất lớn trong giáo dục.

Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng thực tế trong giáo dục bậc tiểu học từ trước đến nay hầu hết trường không thực hiện kỷ luật HS nên việc bãi bỏ quy định này là hoàn toàn hợp lý.

Thanh Mai

Vụ sập tường làm 3 học sinh tử vong: Thủ tướng gửi công điện khẩn đến Lào Cai

Vụ sập tường làm 3 học sinh tử vong: Thủ tướng gửi công điện khẩn đến Lào Cai

Chiều 7/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi công điện đến tỉnh Lào Cai sau khi tỉnh này xảy ra vụ sập tường làm 3 học sinh tử vong.