Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Bài viết của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai về nhà thơ Du Tử Lê dịp trước tết Nguyên đán 2019

Khi mùa hạ California nở bung cơn gió, nhè nhẹ lay những vòm hoa phượng tím thẫm đang nhuộm đẫm cả vùng trời, cô bạn Jenny Nguyễn lái xe chở tôi đến thăm nhà thơ Du Tử Lê tại tư gia của ông ở thành phố Garden Grove. Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du, bài hát phổ thơ Du Tử Lê, đang ngân lên qua giọng ca ngọt ngào đến thắt lòng của ca sĩ Tuấn Ngọc: ‘Hãy nói về cuộc đời/ Tình yêu như lưỡi dao/Tình yêu như mũi nhọn/Êm ái và ngọt ngào/Cắt đứt cuộc tình đầu/Thụy bây giờ về đâu?’

Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và nhà thơ Du Tử Lê (Hình: Jenny Nguyễn)
Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai và nhà thơ Du Tử Lê (Hình: Jenny Nguyễn)

Khúc Thụy Du – tuyển thơ Du Tử Lê vừa được tủ sách Tinh hoa Sài Gòn do Phanbook tổ chức phát hành tại Việt Nam cũng chính là lý do tôi được đến thăm nhà thơ Du Tử Lê tại tư gia, nơi chỉ có những bạn bè thân thiết nhất của người thi sĩ đa tài này mới được dịp lui tới. Trước đó, khi Jenny và tôi hẹn gặp ông ở một nhà hàng trên phố, để rồi chúng tôi được ông thết đãi món hủ tiếu đầy hương vị quê nhà bằng nhuận bút tuyển thơ Khúc Thụy Du, tôi đã năn nỉ được mua tuyển thơ này với chữ ký của ông. Vì không đem theo quyển sách nào, ông vui vẻ bảo chúng tôi ghé qua nhà ông lấy sách.

Khi những âm hưởng thơ Du Tử Lê vẫn còn vang trong tâm trí, xe đưa tôi tiến vào một con phố thanh bình, hai bên đường là những căn nhà nằm nguy nga giữa những khu vườn thênh thang cỏ, nơi những hàng hoa phượng trổ lên bầu trời xanh ngát những chùm hoa tím miên man. Rồi xe dừng lại trước khuôn viên rộng rãi của một ngôi nhà yên bình, lặng lẽ giữa con phố thưa người. Một nốt nhạc giữa thiên nhiên bao la và khoáng đạt. Một ngôi nhà nhìn bề ngoài rất Tây, rất Mỹ.

Nhưng cảm giác ban đầu về ngôi nhà ‘rất Mỹ’ ấy hoàn toàn sai khi tôi bước chân vào ngôi nhà ấy – tổ ấm của thi sĩ Du Tử Lê, nơi ông đã sáng tác nhiều tác phẩm trong gia tài hàng nghìn bài thơ, trong đó có hơn 300 bài đã được phổ nhạc. Đằng sau cánh cửa vững chãi vừa mở ra đón tôi và Jenny vẫn là dáng người dong dỏng gầy của thi sĩ 76 tuổi – người vừa trải qua cơn bạo bệnh. Nhưng bệnh tật và tuổi tác không hề hiện lên trên khuôn mặt sáng ngời, rạng rỡ nụ cười nồng ấm của ông. Ông mời chúng tôi vào nhà bằng giọng trầm quen thuộc, tiếng Việt thuần túy của ông cho tôi cảm giác chúng tôi đang gặp nhau ở quê cha đất tổ, chứ không phải ở Garden Grove – thành phố cách Sài Gòn hơn 13.000 km.

Chuyện trò với tôi và Jenny ở phòng khách, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục hỏi tôi rất nhiều câu hỏi về đời sống văn học trong nước. Đã định cư ở Mỹ 43 năm nay, nhưng quê hương vẫn hiện diện trong từng nhịp tim, hơi thở của ông. Những tủ sách bề thế và đồ sộ vây quanh chúng tôi minh chứng cho điều đó: trong hàng nhìn cuốn sách mà ông sưu tập cho công tác nghiên cứu và biên soạn, sách về Việt Nam và viết bằng tiếng Việt chiếm đại đa số. Tôi lướt mắt qua hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật quý hiếm, rồi dừng lại trước hai quyển dày cộp, gáy đã sờn: Tục ngữ ca dao Việt Nam và Cây cỏ vị thuốc ở Việt Nam. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các tác phẩm thơ Du Tử Lê lại rộng và sâu đến vậy: chúng đã băng qua bao chân trời góc biển cùng ông, để rồi nảy nở sinh sôi giữa biển kiến thức mang tầm quốc tế nhưng vẫn mang theo hồn vía và tinh thần của người Việt.

Quê hương theo chân nhà thơ Du Tử Lê không chỉ trong sách vở: quê hương hiện diện mọi nơi tại tổ ấm của ông. Khi ông dẫn tôi và Jenny đi thăm nhà, tôi dừng lại trước bức tường rộng lớn cạnh phòng khách, nơi đó những thủ bút của bạn bè thân quý của ông đã được đóng khung và treo trịnh trọng. Tôi không khỏi rưng rưng khi đọc những bài thơ viết tay của các nhà thơ Hoàng Cầm, Mai Thảo, Huy Cận... cùng những dòng chữ ghi trên gỗ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, họa sĩ Lê Thiết Cương... Dường như bút tích của những văn nghệ sĩ Việt Nam – những người đã ra đi mãi mãi hoặc đang sống ở bên kia đại dương – chính là những tác phẩm nghệ thuật mà nhà thơ Du Tử Lê nâng niu nhất.

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Những người am hiểu về thơ Du Tử Lê hẳn cũng biết rằng ông còn là một họa sĩ tài hoa, với các tác phẩm được nhiều nhà sưu tập săn lùng. Được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh do ông sáng tác được bày trí trong nhà, tôi dừng lại hồi lâu trước những nét vẽ phóng khoáng, mới mẻ và đầy sinh lực. Không chỉ trẻ trung trong thi ca, nhà thơ Du Tử Lê dường như là một họa sĩ không có tuổi trong hội họa. Những tác phẩm mà ông vẽ để tặng vợ mình - bà Hạnh Tuyền – nói lên điều ấy. Đó là những bức tranh mê hoặc của tình yêu, được vẽ lên cùng với những câu thơ ghi nắn nót ở góc tranh: ‘nhan sắc nàng duy nhất một ngôi thôi!’, ‘tươi tốt nào hơn em khỏa thân’...

Không chỉ bày tỏ tình yêu bằng hội họa, thi sĩ Du Tử Lê cũng không ngại ngùng ‘tỏ tình’ với vợ qua thi ca. Chiếc đèn trên bàn ăn của hai vợ chồng ông là một trong những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất mà tôi từng thấy. Chiếc đèn ấy được kết bằng những tấm gỗ, mỗi tấm mang trên mình những câu thơ do chính ông viết bằng tay: ‘Vì em tôi biến thành sơn tự/mái đỏ, tường rêu, hoa hổ ngươi/tình tôi là thảm xin em bước/rất khẽ mà nghe đất nhớ trời’, hay ‘Khi em đọc tôi biến thành chữ viết/cả nghìn chương chỉ chép chuyện đôi ta.’

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Thi ca lan tỏa không chỉ trong từng ngóc ngách của căn nhà ông ở, mà nở tung ở khu vườn xanh mát, nơi gần trăm gốc lan vươn những búp xanh mơn mởn, dưới bóng mát của giàn chanh leo. Ngồi đó cạnh ông, dưới những cây hoa lan rung rinh tỏa sắc xuống bể nước – nơi những chú cá vàng tung tăng và an nhàn bơi lội, tôi hiểu nhà thơ Du Tử Lê không chỉ yêu con người mà còn mê đắm thiên nhiên, vạn vật. Khu vườn của ông, ngoài cây cỏ của Việt Nam, có cả những chiếc tổ chim bằng rơm mà ông đã kỳ công mang từ quê nhà sang.

Không lạ khi khu vườn này cũng là nơi ông gieo trồng và gặt hái thi ca, cũng như tung tẩy với những nét họa. Dù mưa hay nắng, đêm hay ngày, ông cũng có thể ngồi đây, với cỏ cây hoa lá, với những tổ chim, với tiếng róc rách của nước chảy và với tiếng quẫy của những chú cá vàng. Dường như thời gian quay chậm lại ở nơi đây, cạnh những bức vẽ đang dang dở của ông và bức tường gỗ cạnh giá vẽ nơi ông đã nắn nót câu thơ: ‘Làm sao em biết khi xa bạn/tôi cũng như chiều tôi mồ côi.’

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Nhà thơ Du Tử Lê tự hào nói với tôi rằng, sự bài trí quan trọng nhất trong nhà và trong vườn đều do bàn tay đảm đang và sáng tạo của vợ ông: người đã sắp xếp kệ sách cho ông, đóng khung và treo thủ bút của bạn bè ông, bố trí vườn hoa cây cảnh, bài trí những bài thơ trên những thớ gỗ... Không chỉ là một người có tâm hồn nghệ sĩ, bà Hạnh Tuyền đã tạo ra những tác phẩm đầy nghệ thuật trong ngôi nhà của họ bằng chính tình yêu và sự thấu hiểu dành cho chồng mình.

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, không cần bươn chải lo toan về tài chính, tưởng như nhà thơ Du Tử Lê đang có tất cả. Nhưng không. Khi trò chuyện, tôi nhìn thấy trong đôi mắt ông một nỗi đau đáu nhớ quê hương. Ông tâm sự rằng, nỗi nhớ đó luôn bùng lên trong dịp Tết, nhất là khi màn đêm buông xuống. Đặt chân sang Hoa Kỳ vào năm 1975, ông đã trải qua những cái Tết đầu tiên đầy khó khăn. Ông đã khắc khoải nhớ những món ăn truyền thống của ngày Tết: bánh chưng, bánh dầy, giò, chả, gà luộc, thịt luộc, canh bóng su hào… thậm chí chè kho… Và ông đã thèm được hít hà mùi hương ngào ngạt của các nén nhang tỏa khói trên bàn thờ tổ tiên.

Những cái Tết gần đây của ông bớt đi sự trống trải nhờ bàn tay đảm đang của vợ ông. Tết cũng rộn rã hơn nhờ những nỗ lực của cộng đồng người Việt ở California nơi ông sinh sống. Ở đây, người ta hiện có thể mua được bất cứ thứ hàng hóa hay món ăn nào để phục vụ nhu cầu ăn uống vào dịp Tết. Hoa Tết cũng được bán khá đầy đủ và cũng có cả những hội chợ Tết nhộn nhịp trò chơi dân gian. Theo lời ông nói: ‘Có thiếu chăng là “không khí Tết” của truyền thống dân tộc ta mà thôi’.

Tết là thời điểm đặc biệt của cuộc đời mỗi người, nơi đó ai cũng gói ghém và nâng niu cho mình những ký ức đẹp. Nhưng đối với nhà thơ Du Tử Lê, kỷ niệm Tết đáng nhớ nhất của ông, thật không may, là một kỷ niệm kinh hoàng. Gần 60 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ rõ đêm mồng 3 Tết ở Kim Bảng, Hà Nam. Lúc đó ông còn rất nhỏ (độ chừng 7 tuổi) và vẫn còn ngủ chung với mẹ. Thình lình có người dồn dập đập cửa nhà. Mẹ ông hấp tấp tung chăn đi ra. Ông cũng chạy theo, để rồi chứng kiến hình ảnh mẹ ông ngã quỵ xuống sân nhà. Người tìm đến nhà ông vào đêm đó, thay vì quà Tết, đã đem theo tin dữ: anh cả của ông đã bị máy bay Pháp bắn chết ở Khu Tư (Thanh Hóa).

Sự kiện đêm mùng 3 Tết ấy luôn dai dẳng đeo bám, ám ảnh nhà thơ Du Tử Lê, để rồi nỗi buồn cũng lan tỏa vào thơ ông. Trong một bài phỏng vấn với nhà thơ Mai Thảo, ông đã nói: ‘Tôi không có Nguyên Đán dù trong văn chương hay đời thường sau cái chết của người anh cả, vào ngày mồng 3 Tết ở Khu Tư’.

Đi qua chiến tranh và bao biến động của cuộc đời, nhà thơ Du Tử Lê đã gieo trồng thi ca không chỉ với tình yêu dành cho quê hương mà còn trên khu vườn của buồn đau và nước mắt. Ông đã vắt kiệt mình, cần mẫn gạn lọc để dâng hiến cho đời những tinh hoa cảm xúc – những vần thơ dù buồn nhưng lóng lánh vẻ đẹp của tình yêu và tình nhân ái. Đọc những câu thơ tài hoa của ông như: ‘tóc người chảy suốt cơn mưa/ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về’, tôi cảm nhận rằng thơ của ông đã băng qua đau khổ để đến vươn tới bến bờ của niềm tin và sự bình an trong tâm tưởng.

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Trong khu vườn của ông, khi ngước nhìn lên những tán lá chanh leo rung rinh toả sắc xanh, tôi chợt nhớ những câu thơ Du Tử Lê viết về mẹ ông – người đã gánh trên đôi vai hai cuộc chiến tranh: ‘Ta đi trên đường gai/dù Chúa không hề rải/thương mẹ đã lưng đồi/còn nghe rừng hú mãi/người đi trên đường vui/bước chân mềm cứu chuộc;/tiếng cười ròn phía trước;/sau lưng ta, lá bày /ta ngồi mòn ghế cũ/nghe mưa trên ngọn cây’. Nhà thơ Du Tử Lê đã viết nhiều về Mẹ, trong đó đồ sộ nhất là trường khúc Mẹ Về Biển Đông, ở đó với 5 chương dài, ông đã kể những câu chuyện về tình mẫu tử 88 năm của mẹ mình khi bà vừa tất tả mưu sinh vừa che chở cho sinh mạng của con mình qua khắp nhiều địa danh của đất nước, từ Bắc vào Nam. Mẹ Về Biển Đông là khúc ca về sự vĩ đại không chỉ của mẹ ông và của tất cả những bà mẹ đã từng đi qua chiến tranh, bởi ở đó, người đau khổ nhất vẫn là Mẹ, dù người Mẹ ấy thuộc về dân tộc nào, ở đông hay tây.

Mẹ của nhà thơ Du Tử Lê đã quỵ xuống trước sự tàn khốc của chiến tranh, nhưng tôi tin con trai bà – nhà thơ Du Tử Lê – đã nâng bà dậy bằng thi ca. Trong những năm tháng cuối đời, hai mẹ con ông đã được đoàn tụ ở Mỹ, nơi bà được tận hưởng sự thanh bình của tiểu bang California cho đến năm 1988, hưởng thọ 88 tuổi.

Bịn rịn chia tay nhà thơ Du Tử Lê, tôi xin chụp một tấm ảnh của ông trong khu vườn để giữ làm kỷ niệm. Ông ngồi đó, mỉm cười hiền hậu cạnh tượng Phật, bên bình gốm với nét chữ của ông: ‘Nơi đây, quê hương thu nhỏ của chúng tôi: Ochid Lâm Quỳnh, Nguyễn Bá Hân, Hạnh Tuyền, Du Tử Lê.’

Nguyễn Phan Quế Mai - Thi Sĩ Du Tử Lê: Vườn thơ của một người thơ

Khi Jenny lái xe đưa tôi về lại Los Angeles, tôi nâng quyển sách Khúc Thụy Du trên tay, những lời thơ Du Tử Lê ngân lên trên môi tôi – bằng tiếng Việt – tiếng của quê hương, tiếng của đất mẹ. Qua những câu thơ ấy, tôi chợt nếm được vị ngọt của hòa bình mà thế hệ của tôi may mắn được nắm giữ trong tay. Giờ đây, viết những dòng này, tôi hồi tưởng tới ngôi nhà yên ả của thi sĩ Du Tử Lê, tới dáng ông cúi xuống bàn viết, nắn nót ghi lời đề tặng cho tôi và Jenny trên quyển sách. Và tôi nhớ những câu thơ còn thơm mùi mực của ông được xuất bản trong Khúc Thụy Du: ‘nuôi người: trang sách thơm,/trái tim từng con chữ./vết răng gửi trên lưng,/sang sông cùng cổ tích.’

Trước khi đặt bút viết bài viết này, tôi đã biên thư xin phép và hỏi thăm sức khỏe của nhà thơ Du Tử Lê. Tôi cũng hỏi liệu ông muốn chia sẻ điều gì với độc giả ở Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019. Trong thư trả lời, ông viết: “Quế Mai cho tôi gửi lời chúc an lành, may mắn tới tất cả quý độc giả. Hạnh phúc thay cho những ai được hưởng Nguyên Đán tại quê cha, đất tổ của mình.”

(Bài đăng trên Dutule.com)

Đôi nét về nhà thơ Du Tử Lê: Sinh năm 1942 tại Hà Nam, thơ ca đã nảy mầm vào Du Tử Lê khi ông còn học tiểu học tại Hà Nội, rồi thi ca theo chân ông vào miền Nam. Năm 1973, tại Sài Gòn, ông được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn Thi Ca, với thi phẩm: “Thơ Du Tử Lê 1967-1972”.

Thơ của ông đã được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Đình Chương, Trần Duy Đức, Nguyên Bích, Đăng Khánh, Anh Bằng, Phạm Duy, Hoàng Quốc Bảo, Từ Công Phụng... Hiện là tác giả của 73 quyển sách (thơ, văn xuôi, phê bình) đã được in ở Việt Nam và hải ngoại, nhà thơ Du Tử Lê có tác phẩm được đăng tải trên các nhật báo hàng đầu của Mỹ như Los Angeles Times và New York Times.

Thơ của ông cũng được một số trường đại học ở Mỹ và châu Âu sử dụng trong chương trình giảng dạy từ năm 1990. Các tác phẩm được ra mắt ở Việt Nam gần đây của ông bao gồm: tùy bút Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời, trường khúc Mẹ về biển Đông (2017), tuyển thơ Khúc Thụy Du, tuyển thơ Trên ngọn tình sầu, truyện dài Với nhau một ngày nào, tuyển tập tuỳ bút Giữ Đời Cho Nhau (2018).

Nguyễn Phan Quế Mai

 Xuân Quỳnh và những vần thơ viết cho phái nữ

 Xuân Quỳnh và những vần thơ viết cho phái nữ

Dù ở góc nhìn nào, không gian nào, Xuân Quỳnh vẫn luôn dành cho phái nữ một tình cảm yêu thương, trân trọng