Nguyện ước cuối cùng

Chỉ sự bất lực hết mức và sự tuyệt vọng cùng cực mới làm nảy sinh ý muốn chết. Vào cái tuổi già nua, sức tàn lực kiệt, Nikolai Nikolaevich còn có một hy vọng, và một ước muốn cháy bỏng như hồi còn trẻ để hy vọng đó thành sự thực. Ông muốn sống đến mùa xuân.

 Nikolai Nikolaevich Smirnov tin chắc là ông không sống được đến mùa xuân sang năm.

- Bố sắp chết rồi - ông thở dài nói và nhìn cô con gái Lidia Nikolaevna đang quét dọn phòng cho ông bằng ánh mắt có lỗi.

- Bố cứ nói vớ vẩn! Bố còn sống đến trăm tuổi - Lidia Nikolaevna vừa lau bụi ở giá sách vừa đáp lại một cách máy móc.

Sống đến trăm tuổi cũng chẳng còn mấy nả.

Đến đầu thu, Nikolai Nikolaevich cảm thấy ông hoàn toàn không thể đi lại được nữa.

Chỉ sự bất lực hết mức và sự tuyệt vọng cùng cực mới làm nảy sinh ý muốn chết. Vào cái tuổi già nua, sức tàn lực kiệt, Nikolai Nikolaevich còn có một hy vọng, và một ước muốn cháy bỏng như hồi còn trẻ để hy vọng đó thành sự thực. Ông muốn sống đến mùa xuân. Muốn được thêm một lần nhìn thấy bông tử đinh hương cắm trên bàn, nghe thấy tiếng chim hót mùa xuân, ông muốn được ở trong thiên đường màu xanh - trong rừng bạch dương đã bắt đầu nhú hầu như ngay lập tức dưới cửa sổ phòng ông.

Nguyện ước cuối cùng

Nhưng bên ngoài cửa sổ chỉ có ngọn lửa nhợt nhạt của hoàng hôn mùa thu quét lên hàng cây bạch dương, tiếp liền sau đó là tháng chạp mùa đông nghiệt ngã lồng lộn ập đến. Những cơn bão tuyết hớt hơ hớt hải tru lên thảm thiết như tiếng kêu ai oán của một linh hồn cô lẻ, bị bỏ rơi, khiến trái tim thổn thức nhớ những ngày xuân âu yếm, dịu dàng.

Nikolai Nikolaevich sống cùng con gái. Chồng Lidia Nikolaevna đã mất, các đứa con cô thì đều đã lớn, đã có gia đình riêng sống ở các nơi. Nikolai Nikolaevich biết rằng khi ông mất rồi, Lidia Nikolaevna sẽ về sống với thằng con cả.

Chiều chiều, Lidia Nikolaevna ngồi bên mép giường bố hỏi han xem ông muốn gì. Nikolai Nikolaevich trả lời là ông không muốn gì cả, lẽ ra ông phải chết từ lâu rồi mới phải, ông nói là ông đã làm khổ cô quá nhiều, nhưng cô không phải chịu đựng lâu nữa đâu. Lidia Nikolaevna bực tức bố khóc nấc lên. Thấy thế Nikolai Nikolaevich cố nhúc nhích đôi tay gần như đã cạn hết máu của mình ra hiệu, Lidia Nikolaevna thận trọng gục đầu vào ngực bố khóc thầm, còn trên khuôn mặt nhăn nheo của Nikolai Nikolaevich ứa ra vài ba giọt lệ hiếm hoi của tuổi già.

Các bác sĩ có đến, nhưng Nikolai Nikolaevich cho là họ không chữa trị cho ông mà chỉ làm ra vẻ có chữa vậy thôi. “Các anh biết, mà tôi cũng biết: bệnh già thì không chữa được” - ông bảo họ vậy.

Một hôm, anh con trai Sergei đến thăm ông. Sergei Nikolaievich là một người rất nghiêm trang và bận rộn. Anh ta không thể đến thăm bố thường xuyên được.

Anh ta đến vào lúc chiều muộn, nách cắp cặp, không cởi quần áo, mà chỉ bỏ mũ vò vò trong đôi tay rắn chắc.

Trước khi anh con trai ra về, Nikolai Nikolaevich cố nói một câu đùa, nhưng nghe ra đó hoàn toàn không đùa chút nào.

- Bố không muốn chết vào mùa đông  -  ông nói - Bố muốn rời bỏ thế giới này giữa lúc hoa nở để lưu lại ấn tượng đẹp về nó.

- Bố còn khỏe chán. Bố với con còn thi nhau được đấy - Sergei mỉm cười nói, nhưng Nikolai Nikolaevich cảm thấy câu nói của anh con thật nhạt nhẽo, vô hồn.

Nikolai Nikolaevich căm thù mùa đông vì mùa đông chỉ tốt cho những người khỏe khoắn, mạnh mẽ, vì mùa đông không thể mở cửa sổ, vì mùa đông kéo lê thê quá dài. Ông cảm thấy không phải tuổi già, mà chính là mùa đông đã tước đoạt của ông tất cả mọi thứ và chỉ để lại một ít hồi ức - hồi ức cũng làm sức yếu đi, song chúng còn khiến ông thấy buồn bã, dễ chịu.

Nhưng mà Nikolai Nikolaevich cũng không thể quen sống chỉ bằng các hồi ức không thôi. Ông đợi mùa xuân về.

Và xuân đã về đây. Nikolai Nikolaevich từ lâu nay đã để ý ngắm nhìn một cành thông lớn sà vào cửa sổ phòng ông. Vào giữa một trưa tháng ba ấm áp, cái cành cây đó đã rũ chiếc mũ tuyết trắng đường bệ, thực ra đã thủng lỗ chỗ từ lâu, ra khỏi mình.

Nikolai Nikolaevich bảo đặt mình vào ghế bành và ngồi hồi lâu bên cửa sổ.

Ngoài trời mùa đông lần lượt rút lui khỏi các vị trí của mình.

Thoạt đầu những lối đi băng qua khu rừng bị chân nhiều người qua lại dẫm lên ngả màu đen, sau đó bắt đầu xuất hiện những vệt vàng ở nơi tuyết đã tan, cuối cùng toàn bộ mặt đất hiện ra trước mắt tinh khôi như hôm bông tuyết đầu mùa mới rơi xuống.

- Trời đẹp rồi! - Lidia Nikolaevna nói và bắt đầu mở cửa sổ khi cánh rừng nhìn từ xa đã chớm nẩy màu xanh.

Nhưng tâm hồn Nikolai Nikolaevich chưa có được niềm vui mà ông chờ đợi khi xuân về. Điều ông chờ đợi đã đến, nhưng đó chưa phải là điều ông mong muốn. Ông muốn sống.

“Mùa xuân rồi sẽ qua - ông nghĩ - những bông hoa sẽ khô héo, còn cuộc sống sẽ vẫn tiếp tục. Cuộc sống bao giờ và ở đâu cũng tươi đẹp: trong vườn hoa, trên con đường bão tuyết tràn qua, ngay cả ở bên cửa sổ ngồi trong một chiếc ghế bành không thể đứng lên được...”. Bên một cây bạch dương to già chiều nào cũng có một cô gái và một chàng trai hẹn hò, tâm sự.

Nikolai Nikolaevich thích quan sát các cuộc hẹn này, ông đã quen với chúng, thường nghĩ về chúng. Hầu như chiều nào ông cũng bảo Lidia Nikolaevna: “Lida, con hãy đặt bố cạnh cửa sổ, khéo không bố muộn cuộc hẹn đấy” - và ông chăm chú nhìn vào cánh rừng cho đến khi hoàng hôn buông xuống và hai bóng người xuất hiện bên gốc bạch dương già. Thậm chí đôi khi ông mơ thấy họ trong cảnh thế này: cô gái ngồi tựa lưng vào thân cây bạch dương, còn chàng trai đứng tì đầu vào một cành to, hai tay ôm đầu, mắt nhìn thẳng cô gái.

Một thời gian sau, Nikolai Nikolaevich nhận thấy cặp tình nhân đột nhiên đến cánh rừng vào những lúc khác nhau. Căn cứ vào các dấu hiệu thì chắc đã có sự bất hòa xảy ra giữa hai người.

“Ôi, những con người hạnh phúc và ngốc nghếch biết bao... - Nikolai Nikolaevich nghĩ - Họ đau khổ, họ chọn những lúc khác nhau để chỉ đến một cánh rừng ấy... Nhưng họ còn trẻ, và... trời sao trên đầu họ vẫn còn nguyên đấy”.

Vào ngày oi bức ngột ngạt đầu tiên, trước cơn giông đầu tiên, tuổi già và bệnh tật đã bước đến bên giường Nikolai Nikolaevich, chìa những bàn tay móng vuốt về phía ông. Nikolai Nikolaevich cảm thấy nghẹt thở.

- Lida - ông cất tiếng gọi, trong khi cố căng mắt nhìn cho rõ bộ mặt tái nhợt của cô con gái - gọi Sergei đến ngay... Bây giờ là... lần cuối...

Một tiếng sấm nổ vang, ngoài cửa sổ vũ điệu điên cuồng của thiên nhiên bắt đầu. Gió thổi thốc nước vào kính cửa sổ. Cánh rừng rền rĩ, gầm gào, nức nở. Thái dương Nikolai Nikolaevich đập mạnh, nhưng thở đã dễ hơn.

Khi cơn giông tạnh, Nikolai Nikolaevich cảm thấy người nhẹ nhõm, khoan khoái đến mức ông bất thần ngồi dậy trên giường và cất giọng kêu to:

- Cho bố ra cửa sổ!

Lidia Nikolaevna sợ hãi phản đối.

- Đặt bố vào ghế! - Nikolai Nikolaevich nhắc lại một cách kiên quyết - Và mở to cửa sổ ra. Bố khỏe rồi, bố thấy mình như thanh niên ấy.

Ông ngồi bên cửa sổ mỉm cười, quả thật tâm hồn ông sung sướng và thanh thản cứ như ông mới hai mươi tuổi và vừa làm lành với người yêu xong.

Nguyện ước cuối cùng

Cơn giông đi qua - đó là ngày hội của tất cả thế giới màu xanh. Mặt trời chưa lặn và cánh rừng vừa nẩy lộc hân hoan tràn ngập trong ánh nắng. Nikolai Nikolaevich thấy ở những cái cây gần kề bên cửa sổ những chiếc lá dưới thấp rùng mình vì các giọt nước từ lá ướt phía trên rơi xuống.

Bên cây bạch dương già đã có chàng trai đứng. Nikolai Nikolaevich nhìn vào chiếc đồng hồ mà lâu nay ông đã bảo đem đặt ở bậu cửa sổ. Chàng trai sắp bỏ đi rồi, mà phải nửa giờ nữa cô gái mới đến.

Vừa lúc Sergei thở hổn hển đầy lo lắng bước vào.

- Bố! Bố sao rồi? - anh hỏi và bước nhanh đến bên chiếc ghế bành. Hai bố con hôn nhau.

- Bố gọi con đến, Serioja... - Nikolai Nikolaevich bình tĩnh nói - Bố cảm thấy mình... - Nikolai Nikolaevich ngừng lời, quay mặt ra cửa sổ và nhìn vào cánh rừng một lúc.

Khi ông quay lại nhìn con trai, ánh mắt vui vẻ, linh lợi khác thường mà lâu nay không còn thấy của ông bố đã khiến Sergei Nikolaevich kinh ngạc. Nikolai Nikolaevich nói khẽ:

- Serioja, con có thấy chàng trai đứng ở cánh rừng đằng kia không? Bên cây bạch dương lớn ấy. Con hãy đi đến đấy bảo anh ta nán lại đó thêm nửa giờ nữa… - Và, nhìn vẻ mặt băn khoăn của Sergei Nikolaevich, ông tiếp: - Đúng, đúng. Con hãy đến đấy bảo anh ta là việc này rất cần. Cứ nán đợi.

- Bố... - Sergei Nikolaevich lo lắng lên tiếng.

- Không, không... Bố vẫn tỉnh táo... - Nikolai Nikolaevich ngắt lời - Đi đi... Bố nhờ con... đi đi...

Sergei Nikolaevich nhún vai, nhìn quanh rồi bước ra khỏi phòng.

Cửa sổ đã mở rộng, căn phòng tràn ngập mùi hương không thể có lại của cánh rừng bạch dương vừa được tắm mình dưới cơn giông.

Nikolai Nikolaevich ngồi trong ghế bành, khẽ nghiêng người sang một bên. Khuôn mặt ông đầy vẻ thanh thản, thấu triệt.

Khi quay trở lại, Sergei Nikolaevich chưa nhận ra ngay là Nikolai Nikolaevich đã chết.

Aleksandr Vampilov

Alexander Valentinovich Vampilov (1937-1972) là một nhà viết kịch Nga. Ông đã tạo nên “hiện tượng Vampilov” trong nền nghệ thuật Xô-viết với những vở kịch mới mẻ cả về nội dung và nghệ thuật. Ở Việt Nam đã dịch và dàn dựng một số vở của ông như Người con cả, Cuộc chia tay tháng Sáu.

Ngân Xuyên (dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

Mùa xuân trong Tân nhạc

Mùa xuân trong Tân nhạc

Ly rượu mừng, Mùa xuân đầu tiên, Gửi người em gái miền Nam có thể gọi là những ca khúc nhạc Xuân kinh điển nhất trong kho tàng âm nhạc Việt Nam