Nhạc Việt và những sắc màu tính nữ vượt thời gian

Thái Thanh, Ngọc Lan, Khánh Ly, Bảo Yến là bốn tượng đài như 4 mảnh ghép trong một bức tranh đầy nữ tính và đậm đà bản sắc của âm nhạc Việt.

Gần một thế kỷ Tân nhạc Việt Nam, ở bất cứ giai đoạn nào cũng có những giọng ca xuất chúng, vượt qua không gian và thời gian, trở thành bất hủ trong lòng công chúng yêu nhạc.

Mà trong đó, bốn giọng ca nữ huyền thoại: Thái Thanh, Ngọc Lan, Khánh Ly, Bảo Yến là bốn tượng đài, tạo nên những trường phái kinh điển, mỗi người một phong cách, một sắc màu riêng, như 4 mảnh ghép trong một bức tranh đầy nữ tính và đậm đà bản sắc của âm nhạc Việt.

Thái Thanh - Sắc xanh lên trời

Âm nhạc Việt Nam, để kể tên một tượng đài, không thể không nhắc đến Thái Thanh. Bà là linh hồn của Tân nhạc Việt Nam, người đặt nền móng cho nhạc Việt từ những ngày sơ khai, khi vừa bước ra khỏi một trường thiên cổ nhạc. Thái Thanh, cùng với những bản tình ca của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Cao… đã mang đến một luồng gió mới đầy thanh nhã mà không kém phần vui tươi, rực rỡ cho Tân nhạc Việt Nam những ngày đầu còn đơn sơ, ảm đạm.

Danh ca Thái Thanh thời trẻ
Danh ca Thái Thanh thời trẻ

Như Phạm Duy đã từng nói về Thái Thanh: "Một giọng hát diễm tuyệt: Tất cả hạnh phúc và khổ đau của kiếp người bị đày đọa trong chiến tranh và hòa bình, trong vinh quang và khổ nhục, trong hy vọng và tuyệt vọng qua những bản nhạc khóc, cười, nổi, trôi theo mệnh nước". 

Thật vậy, gần một thế kỷ gắn bó với âm nhạc, tiếng hát của bà tồn tại song hành với lịch sử dân tộc, “nổi trôi theo mệnh nước”. Với chất giọng có âm sắc lạ kì, quãng dưới đầm ấm, dày dặn, quãng trên vang, sáng, giọng ca của Thái Thanh được ví như bầu trời xanh, vừa trầm bổng, sâu thăm thẳm, vừa ai oán thiết tha như đang kể lại những câu chuyện lịch sử thăng trầm của dân tộc.

Nhạc Việt và những sắc màu tính nữ vượt thời gian

Tiếng hát Thái Thanh là sự kết hợp vừa vặn cái “âm tính” của chất liệu nhạc cổ ngũ cung, với cái “dương tính” trong lối hát “cường điệu hóa”, cùng những quãng giọng trải dài đến hai “bát âm” cao vút lồng lộng, tạo thành một tổng thể hài hòa, cân bằng, như bầu trời vẫn luôn xanh ngát qua mọi bão tố.

Cái nữ tính trong giọng ca Thái Thanh dường như trở thành cái nữ tính điển hình của một thế hệ nghệ sỹ ở thế kỷ trước, dịu dàng đằm thắm mà không kém phần mãnh liệt, kiên cường, trở thành chuẩn mực cho một thời đại vàng son của âm nhạc Việt Nam.

Ngọc Lan – Dòng suối ngọt lành

Nếu tiếng hát Thái Thanh được ví như bầu trời xanh, thì tiếng hát Ngọc Lan lại như một dòng suối mát lành chảy êm dịu trong dòng chảy của âm nhạc Việt.

Tiếng hát Ngọc Lan gần như là chuẩn mực của “sự nữ tính” trong âm nhạc. Cô có chất giọng nữ cao sáng, mảnh, nhẹ như tơ trời, với lối “hát điệu” gần như đã trở thành bản sắc riêng biệt của Ngọc Lan mà ít ca sỹ nào bắt chước được, dù ở bất cứ giai đoạn nào, cũng có những nữ ca sỹ chịu ảnh hưởng theo phong cách của cô.

Nữ danh ca Ngọc Lan
Nữ danh ca Ngọc Lan

Nhắc đến Ngọc Lan, người ta thường nghĩ đến những bản nhạc Pháp sang trọng, hay những bản tình ca buồn da diết, ngọt ngào. Từ ngoại hình đến cốt cách, ở Ngọc Lan luôn toát ra sự dịu dàng, êm dịu, trong trẻo như dòng suối hiền, đặc biệt khi cô cất tiếng hát, lúc nào cũng mang đến cho người nghe một cảm giác yên ả, dễ chịu.

Gần 20 năm kể từ khi tiếng hát Ngọc Lan về trời, mỗi khi nghe giọng ca của cô cất lên, dù là bất cứ ca khúc nào, người nghe cũng cảm thấy như cả một không gian âm nhạc của những năm 70, 80 thế kỷ trước lại hiện về đầy bâng khuâng và tiếc nhớ.

Khánh Ly – Sắc trầm của đất

Bàn về “tính nữ” trong âm nhạc, thì có lẽ cái “tính nữ” trong giọng ca Khánh Ly là đặc biệt hơn cả. Vì cái “nữ tính” của bà dường như nằm sâu trong trong cái “nam tính”, cái chất trầm khàn mộc mạc, tự nhiên như chính mảnh đất Đà Lạt nơi bà gặp cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, mối lương duyên âm nhạc của cuộc đời bà.

Danh ca Khánh Ly thời trẻ
Danh ca Khánh Ly thời trẻ

Khánh Ly có chất giọng alto (nữ trầm) hiếm gặp Việt Nam, với lối hát “bạch thanh” rất gần với ca trù và hát xẩm của dân tộc. Giọng ca của bà trầm lắng, tự sự, lơ đãng, như tiếng nói của đất, của mạch nguồn sự sống, bà hát như hơi thở, như muốn giãi bày tiếng nói của một kiếp người, một số phận. Từ đó, cái bản năng tự nhiên trong cách hát của Khánh Ly trở nên đậm đà, bao dung, thấm thía, như lời ca của đất mẹ vang vọng đến muôn đời.

50 năm với âm nhạc, như một định mệnh, tiếng hát Khánh Ly gắn với những sáng tác của Trịnh Công Sơn, tiếng hát của bà trở thành chuẩn mực cho những bản nhạc Trịnh mà nhiều thế hệ ca sỹ đi sau, dù có bắt chước, hay cố sáng tạo, biến tấu đi thì vẫn chưa thể vượt qua nổi.

Bảo Yến – Ngọn lửa đam mê

So với các nghệ sỹ gạo cội đi trước, Bảo Yến là người trẻ nhất, thuộc thế hệ đi sau, nhưng tài năng âm nhạc, và những dấu ấn để lại trong giọng hát của cô khiến công chúng của nhiều thế hệ sau này luôn không ngừng ngưỡng mộ và kính trọng.

Nổi lên từ sau năm 1975, trong suốt thập niên 80 của thế kỷ trước, Bảo Yến là một trong những nghệ sỹ đầu tiên đặt nền móng và tạo ra những chuẩn mực mới cho nhạc nhẹ Việt Nam.

Ca sỹ Bảo Yến thời trẻ
Ca sỹ Bảo Yến thời trẻ

Với chất giọng dày, vang, đầy nội lực như có lửa, Bảo Yến thành công trong tất cả những thể loại mà cô thể hiện, từ Rock, Pop, đến Bolero, Bảo Yến thậm chí xóa bỏ đi được ranh giới giữa nhạc “sang” và nhạc “sến”, bất kì ca khúc nào mà cô thể hiện đều trở nên sang trọng, văn minh, đầy quyến rũ và mê hoặc. Với Bảo Yến, lần nào cô hát cũng như lần cuối cùng, nên trong giọng hát của Bảo Yến, khán giả luôn thấy rực cháy một ngọn lửa đam mê mãnh liệt, vẫn cháy hết mình cho âm nhạc.

Bảo Yến cũng là một trong những lứa nghệ sỹ đầu tiên bứt phá hẳn ra khỏi cách hát cũ của cổ nhạc dân tộc, cô có cách hát hiện đại, “tròn vành rõ chữ”, tiết chế các luyến láy hay những sự phô trương không cần thiết để ca khúc trở nên tinh tế, sâu sắc. Cô cũng là một trong những nữ ca sỹ có cách phát âm tiếng Việt chính xác và đẹp nhất trong âm nhạc Việt Nam.

Cho đến nay, dù đã rời xa sân khấu, nhưng giọng ca Bảo Yến vẫn là một trong những tượng đài âm nhạc mà mà nhiều thế hệ sau này vẫn luôn học hỏi và ngưỡng mộ.

Lan Anh

‘Nhạc Lâm Ngũ Bá’: Phạm Duy có xứng đáng là Vương Trùng Dương? Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, ai ‘quái’ hơn ai?

‘Nhạc Lâm Ngũ Bá’: Phạm Duy có xứng đáng là Vương Trùng Dương? Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, ai ‘quái’ hơn ai?

Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, trong giang hồ và trong cả âm nhạc, ai tài hơn ai, ai "độc" hơn ai?