Nhiều giáo viên không đồng tình về quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp

Các giáo viên có nhiều ý kiến trái chiều trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ.

Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT trong đó có Điều 37 quy định về một trong các hành vi mà học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”, thay vì cấm hoàn toàn như trước đây.

Quy định này nhằm hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên. Tuy nhiên thông tư mới ban hành gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều thầy cô giáo tỏ ra không đồng tình với quy định này vì cho rằng việc sử dụng điện thoại có thể làm ảnh hưởng đến giờ học. 

Cô V.N, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cho hay sử dụng điện thoại sẽ khiến các em ngày càng ham dùng và khiến giáo viên khó quản lý. Đặc biệt nhiều em còn quay trong lớp học và đăng lên mạng. 

Nhiều giáo viên không đồng tình về quy định cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) chia sẻ: “Điều quan trọng là khi cho phép học sinh dùng điện thoại trong một giờ học, môn học nào đó, giáo viên liệu có kiểm soát được tất cả học sinh của lớp đó về mục đích sử dụng không? Dưới góc độ giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi đã chứng kiến sự tác động của việc sử dụng điện thoại đối với học sinh ra sao.

Nếu không kiểm soát chặt sẽ dễ loạn. Bởi thứ nhất, lớp học sẽ mất tập trung và tạo nên cảm giác “lệch pha” giữa thầy và trò khi thầy nói ở trên còn ở dưới học sinh bấm điện thoại.

Thứ hai, lớp học đông học sinh, ai dám chắc kiểm soát được thời gian cho học sinh sử dụng điện thoại đó, các em đều sử dụng đúng mục đích hay chơi game, nhắn tin buôn chuyện,...”.

Bên cạnh đó có nhiều ý kiến lại tán thành quy định trên và cho rằng việc dùng điện thoại là tốt.

Thầy Hoàng Công Viêng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cho rằng, việc dùng điện thoại hỗ trợ cho học tập là điều tốt nhưng học sinh sẽ dễ tận dụng để làm việc riêng, rất khó quản lý. “Việc dùng điện thoại có thể được dùng trong các tiết học mà có thảo luận về vấn đề nào đó hay trong các bài kiểm tra trực tuyến... Còn các tiết học bình thường thì không cần thiết”.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho hay, trên thực tế, nhà trường nhiều năm nay đã thực hiện việc này và rất ổn. Các em dùng để tra cứu, sau khi dùng xong thì cất vào tủ. Ở các lớp đều có camera nên học sinh tự giác không sử dụng khi không dành cho mục đích học tập. Hơn nữa, với một số bài kiểm tra, học sinh của trường đã được sử dụng điện thoại để làm bài trên Microsoft Team ngay trong tiết học.

Thanh Mai

Phố đi bộ Hà Nội đông đúc trở lại sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch

Phố đi bộ Hà Nội đông đúc trở lại sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch

Hà Nội đã cho phép các dịch vụ karaoke, bar, vũ trường được hoạt động trở lại từ ngày 16/9, tuy nhiên phải đảm bảo phòng dịch.