Những thương hiệu "vang bóng một thời" trong cuộc sinh tồn với thị trường

Diêm Thống Nhất, giấy Bãi Bằng, mì Miliket... dần mất đi vị trí độc tôn. Để thích ứng với thị trường, các thương hiệu đều phải loay hoay.

Giấy Bãi Bằng

Nhà máy giấy Bãi Bằng thành lập vào năm 1982 với sự giúp đỡ tài chính và kỹ thuật của các chuyên gia Thụy Điển.  Nhà máy tọa lạc trên diện tích gần 100ha, được xây dựng từ năm 1975. 

Theo báo VnExpress, ngày 30/11/1980, cuộn giấy Bãi Bằng đầu tiên ra lò. Cuộn giấy nặng gần 5 tấn, dài 3,8 mét hoàn thành lúc 11h30.

Bìa vở giấy Bãi Bằng nổi tiếng một thời
Bìa vở giấy Bãi Bằng nổi tiếng một thời

Đến năm 1990, toàn bộ chuyên gia Thụy Điển rời khỏi Việt Nam. Nhà máy giấy chính thức thuộc về Tổng công ty giấy Việt Nam. 

Quyển vở giấy Bãi Bằng với hình ảnh cậu bé cưỡi trâu đã là thương hiệu quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh 7X, 8X. 

Tuy nhiên, nhiều năm qua, giấy Bãi Bằng đang phải vật lộn với những khoản thua lỗ. Chỉ trong vòng 2 năm 2014-2015, Công ty cổ phần Giấy Bãi Bằng đã lỗ 255 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 218,5 tỷ. Trong báo cáo tài chính gần nhất của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), Bãi Bằng có 37 tỷ nợ xấu chưa thể thu hồi. 

Giấy Bãi Bằng hiện vẫn chịu lỗ
Giấy Bãi Bằng hiện vẫn chịu lỗ

Trả lời báo VnExpress, ông Mạc Mạnh Đang, phó tổng giám đốc đương nhiệm, thừa nhận khó khăn lớn nhất mà Tổng công ty giấy Việt Nam và Nhà máy giấy Bãi Bằng đang đối mặt, chính là việc không thoát khỏi các di sản thời trước Đổi mới: từ dây chuyền sản xuất cho đến cây giống, đều là sản vật từ ba bốn mươi năm trước.

Không còn ai dùng quyển vở bìa xanh với cậu bé cưỡi trâu nữa. Nhiều quyển vở đẹp dẽ, bìa bóng đá thay thế. Thời điểm hiện tại, việc thương hiệu Bãi Bằng sẽ còn tồn tại bao lâu vẫn là câu hỏi khó trả lời. 

Kem đánh răng Dạ Lan

Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan do ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc ICC, sáng lập từ năm 1988, ban đầu lấy tên Sonhai (Sơn - Hải, tên của hai người con trai - PV). Ông Nhơn chọn tên Dạ Lan theo tên một chương trình phát thanh yêu thích thời ấy. 

Năm 1989, ông Nhơn mang Dạ Lan ra Hà Nội. Kể từ đó, nhiều đơn hàng từ ngoài Bắc gửi về Nam. Từ 1992 - 1995, Dạ Lan đánh bật các nhãn hàng kem đánh răng của Trung Quốc, chiếm đến 70% thị phần kem đánh răng cả nước; riêng thị trường từ Đà Nẵng trở vào chiếm 90% thị phần. 

Quảng cáo kem đánh răng Dạ Lan thập niên 90
Quảng cáo kem đánh răng Dạ Lan thập niên 90

Năm 1995, ông Nhơn đã ký hợp đồng liên danh với Colgate - Palmolive, bán hết công ty cho nhà đầu tư ngoại này với giá 3,2 triệu USD và được nắm 30% cổ phần trong liên doanh. Thế nhưng, sau này ông Nhơn thừa nhận đó là quyết định sai lầm lớn nhất của ông. 

Năm 1996, thương hiệu Dạ Lan bị xóa sổ, thay thế bằng thương hiệu Colgate. Năm 1998, ông Nhơn buộc phải rời khỏi liên danh và cam kết không tham gia thị trường hóa mỹ phẩm trong 5 năm. 

Năm 2009, ông Nhơn đăng ký thương hiệu Dạ Lan và trở lại thị trường.  Hiện Dạ Lan đang nỗ lực đánh vào các thị trường ngách, sử dụng các kênh phân phối trực tiếp. Ông Nhơn có 70 nhà phân phối ở các tỉnh, đưa hàng về các vùng nông thôn, tham gia các chương trình bình ổn giá. Tuy nhiên, cũng theo ông Nhơn, từ năm 2011 đến nay công ty của ông chưa bao giờ có lãi. 

Kem đánh răng Dạ Lan thời điểm hiện tại
Kem đánh răng Dạ Lan thời điểm hiện tại

 Mì ăn liền Miliket

Mì ăn liền Miliket là một trong những thương hiệu xuất hiện sớm nhất tại Việt Nam. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, mì tôm do Công ty thực phẩm Sài Gòn (tiền thân của Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa – Miliket) sản xuất đã thống lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam.

Hình ảnh mì hai tôm (sau này là bốn tôm) bao bì giấy xi măng đã từng rất phổ biến ở các gia đình thập niên 80-90. Một sản phẩm nữa Miliket cũng khá thành công là mì ký, mì gói đóng trong các túi nilon to 10-20 gói/ túi, không có bao bì bên ngoài. 

Miliket giấy kraft đen là hình ảnh thường thấy từ thập niên 80
Miliket giấy kraft đen là hình ảnh thường thấy từ thập niên 80

Miliket mất dần thị phần khi đối mặt với các hãng mì mới, hình ảnh bắt mắt, bao bì đa dạng như Vina Acecook, Masan, Asia Foods… Từ người dẫn đầu, đến này thị phần của Miliket chỉ ở mức dưới 4% sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam.

Năm 2016, Miliket cũng đầu tư hơn 8,1 tỷ đồng để phát triển các hạng mục mới, trong đó có dây chuyền sản xuất hủ tiếu và sản xuất các mặt hàng sản phẩm từ gạo. Mục tiêu doanh nghiệp đưa ra là tăng sản lượng các sản phẩm từ gạo lên 1.600 tấn/tháng.

Tuy nhiên hiện nay, sản lượng tiêu thụ mì gói giấy kraft với 2 con tôm quen thuộc vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tiêu thụ sản lượng hàng năm của Miliket. Bao bì của Miliket đã có chút biến đổi, xuất hiện bao bì chất liệu khác ngoài giấy kraft đen còn có kraft trắng, giấy kiếng. Ngoài mì gói công ty này đầu tư cả sản phẩm mì ly, hủ tiếu, cháo, bột canh, tương ớt. 

Ngoài Miliket 2 tôm giấy kraft đen hiện giờ Miliket có nhiều chủng loại bao bì
Ngoài Miliket 2 tôm giấy kraft đen hiện giờ Miliket có nhiều chủng loại bao bì

Thay vì tập trung cả thị phần bình dân và cao cấp như trước, Miliket đi theo thị trường bình dân ở các vùng nông thôn. 

Cao sao vàng

Những năm 90 của thế kỷ trước, trong bất cứ gia đình người Việt nào cũng có một hộp Cao Sao Vàng.

Mặt hàng dược phẩm này được Nhà nước giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, nay là Công ty Dược phẩm Trung ương 3 (Hải Phòng), nghiên cứu và sản xuất. Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa có thương hiệu Sao Vàng chính thức được tung ra thị trường. 

Cao Sao Vàng có thành phần gồm long não, sáp ong và các loại tinh dầu quý của Việt Nam, như bạc hà, quế, tràm, hương nhu. Tác dụng nổi bật của loại cao này là chống cảm, chuyên trị đau bụng, nhức đầu, sổ mũi, say tàu, xe... .

Cao Sao Vàng với nắp hộp khó mở từng là huyền thoại 1 thời
Cao Sao Vàng với nắp hộp khó mở từng là huyền thoại 1 thời

Từ sau đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam đạt thỏa thuận hợp tác về xuất khẩu sản phẩm Cao Sao Vàng sang Liên Xô. Để đảm bảo chỉ tiêu cam kết về số lượng xuất khẩu lớn, Tổng Công ty Dược đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Năm 1983, một xí nghiệp tại Đà Nẵng được giao sản xuất lên tới 20 triệu hộp.

Tuy nhiên, sau khi hợp đồng với Liên Xô kết thúc, sản lượng Cao Sao Vàng lại sụt giảm đáng kể. Nhiều xí nghiệp dược phẩm cùng đăng ký sản xuất mặt hàng này trên cơ sở dùng chung logo, nhãn hiệu, nhưng ít đơn vị hoạt động hiệu quả và giữ được đầu ra ổn định. 

Hiện chỉ còn Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3 sản xuất ổn định Cao Sao Vàng
Hiện chỉ còn Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3 sản xuất ổn định Cao Sao Vàng

Hiện Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3 vẫn đang tiếp tục sản xuất lại sản phẩm này với loại 4g và 8g. Bên cạnh đó Cao Sao Vàng lọ thủy tinh 20g.  

Có điều người Việt Nam lại ưa thích dùng các sản phẩm tương tự từ Thái Lan, Trung Quốc hay các hãng nước ngoài. Trong khi Cao Sao Vàng lại là sản phẩm được ưa chuộng ở nhiều nước và đã có mặt ở 15 quốc gia. Thậm chí, du khách Trung Quốc còn bình chọn Cao Sao Vàng là 1 trong 3 sản phẩm đáng mua nhất ở Việt Nam 

Diêm Thống Nhất

Ngày 10/12, Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất thông báo sẽ dừng sản xuất mặt hàng diêm Thống Nhất kể từ năm 2021. Thông tin đã khiến nhiều người hoài niệm một thời hoàng kim của hộp diêm có hình cánh chim bồ câu. 

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất khẳng định sẽ giữ logo cánh chim hòa bình 
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất khẳng định sẽ giữ logo cánh chim hòa bình 

Trao đổi với phóng viên báo Lao động, ông Nguyễn Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, bản thân từng gắn bó hơn 30 năm với doanh nghiệp, ông Hưng không giấu nổi nỗi buồn khi buộc phải dừng sản xuất sản phẩm có tuổi thọ 63 năm.

Tuy nhiên, sản lượng diêm trong những năm gần đây liên tục giảm. Nếu như năm 2018 là 90 triệu bao/năm, thì sang năm 2019 giảm còn 70 triệu bao/năm. Bình quân mỗi năm, sản lượng giảm từ 20-30%.

Ông Hưng cho biết công ty sẽ không sản xuất đại trà diêm, chỉ chọn lọc  cho khách hàng có nhu cầu đặt. "Năm 2020, kế hoạch của công ty vẫn cung cấp khoảng 60 triệu bao diêm phục vụ nhu cầu khách hàng”, ông Hưng chia sẻ.

Bật lửa Thống Nhất mới là mặt hàng cho doanh thu 
Bật lửa Thống Nhất mới là mặt hàng cho doanh thu 

Cũng theo Chủ tịch HĐQT công ty, từ những năm tiếp theo, doanh nghiệp sẽ bắt tay với một đơn vị có đủ tiềm lực để sản xuất mặt hàng diêm mang thương hiệu Thống Nhất. Biểu tượng cánh chim hoà bình trên bao bì sản phẩm sẽ vẫn được doanh nghiệp giữ.

Bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường, những năm gần đây, Công ty Diêm Thống Nhất chuyển sang sản xuất bật lửa an toàn Thống Nhất và bao bì carton. Đây dần trở thành nguồn thu chính của doanh nghiệp trong những năm gần đây. 

TH

Món Huế và The KAfe: chuỗi thương hiệu chết cùng kịch bản?

Món Huế và The KAfe: chuỗi thương hiệu chết cùng kịch bản?

Việc chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa toàn bộ chi nhánh, bị tố nợ lương và quá hạn thanh toán cho nhiều nhà cung cấp đang gây xôn xao