Nỗi buồn nghề tay trái

Mỗi năm, cứ đến dịp 20/11 khắp cả nước lại rộn ràng những hoạt động tri ân các nhà giáo. Dù vui nhưng thầy cô giáo vẫn còn đó những nỗi lo...

.

Thời chiến, biết bao người thầy giã từ bục giảng để xung phong lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng của tổ quốc. Và, nhiều thầy cô giáo trẻ đã mãi nằm xuống trên các chiến trường, để lại những trang giáo án vẫn còn dang dở…

Thời bình, thầy cô giáo vẫn lặng lẽ cống hiến cho đời. Tạm bỏ qua những sự việc gây đau lòng trong ngành giáo dục thời gian gần đây, đời sống giáo viên ở nước ta là điều không biết đến bao giờ mới thôi bàn hết.

Cô giáo được học sinh tổ chức ngày 20/11 ấm áp tại một trường trung học ở Tây Nguyên.
Cô giáo được học sinh tổ chức ngày 20/11 ấm áp tại một trường trung học ở Tây Nguyên.

Nếu không làm thêm, nhà giáo sẽ sống bằng gì? 

Mẹ tôi, một cô giáo mầm non lương ba cọc ba đồng, ngoài giờ lên lớp với vài ba chục trẻ, về nhà lại còng lưng ngồi làm dụng cụ dạy học. Uốn nắn các cháu từ chưa biết gì trở thành một bé biết tuân thủ nề nếp, biết chào hỏi, mềm tay để cầm được nét bút đầu tiên... là điều không hề dễ dàng. 

Thử tính đơn giản, lương của hai vợ chồng làm giáo viên thâm niên 15-20 năm, chỉ khoảng 13-14 triệu mỗi tháng. Với số tiền này, nếu nuôi 2 con một đại học, một trung học, cộng thêm các khoản hiếu hỉ, thuốc thang... cũng chỉ vừa đủ. Chưa kể, hàng chục khoản phải trừ mang tên "ủng hộ" bắt buộc. Nếu thâm niên nghề thấp hơn, hoặc các thầy cô dạy "môn phụ" thì con số thu nhập từ nghề giáo còn ít hơn thế rất nhiều. Vậy tiền đâu để họ dành dụm mua xe, xây nhà, ổn định cuộc sống để yên tâm làm nghề?

Các em trang trí lớp và háo hức tạo bất ngờ cho cô giáo.
Các em trang trí lớp và háo hức tạo bất ngờ cho cô giáo.

 Ngày còn nhỏ, chúng tôi đã quá quen với việc nhìn thấy mẹ 5 giờ sáng dậy cắt rau, nhóm lửa nấu cám, cho bầy heo gần ba chục con ăn, lo bữa sáng cho cả nhà xong nhiều hôm mẹ không kịp ăn đã tất tả chạy đến lớp cho kịp giờ nhận trẻ. Sau giờ dạy mẹ lại tất bật về tưới rau, tắm rửa dọn chuồng, cho heo ăn, vội vàng bữa tối lại ngồi đến khuya để soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học.

Những đồng nghiệp khác của mẹ cũng thế, ngoài buổi lên lớp có người bán hàng thêm ngoài chợ, có người trồng thêm rau cỏ trong vườn... để tăng thu nhập. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm thêm nghề tay trái một cách đàng hoàng, vì thời gian ở lớp đã kín lịch, vì ý nghĩ thầy cô là “cao sang” nên không thể làm những công việc ấy… đã bó buộc người làm nghề giáo.

Bây giờ xã hội đã thay đổi nhiều, bạn bè tôi dạy học ở thành phố làm thêm bằng các nghề "hiện đại" hơn như bán quần áo, mỹ phẩm online, ship hàng, bỏ bánh mì buổi sáng, làm bảo vệ buổi tối, bán tạp hóa trong hẻm, người nhanh nhạy thì làm "cò" đất... các bạn dạy học ở nông thôn thì trồng trọt, chăn nuôi, làm cá, thậm chí chạy xe ôm, chạy bàn đám cưới, rửa chén cho nhà hàng…

Dù vất vả để kiếm thêm dăm ba triệu mỗi tháng, họ thấy cuộc sống dễ thở hơn mà còn sức bám trụ với nghề.

Thầy giáo kiếm thu nhập từ trồng rau.
Thầy giáo kiếm thu nhập từ trồng rau.

Chưa có một khảo sát chính thức thống kê số lượng giáo viên đang phải làm thêm nghề tay trái để trang trải cuộc sống. Nhưng đã có vài trăm lượt bình luận tích cực chia sẻ về công việc làm thêm của mình trong một “status” chạm đến nỗi buồn của họ trên một diễn đàn dành cho giáo viên.

"Ngày tôi đi dạy, tối về đi đánh đàn, tháng kiếm vài show, tối nào không có show thì đi giăng lưới, giăng câu kiếm thêm cá ăn". (Khánh Duy)

"Trường tôi có thầy bán bánh mì chiều tối, có cô đi thu mua ve chai buổi chiều, có cô nhận lau chùi nhà cửa cuối tuần, mọi người đều cố gắng và giảng dạy tốt, thi đua tốt, năm nào cũng đạt giáo viên tiên tiến, rất vui". (Nguyen Thi Bach)

"Quê tôi Bình Thuận. Tờ mờ sáng giáo viên phải thức dậy đi cạo mủ cao su, đến 6h thì về nhà tắm rửa đi dạy. Thiệt tình, không nghề nào như nghề của mình". (Lam Nguyen)

"Tôi dạy gần 6 năm, cũng đang làm thêm buôn bán quán nước và văn phòng phẩm. Cực lắm, nhưng khi bước vào lớp, thấy các em trong sáng mình lại có nghị lực hơn". (Trần Phạm Duy Anh)

"Tôi dạy 14 năm, làm thêm rất nhiều nghề: hớt tóc, bán bảo hiểm, đặt dớn kiếm thêm cá để cải thiện bữa ăn". (Trần Văn Điệp)

"Tôi là giáo viên cao đẳng và tôi bán nước mía. Tiền làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình, mình tự hào chứ!". (naoduong@...)

"Tôi vừa đi dạy vừa chăn bò. Giờ nghề tay trái của tôi là nghề dạy học. Nghề chính là cắt cỏ cho bò ăn". (Trần Hạnh)

Trên mạng thậm chí còn có những bài viết hướng dẫn giáo viên tìm việc làm thêm nghề tay trái để có thu nhập dư dả. Tuy đáng buồn, nhưng không thể phủ nhận đây là chủ đề mà nhiều người trong xã hội quan tâm.

Lăn ra làm thêm sẽ chuẩn bị bài dạy vào lúc nào?

Cô giáo kiếm thêm thu nhập từ việc nấu dầu dừa bán.
Cô giáo kiếm thêm thu nhập từ việc nấu dầu dừa bán.

Một chị bạn là giáo viên của tôi, nhận một chân rửa chén cho nhà hàng. Ca của chị bắt đầu từ 6 giờ chiều, thay bộ áo dài cô giáo ra là bắt tay ngay vào đống chén bát chất trên sàn bếp, khiến chị phải luôn tay luôn chân. Nhiều hôm về đến nhà là rã rượi chỉ muốn nằm lăn ra ngủ, sức đâu mà chăm nom bài vở?

Chị tâm sự rằng "biết là cực lắm nhưng không làm thì lấy tiền đâu mà nuôi con?”.

Một anh bạn khác, là thầy giáo dạy môn thể dục, thâm niên cũng 15 năm, vẫn dạy hợp đồng. Tranh thủ buổi tối anh nhận làm huấn luyện viên tại một hồ bơi. Việc mưu sinh của anh kéo dài từ sáng đến tối, khiến anh không còn chuyên tâm vào nghiên cứu, cũng không dám lấy vợ.

Dù công việc khá vất vả, nhưng vì không muốn bỏ nghề mà họ vẫn cố gắng bươn chải bằng những công việc tay trái để bám trụ với cái nghiệp mà họ đã trót yêu. 

Có những người, dạy văn, dạy khoa học nhưng cả năm trời mấy khi động được vào cuốn sách để nghiên cứu đầu tư bài giảng cho học trò, vì họ bận mưu sinh mất rồi. 

Nghe mà day dứt ...

AN LY (t/h)

Lời chúc 20/11 hay nhất tri ân gửi đến thầy cô giáo

Lời chúc 20/11 hay nhất tri ân gửi đến thầy cô giáo

Ngoài những bó hoa tươi thắm tri ân tới thầy cô giáo, một lời chúc hay và ý nghĩa là món quà tinh thần khiến thầy cô vui trong ngày 20/11.