Nông sản xuất sang Trung Quốc gặp khó vì virus corona hoành hành

Trước tình hình dịch bệnh viêm phổi tại Vũ Hán tăng cao, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp xuất nông sản sang Trung Quốc cần sớm thay đổi phương thức vận chuyển hàng qua biên giới.

Ngày 29/1, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình hiện nay chưa thể nhận thấy được khả năng bệnh dịch viêm phổi Vũ Hán có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc , theo VnEXpress.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ khiến việc đi lại, thông thương tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc gặp khó khăn. Chính vì thế, cơ quan này nhận định, "chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng".

Tính đến 30/1, đã lên gần 8.000 ca nhiễm virus corona ở 15 nước trên thế giới - gần như toàn bộ ở Trung Quốc, khoảng 70 ca ở nước khác, Reuters dẫn số liệu từ WHO. Riêng tỉnh Hồ Bắc ngày 29/1 ghi nhận thêm 37 ca tử vong do virus corona, Tứ Xuyên ghi nhận 1 ca, nâng tổng số người tử vong vì virus lên ít nhất 170, theo giới chức nước này.

Xuất nhập khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn do dịch bệnh.
Xuất nhập khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn do dịch bệnh.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, về phía Trung Quốc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại nước này. Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc hết sức khó khăn.

Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, một số cửa khẩu giáp các tỉnh lào Cai, Lạng Sơn sẽ đóng cửa đến hết ngày 8/2 như cửa khẩu Bằng Tường. Riêng cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) mở cửa trở lại từ 3/2.

Trước tình hình trên, Cục Xuất nhập khẩu đã khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là đơn vị kinh doanh nông sản với đối tác Trung Quốc có ngay giải pháp thay đổi phương thức giao hàng nếu phía bạn không thể nhận hàng. Song song với việc tìm phương thức giao hàng mới, các doanh nghiệp cần chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác hoặc tăng tiêu thụ hàng trong nước. 

Ngoài ra, các địa phương có đường biên giới với Trung quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới nhằm đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.

Được biết, các mặt hàng thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 20%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Đồng thời, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nông thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản. Các sản phẩm nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc gồm rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản...

Dựa trên số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2019 Việt Nam xuất khẩu hơn 1,23 tỷ USD thuỷ sản, trên 2,4 tỷ USD rau quả sang Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu mặt hàng hạt điều là hơn 590,4 triệu USD, cà phê trên 101 triệu USD...

TRÚC BÌNH (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương