Nữ khoa học gia kể hành trình cô độc ở sao Hoả trắng (Kỳ III)

Đã có những điều kỳ diệu phía đường chân trời. Ngày qua ngày trời lúc nào cũng là buổi chạng vạng, những vệt sáng màu hồng, màu tím và xanh nhạt đùa giỡn nhau trên bầu trời, với những bông tuyết tung bay trong cái nền sắc màu kỳ dị đó.

Tháng 6/2018, NASA chính thức công bố kế hoạch chiến dịch mặt trăng - Sao Hỏa như một phần của các văn bản Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết hồi tháng 12-2017. Văn bản yêu cầu tiếp tục thăm dò mặt trăng và bắt đầu các nhiệm vụ Sao Hỏa do con người trực tiếp thực hiện vào năm 2030.

Để chuẩn bị cho kế hoạch đó, trong nhiều năm, người ta đưa các nhóm người tới các trạm nghiên cứu ở Nam Cực, trong đó có trạm Concordia để tiến hành các thử nghiệm tâm lý con người.

Tiến sĩ Nadja Albertsen là bác sĩ được cử đến Concordia để theo dõi sự biến đổi tâm lý của những người ở Nam Cực mùa đông 2019.

PV CNN đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nadja Albertsen trong thời gian cô vẫn ở Concordia. Và đây là bài viết ghi lại cuộc sống từ lúc ánh mặt trời biến mất cho đến khi mặt trời trở lại suốt mùa đông ở nơi được mệnh danh là sao Hoả trắng (cuối tháng 8). Bài viết có 4 phần. Xin lược dịch.

1 năm ở Concordia
1 năm ở Concordia

Kỳ III: Kiếm tìm giải pháp

Sâm-banh chảy tràn. Một số thành viên quyết tâm dốc cạn số rượu này trước khi mùa đông kết thúc, thậm chí cho vào nấu cùng với món cơm Ý risotto.

Tới ngày 5/8, khi trò chuyện với PV, mặt trời vẫn chưa xuất hiện như Albertsen nghe đồn. Nhưng đã có những điều kỳ diệu phía đường chân trời. Ngày qua ngày trời lúc nào cũng là buổi chạng vạng, những vệt sáng màu hồng, màu tím và xanh nhạt đùa giỡn nhau trên bầu trời, với những bông tuyết tung bay trong cái nền sắc màu kỳ dị đó.

Concordia vừa phải hứng chịu một thất bại khó nuốt. Mỗi năm các trạm nghiên cứu của Pháp ở các lục địa và các đảo khu vực Nam Cực đều tổ chức một giải đấu thể thao, còn được gọi là Thế Vận hội Nam Cực. Năm nay nội dung tranh tài gồm có đạp xe 8km, chạy 5km, Crossfit (thể hình kết hợp), plank. Các đội sẽ tự thi trong phòng tập của các trạm. Thời gian và điểm số được gửi email đến các trọng tài.

“Tất nhiên, ai cũng cho rằng trạm đối phương gian lận, đặc biệt là khi mình đứng bét bảng”, Albertsen nói. Thiếu oxy là cái cớ “nghe Hư Trúc mà rất Mộ Dung Phục” của Concordia cho thành tích tệ hại của mình.

Trong khi theo dõi mọi người thì Albertsen bắt đầu nếm trải những cơn mất ngủ của chính bản thân. Bắt đầu là từ tiếng chuông báo thức lúc 2h sáng của đồng đội để xem Vòng Chung kết bóng đá nữ thế giới và cô bị cuốn vào 2 tuần mà “việc ngủ nghê thực sự thực sự tồi tệ”. “Ờ đấy, giờ mắt tôi mở thao láo đúng kiểu người sống ở Nam Cực”, cô cười lớn.

Chỉ có mỗi một người vẫn “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, chả có nhu cầu tham gia góp chuyện với ai. Albertsen kể: “Cậu ấy thoải mái, đó có lẽ không hẳn là một điều quá tệ”.

Vào tháng 7, Internet bị đứt trong 2 ngày. Việc liên lạc chuyển sang điện thoại vệ tinh và bộ đàm VHF lỗi mốt - thứ lại dùng thường xuyên hơn cả.

Nguyệt thực một phần vào một đêm giữa tháng 7, đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm con người đặt chân lên mặt trăng/ Ảnh: Albertsen
Nguyệt thực một phần vào một đêm giữa tháng 7, đúng dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm con người đặt chân lên mặt trăng/ Ảnh: Albertsen

 Việc liên lạc với bên ngoài là một hoạt động cực kỳ quan trọng của Concordia. Những người ở đây coi các kênh liên lạc như một điểm tựa. Albertsen đã nghe nhiều về việc các thành viên gửi các email không hài lòng tới các trạm nghiên cứu khác, bày tỏ sự bất bình thay vì chia sẻ trong nội bộ với nhau.

Đó là một phần của chiến thuật tránh xung đột bằng cách liên lạc với bên ngoài từng được áp dụng trong dự án Mars500 hồi 2010-2011.  Những nghiên cứu phân tích các tin nhắn gửi tới trung tâm điều khiển NASA đã kết luận các thành viên dự án có xu hướng trút cảm xúc tiêu cực của họ cho bên ngoài để ngăn chặn mâu thuẫn trong nội bộ. Một nghiên cứu năm 2016 của NASA cũng cho thấy việc trút sự thất vọng vào các bài viết cá nhân gửi ra bên ngoài có lợi hơn cho phi hành đoàn của Trạm vũ trụ quốc tế ISS (mặc dù đây cũng không được coi là giải pháp thay thế hỗ trợ chữa bệnh tâm lý)

Hai thành viên đội mùa đông ở bên ngoài trạm, trong cái lạnh lên tới -80 độ C của mùa đông Nam Cực/ Ảnh: Albertsen
Hai thành viên đội mùa đông ở bên ngoài trạm, trong cái lạnh lên tới -80 độ C của mùa đông Nam Cực/ Ảnh: Albertsen

Liệu pháp này có thể như một cái van xả cho những người tham gia hành trình dài trong vũ trụ? Trên sao Hoả, mức độ truyền tin có thể sẽ phải chờ lên tới 20 phút một chiều cho một tin nhắn. “Các thành viên phi hành đoàn phải tự lực thôi”, bà Ngo-Anh nói.

Công nghệ trên các chuyến bay có thể hỗ trợ họ. Bà Ngo-Anh nói rằng đã có các thử nghiệm đã tiến hành trên ISS như CIMON (Crew Interactive Mobile ompanioN - Đồng hành tương tác cùng phi hành đoàn).  Người ta dùng robot với công nghệ AI, đóng vai trò các trợ lý ảo đi cùng cả đoàn và hỗ trợ tâm lý, ổn định xung đột trên tàu.

Không phải tất cả các mối nguy hiểm tiềm ẩn cho các nhiệm vụ ngoài không gian đều do tác động ngoài vũ trụ, nhiều rắc rối là do con người gây ra, Ngo-Anh bổ sung. Khi một nhóm người bị giam trong một không gian nhỏ hép suốt một thời gian dài, khó kiểm soát hành vi là điều khó tránh.

Cho đến nay, chưa có ghi nhận trường hợp khẩn cấp nào mất năng lực hành vi hoặc mất kiểm soát. Nhưng chính NASA cũng thừa nhận trong báo cáo 2016, “Thời gian trung bình của các chuyến bay càng tăng, bay càng nhiều thì vấn đề càng lắm”.

Nam Cực ngày một nhiều sự cố. Đã có báo cáo về các vụ bạo lực giữa các thành viên trong các trạm nghiên cứu, nguyên do đều từ việc căng thẳng do bị cô lập kéo dài. Vào tháng 10 năm 2018, một nhà nghiên cứu đã bị buộc tội đâm một người khác tại trạm Bellingshausen - một trạm nghiên cứu của Nga trên đảo King George (một hòn đảo thuộc quần đảo South Shetland, một nhóm đảo Nam Cực nằm cách bờ biển Nam Cực khoảng 120km -ND). Hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin thủ phạm đã tự nộp mình cho trạm trưởng, bị đưa trở lại Nga và bị buộc tội giết người. Vụ việc sau đó đã được hai bên hoà giải và không đưa ra xét xử.

Chẳng ai mong sẽ có những ca căng thẳng như vậy khi đang đi lên sao Hoả. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như giữa chừng có phi hành gia nào có hành động nguy hại mức độ cao như thế? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.

“Chúng tôi chưa có một quy trình chuẩn để xử lý những việc như vậy. Chúng tôi đã thử rất nhiều phương án, cả trên ISS hay ở những nơi như Concordia, nhưng rất tiếc chúng tôi vẫn chưa có giải pháp tối ưu”, Ngo-Anh thừa nhận.

TS Jennifer Ngo-Anh, trưởng nhóm tại Cơ quan thám hiểm con người và robot của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu ESA/ Ảnh: Euronews
TS Jennifer Ngo-Anh, trưởng nhóm tại Cơ quan thám hiểm con người và robot của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu ESA/ Ảnh: Euronews

Trong trường hợp có sự cố nghiêm trọng hoặc vấn đề tâm lý tại Concordia, Albertsen, sau khi kiểm tra với bác sĩ chính, sẽ sử dụng đến thuốc an thần và gọi điện cho các chuyên gia tâm lý ở Pháp hoặc Ý .

Tháng trước, trong cuộc trò chuyện với PV, Albertsen đã đề cập đến vụ việc tại Bellingshausen. Theo cô, việc sàng lọc các ứng viên phù hợp để đưa đến đây cần phải là việc đặt lên hàng đầu.

Các lính mới của Concordia trải qua các bài kiểm tra tâm lý nghiêm ngặt được thực hiện bởi PNRA (Viện nghiên cứu cực của Ý), và IPEV (Viện nghiên cứu cực của Pháp), trước khi trải qua các bài kiểm tra thể chất mở rộng. Phi hành đoàn IPEV (bao gồm cả Albertsen) gặp nhau hàng tháng trước khi bay đến đây, trong khi phi hành đoàn PNRA phải cắm trại ở Mont Blanc (Pháp) cùng sự tham gia của chuyên gia tâm lý như một bài tập tác chiến nhóm.

“Tôi đã đặt rất nhiều niềm tin vào công tác lựa chọn các ứng viên cũng như các bài kiểm tra tâm lý Concordia. Họ biết họ đang làm gì và nguy cơ cho những thứ kiểu như (chuyện ở Bellingshausen) sẽ rất thấp”, Albertsen nói.

Albersen nghĩ rằng phi hành đoàn đã ngày một tốt hơn khi mùa đông thì sắp trôi qua. Mọi người đang suy nghĩ về tương lai. Chẳng hạn như công việc và vị trí làm sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Concordia. Albersten cũng vậy. Cô có thể đi bất cứ nơi nào. Nhưng quê hương Đan Mạch vẫn có sức hút mạnh mẽ với cô hơn cả.

Nhà nghiên cứu của ESA cũngđã nhận thông báo về người sẽ đến thay vị trí của cô tại Concordia, một bác sĩ- thạc sĩ Hà Lan chuyên ngành y học vũ trụ. “Anh ấy chắc sẽ rất thích hợp”, Albertsen nói. Trong số những nghiên cứu anh thực hiện tại Concordia sắp tới, có một phần có liên quan đến nhận thức, trầm cảm, thích ứng tâm lý của các thành viên.

Trước khi đoàn công tác mới đến thay thế, tổng vệ sinh là công việc được đặt lên hàng đầu. Phải quét dọn lại các khu bên ngoài.  Turbosider, một phòng lưu trữ dưới lòng đất chứa các phương tiện đi lại, vốn bị tuyết vùi sâu, bây giờ sẽ được lôi ra để đón mùa mới.

Ánh bình minh chưa xuất hiện ở Concordia. Nhưng nó cũng đang dần tới rồi.

Ánh sáng đang dần nhú lên ở Concordia vào một ngày cuối tháng 7/ Ảnh: Albertsen
Ánh sáng đang dần nhú lên ở Concordia vào một ngày cuối tháng 7/ Ảnh: Albertsen

Kỳ IV: Bước tiến vĩ đại của nữ giới

"Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đặt chân lên Nam Cực. Giờ, họ đang hướng tới mặt trăng. Và họ cũng có thể sẽ đánh bại cánh đàn ông khi đặt chân trước lên sao Hoả".

MN (Theo CNN)

NASA tái khởi động dự án đi bộ đầu tiên trong không gian của những nữ du hành gia

NASA tái khởi động dự án đi bộ đầu tiên trong không gian của những nữ du hành gia

Dự án đội nữ phi hành gia đầu tiên đi bộ trong không gian sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 10

Đọc nhiều nhất