Nửa tỷ người có thể rơi vào cảnh nghèo đói vì COVID-19

Ngày 9/4, tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động tiêu cực đến các nền kinh tế thế giới có thể đẩy khoảng nửa tỷ người vào tình trạng nghèo đói.

Theo TTXVN, Oxfam công bố báo cáo trên trước thềm cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) vào tuần tới. Báo cáo đã đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với nạn nghèo đói toàn cầu do thu nhập hoặc tiêu dùng gia đình bị thu hẹp.

Oxfam cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra đang diễn ra sâu rộng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mọi tính toán cho thấy dù ở bất kỳ kịch bản nào, tỷ lệ nghèo đói có thể tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990 và điều này có thể khiến một số quốc gia trở lại mức nghèo cách đây 3 thập kỷ.

Các tác giả của báo cáo trên đã đánh giá theo một trong số kịch bản có tính đến các mức nghèo khác nhau của WB, từ nghèo đói cùng cực với mức sống 1,9 USD/ngày hoặc ít hơn, đến mức nghèo với mức sống dưới 5,5 USD/ngày. Trong trường hợp tồi tệ nhất – thu nhập giảm 20%, số người sống trong cảnh nghèo cùng cực sẽ tăng 434 triệu người, lên 922 triệu người trên toàn thế giới.

Theo Oxfam, khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra đang diễn ra sâu rộng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Oxfam, khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra đang diễn ra sâu rộng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tương tự, số người có mức sống dưới 5,5 USD/ngày cũng tăng 548 triệu người, lên gần 4 tỷ người. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới vì họ thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức vì ít hoặc không có quyền làm việc. Báo cáo cảnh báo những người nghèo nhất thường không có khoản dự trữ, đồng thời cho rằng hơn 2 tỷ người làm việc trong khu vực phi chính thức trên khắp thế giới không được tiếp cận khoản tiền trợ cấp khi nghỉ ốm.

Hồi tuần trước, WB cho biết tỷ lệ nghèo đói ở riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể tăng lên 11 triệu người nếu tình hình tồi tệ hơn nữa. Để giảm bớt tác động của dịch bệnh, Oxfam đề xuất kế hoạch hành động 6 điểm gồm cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt và cứu trợ các cá nhân và doanh nghiệp cần thiết, kêu gọi xóa nợ, hỗ trợ nhiều hơn của IMF và tăng viện trợ…

Việc kêu gọi giảm nợ đã tăng lên trong những tuần gần đây khi dịch bệnh gây ra những tác động tiêu cực ở các nước đang phát triển. Ước tính, các nước trên toàn cầu cần phải huy động ít nhất 2.500 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Theo Oxfam, các nước giàu trong thời điểm khủng hoảng hiện nay đã cho thấy họ có thể huy động hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu các quốc gia đang phát triển không có khả năng làm như vậy để đối phó với những tác động đối với nền kinh tế và ngành y tế, cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục diễn ra và sẽ gây ảnh hưởng thậm chí lớn hơn đối với tất cả các nước.

TTrong khi đó, tại Zimbabwe, theo số liệu của Chương trình Lương thực thế giới (WEP) của Liên hợp quốc công bố ngày 8/4, khoảng hơn một nửa dân số Zimbabwe đang phải đối mặt với nạn đói, trong đó khoảng nửa triệu người rơi vào tình trạng đói nghiêm trọng.

Cộng đồng quốc tế và  Chính phủ Zimbabwe  cần có những nỗ lực cụ thể để ngăn chặn nguy cơ thảm hoạ nhân đạo có thể xảy ra.
Cộng đồng quốc tế và Chính phủ Zimbabwe cần có những nỗ lực cụ thể để ngăn chặn nguy cơ thảm hoạ nhân đạo có thể xảy ra.

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn kết quả nghiên cứu của WEP cho biết số người đang phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực ở Zimbabwe đã tăng từ mức 3,8 triệu vào cuối năm 2019 lên 4,3 triệu người hiện nay. Như vậy, hơn một nửa dân số Zimbabwe (7,7 triệu người) đang phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế .

Trong những năm trước đây, chủ yếu người dân tại các khu vực nông thôn cần phải có được sự hỗ trợ. Nhưng thời gian gần đây, hàng triệu người dân thành thị cũng cần viện trợ.

Theo Giám đốc WEP tại Zimbabwe Eddie Rowe, đại dịch COVID-19 đã khiến người dân nước này đối mặt nhiều khó khăn hơn để có thể kiếm được lương thực duy trì cuộc sống.

Cộng đồng quốc tế và Chính phủ Zimbabwe cần có những nỗ lực cụ thể để ngăn chặn một thảm hoạ nhân đạo có thể xảy ra tại quốc gia này.

Cũng trong ngày 8/4, WEP đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp nhằm huy động 130 triệu USD hỗ trợ lương thực cho người dân Zimbabwe. Đây là một phần của gói viện trợ trị giá 472 triệu USD được thực hiện từ nay đến cuối năm 2020.

Siêu lạm phát, ở mức 540% trong tháng 2, đã đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tại Zimbabwe lên cao, vượt quá khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Nền kinh tế nước này cũng đã suy thoái trong hơn 10 năm qua, hiện đang phải gánh chịu các “cú sốc” liên quan đến các vấn đề vĩ mô, cũng như biến đổi khí hậu. Đại dịch COVID-19 đang là một trong những mối đe doạ có thể khiến khủng hoảng kinh tế và nạn đói càng trở nên trầm trọng tại Zimbabwe.

Người dân tiếp gạo cho máy "ATM gạo" miễn phí 

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương