Pháp, Đức kêu gọi chính quyền ông Biden cùng bắt tay đối phó Trung Quốc

Các quan chức châu Âu muốn chính quyền mới của Mỹ sẽ cùng hợp tác để đối phó với Trung Quốc về các vấn đề thương mại, cơ sở hạ tầng số.

Trong bài viết đăng tải trên Washington Post ngày 16/11, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Đức Heiko Maas đã kêu gọi ông Joe Biden sẽ cùng hợp tác với châu Âu trong nỗ lực đối phó với Bắc Kinh. Ông Biden hiện được các hãng tin tính toán và dự đoán sẽ đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay, theo Dân trí.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: MEAE 
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: MEAE 

“Với ông Biden, sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương sẽ trở nên tốt hơn nhằm đối phó những quốc gia muốn nâng cao quyền lực bằng cách phá hoại trật tự quốc tế hoặc khu vực. Dưới thời ông Biden, kim la bàn trong chính sách ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục hướng về Trung Quốc - quốc gia mà châu Âu coi là đối tác, đối thủ canh tranh và đối thủ hệ thống”, hai nhà ngoại giao viết.

Pháp và Đức kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu EU nên bàn bạc lẫn nhau để hợp tác trong cách tiếp cận với vấn đề như cơ sở hạ tầng số và thương mại của Trung Quốc. Ông Biden hôm 16/11 cũng cho rằng Mỹ cần hợp tác với các đồng minh để thách thức Trung Quốc về các hành vi thương mại bất bình đẳng. Trước đó, cả Mỹ và EU đều phàn nàn về những chính sách hạn chế tiếp cận thị trường mà Trung Quốc ban hành.

Tuy nhiên, trong khi Đức và Pháp kêu gọi mỹ tham vấn với châu Âu, Na Uy lại mong muốn Mỹ dẫn đầu trong nỗ lực đối phó Trung Quốc .

“Sự lãnh đạo và cam kết của Mỹ là rất cần thiết”, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide phát biểu trong một sự kiện trực tuyến do quỹ German Marshall (Mỹ) tổ chức.

Bà Soreide cho rằng “một trong những điều gây kinh ngạc” nhất trong chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là việc Washington đương đầu với Trung Quốc bằng cách rút khỏi các mối quan hệ hợp tác quốc tế.

“Điều đó tạo ra khoảng trống cho Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng nhiều hơn nữa và điền vào chỗ trống một cách nhanh chóng”, bà Soreide nhận định, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Mỹ lãnh đạo mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya hôm 16/11 nói với BBC rằng sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và EU hiện tại có thể là trở ngại cho bất cứ chính sách chung nào về vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là nỗ lực chống lại “hành vi thương mại bất công của Bắc Kinh”.  

Ông Peter Beyer. Ảnh: DW
Ông Peter Beyer. Ảnh: DW

Trước đó, vào cuối 9/2020, một quan chức Đức cho rằng châu Âu và Mỹ cần phải cùng đối mặt với “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc” dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

“Châu Âu phải vai kề vai với Mỹ để đối mặt với thách thức to lớn của Trung Quốc. Cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ định hình thế kỷ này”, hãng tin AFP dẫn lời Điều phối viên của chính phủ Đức về quan hệ với Mỹ và Canada Peter Beyer.

Theo ông Beyer, liên quan tới vấn đề Trung Quốc và Iran, Mỹ và châu Âu có “những lợi ích tương đương và đôi khi giống nhau”. “Đó là lý do mà tôi cảm thấy thất vọng vì chúng ta không thể tìm thấy một mẫu số chung ngay bây giờ”, ông Beyer nói, đề cập tới các vấn đề như việc ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nỗ lực chống COVID-19, các phương án kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và đối phó với biến đổi khí hậu.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương