Phụ nữ đất Cảng

Sách cũ viết rằng: “Thành hoàng” Hải Phòng là bà Lê Chân - nữ tướng của Hai Bà Trưng. Năm 40 sau công nguyên, đánh giặc Đông Hán, bà được phong là Thánh Chân Công chúa và về sông Cấm lập làng An Biên, đất tổ Hải Phòng ngày nay. Người Hải Phòng ghi ơn bà lập Đền Nghè thờ và dựng tượng bà bằng đồng cao 9 mét trên quảng trường trung tâm thành phố. Trước lúc dựng tượng, các nhà sử học đã tranh cãi nhau chán chê về dung nhan, và thần sắc của bà. Nhiều người Hải Phòng không được dự bàn các cuộc họp ấy, song họ cho rằng bà Lê Chân phải xinh đẹp, mạnh mẽ, trung hậu, tài năng… vì cứ suy từ con cháu của bà - những người phụ nữ Hải Phòng bây giờ - họ đều thế cả!

Đẹp mà tài năng, mạnh mẽ mà dịu dàng

Phụ nữ Hải Phòng rất đẹp thì đương nhiên rồi! Không thế thì sao họ giành được bao vương miện trong các cuộc thi Người đẹp quốc gia, quốc tế? Anh N.V.B trưởng phòng kinh doanh một công ty nhỏ, ngày ngày anh thường đủng đỉnh ngồi uống cà-phê ở đầu phố Nhà hát Lớn, ngắm nhìn những người phụ nữ Hải Phòng xinh đẹp lướt qua.

Tượng nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng
Tượng nữ tướng Lê Chân tại Hải Phòng

Một sáng đẹp trời trước ngày 8/3, anh nói với tôi từ cái “điểm ngắm” của mình bằng một giọng không cho cãi: “Người (phụ nữ) Hải Phòng đẹp một cách mạnh mẽ, ít ai đa cảm như cây trinh nữ, chỉ cần một làn gió nhẹ chạm vào là đã xấu hổ. Người Hải Phòng đẹp một cách dễ hiểu, như cuốn sách mở.

Nhưng ngưòi Hải Phòng đẹp không nhàm chán, ít người chỉ biết mỗi việc kể lể về mình rồi nhấp nhỏm ra soi gương. Phụ nữ Hải Phòng nồng nàn. Được yêu họ thật hạnh phúc. Trừ phi (rất thỉnh thoảng thôi) họ nổi giận hét ầm lên như đánh thức cả người chết. Đấy là khi họ bị chạm vào lòng tự trọng. Còn khi đau khổ, họ nuốt tất cả vào trong.”

Tôi không nghĩ rằng cá tính mạnh mẽ của người phụ nữ Hải Phòng làm mất đi vẻ dịu dàng của họ. Tôi biết chị Lê Minh Hằng giáo viên toán. Chị mảnh mai như một tiếng thở dài và dịu dàng như ánh trăng chiếu trên mặt hồ. 25 năm quen biết chị, tôi chưa bao giờ bắt gặp chị nói to hơn lời thủ thỉ của cây đàn cello.

Nhưng tất cả “Lớp chọn ngược” trường Trần Nguyên Hãn - nơi tập trung những học sinh ngỗ nghịch - đều kính nể chị, gọi chị là mẹ, đến tận bây giờ khi đã thành người lớn. Phương châm giáo dục của chị Hằng cực cổ điển: “Phải thực lòng yêu học trò”. Chị rất mềm mại, nhưng đấy là thứ lạt mềm buộc chặt. Chị như nước của Lão Tử, khe hở nào cũng thấm được và làm vỡ cả đá núi. Thực lòng mà nói, phụ nữ Hải Phòng như chị Hằng thì không phải nhiều!

Ngày xưa, tôi vẫn nghĩ rằng phụ nữ xinh đẹp ắt phải ngờ nghệch. Khoảng 10 năm trước, khi gặp năm người phụ nữ ở Phòng Mầm non thuộc Sở Giáo dục đào tạo Hải Phòng tôi mới thấy mình ngu ngốc. Trời ơi, họ đã xinh đẹp lại còn tài năng. Tôi sẽ chụp ảnh năm cô đăng báo để mọi người thấy các cô xinh đẹp nhường nào. Còn tài năng thì ngành học Mầm non Hải Phòng đã được Bộ Giáo dục công nhận là Lá cờ đầu ngành học Mầm non cả nước. Nhưng không chỉ có Mầm non đâu nhé.

Thiếu nữ thành phố Hoa phượng đỏ xinh đẹp, dịu dàng
Thiếu nữ thành phố Hoa phượng đỏ xinh đẹp, dịu dàng

Khi cô ca sĩ Lâm Phương bước lên sân khấu biểu diễn, nhiều người đã phải thốt lên ngạc nhiên: Tạo hóa đã quá hào phóng cho cô cả thanh lẫn sắc. Cô có hình thức của một người làm nát tim con trai và khi cô xuất thần hát “Chảy đi sông ơi” thì dường như máu chảy trong nhiều người… đông lại.

"Tôi chỉ sống ở Hải Phòng và chỉ lấy vợ Hải Phòng, nên chỉ biết về phụ nữ Hải Phòng như thế..."

Sự thật, Hải Phòng không thiếu những phụ nữ tài trong nhiều lĩnh vực. Chị Nguyễn Thị Nghĩa là nhà hoạt động chính trị, chức to nhất nhì thành phố - là Phó bí thư Thành ủy Hải Phòng. Chị Lê Thành Lự, chị Nguyễn Phi Yến, chị Nguyễn Bích Hòa, chị Phượng “muối”... là những nữ doanh nghiệp thành đạt.

Hiện thành phố có 300 tiến sĩ, thạc sĩ là nữ. Song, tôi rất có ấn tượng với các chị em “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, ngày ngày “nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”, giúp chồng thành đạt - những thành tích không ầm ĩ, ít khi xuất hiện trên các trang nhất báo chí, nhưng thiếu họ thì xã hội không yên!

Bạo hành, đói nghèo và bất bình đẳng - vẫn còn!

H. thuộc hạng đàn ông mà các bà mẹ cẩn thận vừa nhìn thấy đã có cảm giác bất an. H. có hình thức của một đao phủ trái tim phụ nữ và sự tham lam của kẻ đào mỏ chuyên nghiệp. Còn C. là một cô gái nhà lành, sống giữa thành phố mà ngây thơ như một cô gái quê mang gà lên bán chợ tỉnh. Cô chán những cậu thanh niên nhạt nhẽo, mặt còn đầy mụn trứng cá vây quanh, để rồi sa vào vòng tay quyến rũ của H.

Cuộc đời cô thay đổi hẳn từ đó. H. đẽo cô đến tận xương. Khi C. không còn khả năng phục vụ cho những đòi hỏi tình dục vô độ của H. thì gã trở nên tàn nhẫn. Những trận đòn thù triền miên đã biến C. từ một cô gái hớn hở sức xuân thành người đàn bà bệch bạc như vải phai màu.

Hồ sơ công an viết rằng C. chết vì uống thuốc chuột lúc 26 tuổi. Một vị thẩm phán TAND TP Hải Phòng cho biết hầu như tuần nào tòa cũng nhận được đơn xin ly dị vì bạo hành trong gia đình.

Cuộc đời của A. lại khác. Bạn bè bảo rằng cô “sa chĩnh gạo”. Chồng cô là một công chức hải quan. Anh không cờ bạc, rượu chè, lại làm ra tiền. Anh đắp cho cô đủ thứ. Mỗi khi ra đường cô như sắp ngã vì đồ trang sức. Anh chẳng đòi hỏi gì, chỉ yêu cầu cô bỏ trường lớp về nhà. Từ đó cả ngày cô ngồi trước gương ngắm nghía hình mình trong đấy.

Cô quên hết những hiểu biết ngày xưa. Kiến thức của cô bây giờ là chất lượng và giá cả những đồ mỹ phẩm Hàn Quốc. Mọi ý thích đều được thoả mãn làm cho cô buồn và không có ước mơ. Chồng cô thì vui vì có một con búp bê trong nhà.

Thế rồi một hôm, cô rụng rời phát hiện ra chồng cô có “bồ” - một người phụ nữ cứng tuổi hơn cô, nhan sắc kém cô, nhưng tri thức hơn hẳn cô, tâm hồn đồng điệu hơn với chồng cô. Bi kịch của A. là cô tự nguyện rời bỏ quyền tự hoàn thiện của mình, để rồi đánh mất mình.

Sự bất bình đẳng trong quan hệ giới không chỉ giấu kín trong phạm vi của gia đình. Nó lộ mặt ngay ngoài đường. Có hàng ngàn người phụ nữ Hải Phòng đang phải làm những công việc cực kỳ nặng nhọc: gõ rỉ tàu biển, cuốc đá làm đường… Còn trong quán nhậu, nhà hàng - 90% là nam giới!

Đấy là sự bất bình đẳng nhìn thấy. Còn có sự bất bình đẳng vô hình. Nó là quan niệm phong kiến “trọng nam khinh nữ” trong các đồng nghiệp, thậm chí cả lãnh đạo. Phụ nữ luôn bị “cho điểm” thấp hơn khả năng có thực của họ. Trong các cấp uỷ Đảng, cấp thành phố cứ 10 người có 1 nữ, ở Hội đồng nhân dân thành phố cũng như vậy.

Thành phố Hải Phòng vẫn đang cố gắng có nhiều chương trình giúp chị em xóa đói giảm nghèo
Thành phố Hải Phòng vẫn đang cố gắng có nhiều chương trình giúp chị em xóa đói giảm nghèo

Hiện nay Hải Phòng đang có tốc độ phát triển kinh tế 13%. Nhưng vẫn còn đó những người dưới mức nghèo khổ. Tôi đã vào các ngôi nhà tranh của nhiều chị ở ngoại thành. Cái nghèo như nằm sẵn trong những bức tường đất khi nhà mới bắt đầu xây.

Nhà chị K. chồng và ba con đều nghiện, chị ngóc đầu làm sao nổi. Chị Cười có một gánh rau làm sao nuôi đủ người chồng thương binh và sáu đứa con nhiễm chất độc da cam... Đói nghèo sinh ra tệ nạn. Người (phụ nữ) Hải Phòng bị mang tiếng vì khu nghỉ mát Đồ Sơn với những cụm từ kèm theo không chút mập mờ “giá rẻ không ngờ”. Thành phố Hải Phòng đã có nhiều chương trình giúp chị em xoá đói giảm nghèo. Đây là mục tiêu phấn đấu lâu dài.

Hà Linh Quân

Đường lên xứ Lạng

Đường lên xứ Lạng

Liệt kê ràn rạt địa danh xứ Lạng, như những kẻ ham đi thường nhấn “check in” trong hành trình lướt qua, đối với tôi dường như có điều gì không phải