Phụ nữ Trung Quốc chuộng cuộc sống độc thân, độc lập và tập trung vào giá trị bản thân

Ngày càng nhiều giới trẻ Trung Quốc trốn tránh áp lực kết hôn từ xã hội, phản ánh xu hướng tại các quốc gia khác.

Mary Zhu, một giáo viên dạy piano, đã thuê một căn hộ hai phòng ngủ tại một khu đất từng là nhượng địa của người Pháp tại Thượng Hải, và sống một mình với hai chú mèo.

“Hồi trước, tôi vẫn luôn tưởng tượng bản thân nuôi mèo sau khi kết hôn. Sau khi có 2 chú mèo này, tôi nghĩ kết hôn giờ để làm gì?”, cô cho biết.

Cô gái 32 tuổi này có một cuộc sống đơn giản nhưng mãn nguyện. Mỗi khi không phải dạy ở trung tâm, cô thường dành thời gian với bạn bè, khám phá thành phố hay ở nhà chơi với 2 chú mèo.

Tại một đất nước mà giá trị đạo lý và truyền thống gia đình luôn được đánh giá cao, phong cách sống độc thân của Zhu vẫn luôn được xem là bất thường.

Cô giáo dạy piano Mary Zhu bên một trong hai chú mèo của mình
Cô giáo dạy piano Mary Zhu bên một trong hai chú mèo của mình

Vậy nhưng những năm gần đây, số lượng “người độc hành” (self-partnered) – như diễn viên Emma Watson từng mô tả về bản thân cô năm ngoái- ở giới trẻ Trung Quốc có xu hướng gia tăng.

Theo Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2019, khoảng 210 triệu người trên độ tuổi 15 chưa từng kết hôn, tính đến cuối năm 2018. Dữ liệu mới nhất từ Cục Nội vụ chỉ ra rằng tỉ lệ kết hôn tại Trung Quốc đã sụt giảm từ năm 2013. Năm ngoái, 9,2 triệu hôn nhân được đăng ký, giảm 8,5% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế cũng cho thấy sự gia tăng xu hướng “kinh tế độc lập” (solo economy), khi tăng doanh số bán các sản phẩm như bữa ăn cho một người, vé máy bay đơn hay thậm chí việc sử dụng các bot karaoke cho một người, phản ánh xu hướng đã được thấy ở các quốc gia khác.

Một số người độc thân tại Trung Quốc nói rằng họ muốn tập trung vào giá trị bản thân hơn là vào người khác.

Tỉ lệ hôn nhân ở Trung Quốc đã sụt giảm trong bảy năm gần đây (Ảnh: AFP).
Tỉ lệ hôn nhân ở Trung Quốc đã sụt giảm trong bảy năm gần đây (Ảnh: AFP).

Zhang Jiaqui, giám đốc marketing cho một nhà hàng ở Bắc Kinh, đã sống một mình từ năm 2013 sau khi chia tay bạn trai.

Cặp đôi đã từng sống chung khoảng 2 năm rưỡi, tính cả năm mà cô đã dành thời gian đợi người yêu ở nhà và chuẩn bị bữa tối khi anh làm việc ở Thượng Hải. Cô cho biết cô đã quyết định chia tay khi anh có công việc mới ở Nhật và muốn cô ra nước ngoài với anh.

“Tôi thấy bản thân như đánh mất mình, đánh mất giá trị cuộc sống của mình”, cô chia sẻ. Cô cho biết cô đã nhận ra rằng bản thân không phải là một thứ “trang sức cho đàn ông”.

“Khi chia tay, anh ta nói thích cách chúng tôi từng sống, sẽ không chịu nổi nếu chia tay. Nhưng cái mà anh ta thích thú lại chính là thứ mà tôi ghét nhất. Đó là một cái lồng và tôi đã tự khóa bản thân mình bên trong”, cô cho biết.

Từ khi quay trở lại Bắc Kinh và khôi phục lại sự nghiệp, cô thấy mãn nguyện với cuộc sống của mình, dành thời gian kết nối với bạn bè, thăm viện bảo tàng, vẽ và chơi với những chú mèo.

Zhang cho biết cô vẫn mở lòng cho một mối quan hệ, nhưng coi trọng giá trị bản thân hơn tình yêu.

Còn đối với Zhu, giáo viên piano, cô cũng không loại trừ ý định kết hôn nếu gặp đúng người, nhưng cho biết: “Hôn nhân không dễ như mọi người nghĩ… nó đòi hỏi bạn hy sinh rất nhiều tự do cá nhân”.

Số người độc thân gia tăng tại Trung Quốc phản ánh xu hướng đang thấy ở các quốc gia khác như tỉ lệ sinh con giảm và độ tuổi kết hôn trung bình tăng.

Theo Hou Hongbin, một cây bút về nữ giới ở Quảng Châu cho rằng số người chưa kết hôn vẫn tương đối ít, thậm chí so với những quốc gia châu Á khác, nơi mà con người cũng phải đối mặt với những áp lực xã hội tương tự để kết hôn.

Một số giới trẻ Trung Quốc thích giao tiếp hơn hẹn hò (Ảnh: AFP)
Một số giới trẻ Trung Quốc thích giao tiếp hơn hẹn hò (Ảnh: AFP)

Năm 2015, theo một báo cáo trên tờ The Korea Herald, 90% nam giới và 77% nữ giới độ tuổi từ 25 đến 29 tại Hàn Quốc chưa kết hôn. Trong độ tuổi 30 – 34, con số là 56% và 33% từ 40 đến 45 tuổi.

Hou cho rằng một trong những lý do chính khiến tỉ lệ kết hôn giảm ở Trung Quốc là tỉ số lệch lạc giới tính do sự kiểm soát chặt chẽ số con cho phép trong mỗi gia đình, và con trai vẫn được truyền thống ưu tiên. Nhưng cô cũng cho rằng ngày nay, phụ nữ cũng có nhiều lựa chọn hơn.

“Trước kia sẽ không có chuyện phụ nữ dám công khai nói rằng họ không muốn kết hôn. Giờ đây thì thường xuyên nghe thấy điều này. Dù không phải ai nói vậy cũng làm theo, nhưng họ đang làm gương”, cô cho biết.

Một số phụ nữ thậm chí còn tiết kiệm hay mua nhà để họ có lựa chọn không kết hôn. Nhưng ngoài việc chuẩn bị tình hình tài chính, phụ nữ vẫn phải sẵn sàng đón nhận áp lực của cuộc sống mà vẫn bị coi là phong cách bất thường này.

Viola Zeng, ở Thâm Quyến, cho biết vài năm gần đây cô vẫn đang “giáo dục” cha mẹ mình bằng cách lấy ví dụ của gia đình của một người bạn đã ly hôn hay có vấn đề về sinh nở để cho họ thấy rằng sống một mình tốt hơn so với sống với người khác vì những lý do sai lầm.

“Cho dù bạn có độc thân, kết hôn hay đang trong một mối quan hệ, chúng ta nên được làm những gì khiến chúng ta hạnh phúc. Chúng ta không nên bị đánh giá bởi những giá trị của người khác”.

TM (theo scmp)

Nỗi ám ảnh da trắng trong quan điểm cái đẹp châu Á

Nỗi ám ảnh da trắng trong quan điểm cái đẹp châu Á

Quan điểm đẹp là phải sở hữu làn da trắng ở châu Á đang không ngừng trở thành tiêu đề trên các mặt báo trong những năm gần đây.