Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và vui chơi của trẻ em

Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em là một quyền rất quan trọng, được ghi nhận trong Luật Trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, việc bảo đảm thực hiện quyền hiện nay có nhiều hạn chế. Bài viết phân tích hiện trạng bảo đảm quyền này hiện nay và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.

Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng (CS, ND) là một quyền quan trọng của trẻ em, được ghi nhận trong Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em 1989 (Convention on the Rights of the Child)

Dựa vào văn bản pháp lý này, các quốc gia thành viên phải tôn trọng ghi nhận quyền được CS, ND của trẻ em trong hệ thống pháp luật và bảo đảm thực hiện một cách nghiêm túc. Trong suốt thời gian qua, với nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tôn trọng ghi nhận quyền, thì việc bảo đảm thực hiện quyền trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Bài viết này, tác giả tìm hiểu và phân tích thực trạng bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em cũng như đề xuất giải pháp bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em ở Việt Nam hiện nay.

Lý luận về quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em và bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em

Luật Trẻ em năm 20164 không đưa ra định nghĩa về quyền được CS, ND của trẻ em, mà chỉ khẳng định tại Điều 15 “Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện”. Theo Từ điển Tiếng Việt, “chăm sóc” là “việc một người cung cấp những thứ cần thiết cho người khác, nhằm tạo điều kiện để duy trì và phát triển cuộc sống của người đó”

Theo đó, “chăm sóc trẻ em” được hiểu là việc dành cho trẻ em những điều kiện cần thiết về ăn, mặc và ở để phát triển về thể lực, trí lực và bảo đảm môi trường sống lành mạnh, an toàn cho sự phát triển bình thường của trẻ em. Đó là “những phương tiện tiên quyết để trẻ em có thể phát triển một cách bình thường cả thể chất và lẫn tinh thần”.

Nuôi dưỡng là “nuôi nấng và chăm chút cho tồn tại khỏe mạnh và phát triển nói chung”6. Bên cạnh đó, nuôi nấng là “nuôi dưỡng với sự chăm sóc ân cần và chu đáo”. Đặc biệt, “chăm chút” được hiểu là “săn sóc, chăm nom tỉ mỉ chu đáo”.

Từ đó, có thể hiểu rằng “nuôi dưỡng trẻ em” là việc săn sóc ân cần, chu đáo, chăm nom tỉ mỉ về tinh thần và thể chất, dành cho trẻ em tình cảm yêu thương, chở che. Nuôi dưỡng trẻ em còn là việc giáo dục và hình thành nhân cách, tư tưởng và đạo đức, tạo ra những yếu tố tiên quyết, nền tảng cho sự phát triển toàn diện. Từ đó, có thể hiểu, “Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em là khả năng của trẻ em được hưởng những điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần trong sự săn sóc ân cần chu đáo để lớn lên bình thường và phát triển toàn diện”.

Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và vui chơi của trẻ em

 Đại Từ điển tiếng Việt, “bảo đảm” là “làm cho có được điều gì; có đủ, trọn vẹn các điều quy định; chắc chắn đạt tiêu chuẩn cần thiết”.

Theo Từ Điển Vdict, thuật ngữ “bảo đảm” được hiểu là “làm cho chắn chắc được thực hiện, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết”.

Do đó, bảo đảm có nghĩa chung nhất là đáp ứng điều kiện cần thiết, chịu trách nhiệm cho một việc nào đó được thực hiện hoặc đáp ứng điều kiện cần thiết để sự việc được bảo đảm một cách đầy đủ, phù hợp và trọn vẹn nhất.

Tóm lại, bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em hiểu là việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em được hưởng những điều kiện về vật chất và tinh thần trong sự săn sóc ân cần chu đáo một cách phù hợp, đầy đủ và trọn vẹn nhất.

Các thiết chế bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em

Gia đình là môi trường đầu tiên và tiền đề để nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, trí tuệ và tinh thần cho trẻ em. Khẳng định trách nhiệm của gia đình tại Khoản 2 Điều 58 Hiến pháp 20133 “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em”. Quy định này được lập lại tại Khoản 1 Điều 98 Luật Trẻ em 20165 “Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em; dành điều kiện tốt nhất theo khả năng cho sự phát triển liên tục, toàn diện của trẻ em”. Cha mẹ và các thành viên phải có trách nhiệm chính trong sự phát triển của trẻ em cũng như bảo đảm các quyền cho trẻ, đặc biệt là quyền được CS, ND của trẻ em.

Nhà trường được xem là “gia đình thứ hai” của trẻ em. Nơi đây ngoài trách nhiệm giáo dục, thì cơ sở giáo dục còn có trách nhiệm CS, ND trẻ em. Trách nhiệm này được khẳng định tại Điều 21 Luật Giáo dục năm 2005 “Cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc CS, ND, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi”.

Theo đó, cơ sở mầm non bao gồm:“(1) Nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến ba tuổi; (2) Trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ em từ ba tuổi đến sáu tuổi; (3) Trường mầm non là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi”4. Có thể thấy, nhà trường có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của trẻ em cũng như CS, ND trẻ em. Bởi vì, phần lớn thời gian của trẻ trong độ tuổi này được chăm sóc ở các cơ sở giáo dục.

Xã hội là thiết chế có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người nói chung, quyền trẻ em nói riêng, trong đó có quyền được CS, ND của trẻ em. Tại Khoản 1 Điều 9 Hiến pháp 2013 “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu”. Như là “cánh tay nối dài” của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước, tại Điều 91 Luật Trẻ em 2016 quy định trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên “Tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dịch vụ đáp ứng quyền của trẻ em, phòng ngừa hành vi vi phạm quyền của trẻ em”.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em, đặt biệt là quyền được CS, ND của trẻ em mà đối tượng là cha mẹ, các thành viên trong gia đình và chính các em, nhằm nâng cao nhận thức của các chủ thể. Đây là tiền đề để gia đình và xã hội bảo đảm thực hiện quyền được CS, ND của trẻ em.

Không những thế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn giám sát quá trình thực hiện, đưa ra kiến nghị với các cơ quan nhà nước, góp phần ngăn ngừa các hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Điều này thể hiện việc bảo đảm quyền của trẻ em nói chung, quyền được CS, ND của trẻ em nói riêng không những là trách nhiệm của gia đình, nhà trường mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bảo đảm quyền trẻ em là trách nhiệm của quốc gia. Trách nhiệm này xuất phát từ thực tiễn đất nước, cũng như những rằng buộc pháp lý quốc tế. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em được thể hiện qua trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương. Từ trách nhiệm ban hành văn bản pháp luật về quyền được CS, ND trẻ em của Quốc hội, đến việc triển khai thực hiện trên thực tế của Chính phủ và các bộ ngành, từ trách nhiệm bảo đảm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp cho đến từng người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã. Trách nhiệm này được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em năm 2016 từ Điều 79 đến Điều 94. Mỗi cơ quan nhà nước đều có chức năng và nhiệm vụ khác nhau nhưng đều phải phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em. Trung tâm của mối quan hệ đó là cơ quan Lao động Thương bình và Xã hội (Điều 82 Luật Trẻ em năm 2016)

Thực trạng bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em ở Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của những hạn chế

Ngay sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, Quốc hội đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật để ghi nhận và bảo đảm quyền trẻ em. Cụ thể là, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 1991, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 và các văn bản triển khai thi hành.

Đặc biệt, Luật Trẻ em năm 2016 đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền được CS, ND của trẻ em, đồng thời chuyển hóa các quy định của Công ước quyền trẻ em vào pháp luật Việt Nam.

Trên cơ sở quy định của pháp luật, thông qua hoạt động của các thiết chế đặc biệt là cơ quan chuyên trách, công tác tuyên truyền giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, gia đình, xã hội và các trẻ em đã góp phần thực hiện quyền được CS, ND của trẻ em từ trung ương đến cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm của cơ chế pháp lý bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em ở Việt Nam, thì hiện tại việc bảo đảm này vẫn còn nhiều nhược điểm.

Thứ nhất là về pháp luật. Quyền được CS, ND của trẻ em là quyền liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống trẻ em, nên để bảo đảm quyền phải có hệ thống các văn bản toàn diện, có khả năng bao quát hết các lĩnh vực đời sống của trẻ. Hiện nay trung tâm hệ thống pháp luật về quyền được CS, ND của trẻ em là Luật Trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, nhiều điều trong Luật quy định về quyền CS, ND của trẻ em dừng lại ở việc khẳng định quyền của trẻ em và bổn phận cơ bản của cha mẹ, gia đình, xã hội và các cơ quan nhà nước. Các quy định mang tính nguyên tắc, định hướng chung chung, thiếu cụ thể. Sự tản mãn, thiếu thống nhất của các văn bản luật về quyền dẫn đến khó khăn áp dụng trên thực tế. Các luật có liên quan không đồng bộ, đầy đủ nên dẫn tới việc giải quyết chưa có cơ sở pháp lý cũng như không có quy định pháp lý chế tài để xử lý khi vi phạm.

Thứ hai là hoạt động của các thiết chế. Mặc dù, gia đình là thiết chế có trách nhiệm đầu tiên và quan trọng trong việc bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò của gia đình vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu bởi nhiều lý do. Từ nhận thức hạn chế của các bậc phụ huynh đến hoàn cảnh thực tế cha mẹ ly hôn, kinh tế khó khăn, trẻ em mất môi trường gia đình ngày càng tăng, nhiều trẻ em phải lao động trước độ tuổi lao động, ăn xin... Từ đó trẻ em không được dạy dỗ, yêu thương chăm sóc cũng như chế độ dinh dưỡng và thời gian vui chơi không được chú trọng. Đối với nhà trường, thì hiện nay có rất nhiều trường hợp trẻ em được gửi giữ ở trường mẫu giáo bị cô lập, mắng nhiếc, đánh đập, bạo lực thậm chí trẻ em chết.Theo Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5/2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 0-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất (chiếm 56,9%); tỉ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất (63,2%), sau đó đến trường học là 20,1%9.

Các tổ chức xã hội trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa sâu và rộng, chưa đến được từng hộ viên, hầu như các hoạt động chỉ được tiến hành ở những nơi được cấp kinh phí, thuận tiện hoặc nơi có dự án. Việc kiểm tra, đôn đốc thi hành luật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, phê phán, ngăn chặn, những hành vi vi phạm. Nhà nước với hoạt động ban hành văn bản luật còn chậm, các văn bản tổ chức thi hành còn chồng chéo, cản trở việc thực hiện. Ngân sách nhà nước đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, nhiều chính sách thực thi chậm, nhiều dự án thiếu hoặc chờ kinh phí.

Giải pháp bảo đảm quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng của trẻ em ở Việt Nam

Để mọi trẻ em được lớn lên và phát triển một cách bình thường và toàn diện, để góp phần cho các quyền của trẻ em được thực hiện, thì việc bảo đảm quyền được CS, ND là quan trọng và cần thiết. Cần nhanh chóng tiến hành các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền, bảo đảm sự toàn diện, đồng bộ, thống nhất của các luật chuyên ngành. Loại bỏ sự mâu thuẫn, chồng chéo cũng như các quy định pháp luật cần cụ thể, đảm bảo tính khả thi của cả hệ thống pháp luật. Những quy định trong văn bản luật về quyền cần định tính hơn chứ không dừng lại ở nguyên tắc hay định hướng chung chung như hiện nay. Bổ sung các quy định biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ CS, ND đối với cha mẹ, gia đình, nhà trường trên cả phương diện hành chính và hình sự. Các quy định của pháp luật quốc gia phải trên cơ sở phù hợp với các quy định Công ước, phong tục tập quán dân tộc cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, trên cơ sở kiện toàn các thiết chế đã có, phát huy những ưu điểm khắc phục những hạn chế như phân tích, thì phải hình thành và phát triển các thiết chế mới. Trao quyền mạnh hơn cho các tổ chức xã hội thuộc xã hội dân sự theo tinh thần của Luật Trẻ em 2016. Các thiết chế phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn và chú ý đến tuyên truyền, giáo dục để cộng hưởng, huy đồng sức mạnh của cả cộng đồng chung tay bảo đảm thực hiện quyền được CS, ND của trẻ em.

Thứ ba, trên cơ sở tăng cường trách nhiệm của các thiết chế thì cần phải gắn được trách nhiệm liên kết, phối hợp, kiểm soát giữa các thiết chế trong việc bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em. Bảo đảm sự CS, ND được thực hiện bao phủ từ gia đình đến trường học và ngoài xã hội.

Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến quyền trẻ em đặc biệt là quyền được CS, ND của trẻ em dưới nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tượng: gia đình, nhà trường…, đặc biệt là phải tăng cường sự hiểu biết của chính các em về quyền của mình, trang bị cho các em các kỹ năng, kiến thức để lên tiếng khi cần thiết.

Thứ năm, Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội đặc biệt cho các gia đình có CS, ND trẻ em, tăng chi phí hỗ trợ cho hoạt động CS, ND của trẻ em, vì thực tế hầu hết quyền bị vi phạm không những là do nhận thức mà còn do sự khó khăn về hoàn cảnh kinh tế.

Kết luận

Quyền được CS, ND của trẻ em là quyền nền tảng, tiên quyết cho sự phát triển của trẻ em. Việc bảo đảm quyền được thực hiện là nhiệm vụ quan trọng và là sự chung sức phối hợp của các cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội. Tiếp tục phát huy những điều làm được và khắc phục những hạn chế, bất cập, cũng như thực hiện những giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền được CS, ND của trẻ em là góp phần tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước.

----------

Tài liệu tham khảo:

  • Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (Convention on the Rights of the Child);
  • Tuyên bố Giơnevơ 1924 về quyền trẻ em;
  • Hiến pháp năm 2013;
  • Luật Giáo dục năm 2005
  • Luật Trẻ em năm 2016;
  • Nguyễn Như Ý, Đại Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1198;
  • Từ điển tiếng Việt, Viện Khoa học xã hội, 1992;
  • https://vdict.com/b%E1%BA%A3o%20%C4%91%E1%BA%A3m,3,0,0.html
  • https://baomoi.com/moi-nam-co-hon-2000-tre-em-viet-nam-bi-xam-hai-bao-hanh-nghiem-trong/c/24141715.epi

Cẩm Hồng

Bảo tàng Phụ nữ tổ chức diễn đàn Hướng tới bình đẳng và Triển lãm ảnh về quyền con người

Bảo tàng Phụ nữ tổ chức diễn đàn Hướng tới bình đẳng và Triển lãm ảnh về quyền con người

Nhân ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10/2019, tại BT Phụ nữ tổ chức diễn đàn "Hướng tới bình đẳng cho mọi lứa tuổi" và Triển lãm ảnh.