Sau dịch dịch virus corona, giá cá tra có thể tăng mạnh

Tính đến giữa tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam, tính đến giữa tháng 2/2020, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long  giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019, dao động ở mức 19.500 đồng/kg. Ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus Corona đã khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc tạm thời bị gián đoạn. Đây là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam nên ngay khi diễn biến thị trường thay đổi đã tác động ngay tới sản xuất cá tra nguyên liệu.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, tổng diện tích nuôi cá tra đồng bằng sông Cửu Long  ước đạt 6,6 nghìn ha, tăng 22,2% so với năm 2018. Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Trong đó, sản lượng tập trung ở các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ.

Giá cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long  có thể tăng dần sau dịch bệnh nCoV.
Giá cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long  có thể tăng dần sau dịch bệnh nCoV.

Cả nước hiện có 200 cơ sở sản xuất giống cá tra, 3.000 ha ương dưỡng cá giống (bằng 100% so với năm 2018), sản xuất được khoảng 21 tỷ cá tra bột, hơn 2,1 tỷ cá tra giống. Trong năm 2019, đã thay thế được 45.000 con cá bố mẹ chọn giống. Dự kiến trong năm 2020 sẽ thay thế hết 60.000 con cá bố mẹ.

Cho tới năm 2019, theo báo cáo của FAO, mặc dù Việt Nam là thị trường thống trị nguồn cung cá tra quốc tế, nhưng sự tăng trưởng về sản lượng một cách âm thầm tại một số nước sản xuất khác như: Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc... cũng đóng góp tỷ lệ khá vào việc phân bố rộng rãi hơn sản phẩm cá tra không chỉ ở Châu Á.

Năm vừa rồi, Indonesia là nước sản xuất cá tra chủ yếu cho thị trường nội địa cũng đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng thu hoạch, trong khi ở Trung Quốc cũng đang thúc đẩy nhanh hơn về quy mô nuôi cá tra cho dù năng suất còn chậm hơn nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên, người nuôi Trung Quốc cũng đang có những động thái thăm dò học hỏi kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng, điều kiện khí hậu cho nuôi. Họ cũng đang đầu tư công nghệ để hỗ trợ cho ngành công nghiệp nuôi quy mô lớn hơn với việc phát triển giống cá, thức ăn chất lượng cao. Ngoài ra, tăng trưởng sản lượng nuôi cũng đang diễn ra tại Ấn Độ.

Sau dịch dịch virus corona, giá cá tra có thể tăng mạnh

Năm 2019, diễn biến giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long  là một biểu đồ đi xuống. Trong đó, mức giá cao nhất của năm vào giữa tháng 2/2019 với mức trung bình khoảng 34.000 - 34.500 đồng/kg. Sau đó, giá giảm dần và rơi xuống mức thấp nhất vào cuối tháng 11/2019 với mức giá dao động từ 19.000 - 19.500 đồng/kg. Tháng 12/2019, giá cá tăng nhẹ thêm khoảng 1.000 đồng/kg lên mức từ 20.000 - 20.500 đồng/kg. Với mức giá này, giá cá nguyên liệu đã giảm khoảng 44% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu cũng biến động tăng giảm theo giá cá nguyên liệu. Trong đó, mức giá xuất khẩu cao nhất rơi vào khoảng tháng 2-3/2019 với mức 2,95 - 2,98 USD/kg. Tuy nhiên, quý IV/2019, giá xuất khẩu đã giảm xuống còn khoảng 2,2 USD/kg.

Nếu cuối năm 2018, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long  leo lên mức giá cao kỷ lục 36.500 đồng/kg, giá cá tra phile xuất khẩu (FOB) tại Tp.HCM dao động từ 3,3 - 3,35 USD/kg thì sang năm 2019 tình hình giá cả đã đảo chiều ngược lại. Giá cá tăng mạnh trong năm 2018 khiến nhiều hộ nuôi tự phát tăng diện tích thả nuôi. Sản lượng thu hoạch tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn chững lại hoặc giảm. Điều này kéo theo giá nguyên liệu trong nước giảm. Như vậy, kể từ năm 2014 thì đây là đợt giảm giá nguyên liệu thấp thứ hai.

Sau khi giảm từ mức giá khả quan 34.000 - 34.500 đồng/kg (tháng 2-3/2019), giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long  giảm xuống mức 20.500 - 21.000 đồng/kg vào tháng 1/2020. Trước tình hình thị trường tạm chững trong quý đầu năm nay, giá cá tra có thể giảm nhẹ thêm trong thời gian tới. Nếu thị trường xuất khẩu ổn định trở lại, giá cá tra sẽ tăng dần trong các quý tiếp theo.

Tình hình dịch bệnh do virus corona còn diễn biến phức tạp và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động do đó, người nuôi và doanh nghiệp cần chủ động chuyển hướng thị trường, cập nhật thông tin để điều chỉnh kế hoạch nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu sao cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương