Sau hai năm điều tra, vụ án ‘công chúa Huawei’ vẫn bế tắc

Bế tắc trong vụ án bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, CFO của Huawei, mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc, Canada-Trung Quốc vẫn căng như dây đàn.

Mạnh Vãn Châu là con gái của tỷ phú sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi. Huawei là đầu tàu đại diện cho tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Vụ bắt giữ bà diễn ra khi Mỹ bắt đầu chiến dịch loại trừ Huawei khỏi thế hệ công nghệ không dây tiếp theo của nước này - được gọi là 5G. Mỹ, một trong năm quốc gia thuộc mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes, coi gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và kêu gọi các đồng minh của mình làm theo.

Các thành viên khác của Five Eyes - Vương quốc Anh, Australia và New Zealand - đều đã chặn việc sử dụng công nghệ của Huawei, trong khi Canada vẫn chưa quyết định liệu Huawei có thể tham gia vào mạng lưới 5G của họ hay không.

Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei (giữa). Ảnh: Reuters
Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của Huawei (giữa). Ảnh: Reuters

Mạnh Vãn Châu bị lực lượng chức năng Canada bắt giữ khi đang quá cảnh tại Vancouver, Canada ngày 1/12/2018, trên đường từ Hong Kong đến Mexico. Lệnh bắt giữ được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ. Bà bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Với mức bảo lãnh 10 triệu USD, Mạnh chịu sự giám sát tại nhà ở Vancouver với các thiết bị định vị đeo trên người, trong thời gian chờ tham dự các phiên tòa, theo VTC News.

Tháng 1/2019, Mỹ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh. Từ đó đến nay, luật sư của bà liên tục đệ đơn lên tòa án Canada cáo buộc các sai phạm trong quá trình bắt giữ và điều tra để vô hiệu hóa yêu cầu dẫn độ.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, một diễn biến đáng chú ý là vụ bắt giữ hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor, được cho là hành động “trả đũa” của Bắc Kinh, dù họ đã phủ nhận sự liên quan của các vụ việc với nhau. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã liên hệ với Tổng thống đắc cử Joe Biden về vấn đề này.

Hiện tại, vụ của Mạnh Vãn Châu tập trung vào luật dẫn độ của Canada, khi đội pháp lý của bà cẩn thận lật lại mọi yếu tố của vụ án - bắt đầu từ những khoảnh khắc ngay khi bà bước từ máy bay xuống đất Canada. Các phiên tòa mở ra “lỗ chỗ” sơ hở của quá trình bắt giữ.

Các nhân viên cơ quan biên giới Canada (CBSA) đã thẩm vấn Mạnh Vãn Châu trong gần ba giờ trước khi giao bà cho cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP). Các luật sư của bà cho rằng hai cơ quan đã phối hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để các nhân viên hải quan thẩm vấn bà mà không có luật sư, vi phạm quyền của bà.

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu diễn ra khi Mỹ bắt đầu chiến dịch loại trừ Huawei khỏi thế hệ công nghệ không dây tiếp theo của nước này, được gọi là 5G. Ảnh: The Aryavarth Express
Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu diễn ra khi Mỹ bắt đầu chiến dịch loại trừ Huawei khỏi thế hệ công nghệ không dây tiếp theo của nước này, được gọi là 5G. Ảnh: The Aryavarth Express

Các sĩ quan liên quan đến vụ bắt giữ cho lời khai trong những tuần gần đây, trong đó cho rằng họ chỉ thực hiện nhiệm vụ sàng lọc nhập cư với những lo ngại chính đáng về Mạnh như một mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm ẩn. Tất cả đều phủ nhận mọi hành vi sai trái hoặc thông đồng. Lời khai ban đầu dự kiến ​​kéo dài hai tuần, đã mở rộng lên ít nhất bốn, có khả năng đẩy thủ tục dẫn độ sang tận năm 2021.

Một trong hai sĩ quan cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP) xử lý vụ bắt giữ bà Mạnh, Dhaliwal, thừa nhận không đọc lệnh bắt giữ để kiểm tra thông tin - và những điều khoản kèm theo về việc bắt giữ theo quy định, trong đó bao gồm việc bà phải được bắt giữ ngay lập tức, theo tòa án British Columbia.

Sanjit Dhillon, giám sát viên lực lượng biên giới Canada, người liên quan đến quá trình tạm giữ Mạnh Vãn Châu trước khi bà bị bắt giữ, cho biết đã có lo ngại an ninh về bà chỉ thông qua những gì tìm kiếm được trên Wikipedia. Ông tìm được trang nói Huawei không hoạt động tại Mỹ vì nghi vấn an ninh và Huawei bị nghi vi phạm quy định của Mỹ.

Trước khi máy bay của bà Mạnh hạ cánh, Dhilon nói đã được cảnh báo trong cơ sở dữ liệu nội bộ về lệnh bắt giữ bà. Trước đó ông cũng nói với tòa án rằng lo ngại rằng bà có liên quan đến hoạt động gián điệp chỉ sau khi đọc về bà và Huawei trên Wikipedia.

Ngoài quy trình thẩm vấn, luật sư của Mạnh Vãn Châu cũng tập trung vào các hoạt động ghi chép và lưu trữ hồ sơ của RCMP và CBSA vào ngày bà bị bắt. Dhillon thừa nhận rằng các ghi chú chi tiết không được thực hiện như quy định - nhưng nói thêm rằng ông không có ý định che giấu bất kỳ nội dung nào, ông cũng bác bỏ rằng một số email về vụ việc có thể đã bị xóa.

Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đang tìm cách chứng minh các bằng chứng do HSBC cung cấp để bắt giữ bà là không chính xác. Ảnh: Reuters.
Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu đang tìm cách chứng minh các bằng chứng do HSBC cung cấp để bắt giữ bà là không chính xác. Ảnh: Reuters.

Hôm 16/11, phiên điều trần về việc dẫn độ bà Mạnh được tiếp tục, các luật sư của bà đang đấu tranh để chứng minh quyền công dân của bà bị vi phạm trong các sự kiện dẫn đến vụ bắt giữ. Luật sư biện hộ cho bà Mạnh là Richard Peck cho biết một trong những nhân chứng quan trọng liên quan đến vụ việc, Trung sĩ Ben Chang thuộc Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), sẽ không ra làm chứng trước tòa.

Theo tài liệu của tòa án, ông Chang, hiện đã nghỉ hưu, bị cáo buộc vì cung cấp thông tin chi tiết về các thiết bị điện tử của bà Mạnh cho lực lượng FBI của Mỹ. Ông này phủ nhận cáo buộc trong một bản cam kết nộp cho tòa án.

Luật sư Peck nói trước tòa rằng việc ông Chang từ chối làm chứng là “một vấn đề đáng lo ngại”, và việc Ben Chang từ chối làm chứng có thể dẫn đến nhiều hậu quả.

Phiên tòa hôm 16/11 là tiếp nối của các phiên điều trần dự kiến ​​kết thúc vào đầu tháng 11 nhưng bị kéo dài thời gian. Các luật sư của bà Mạnh và chính phủ Canada sẽ dành cả tuần để kiểm tra chéo các nhân viên thực thi pháp luật của Canada cùng các quan chức biên giới tham gia vào cuộc điều tra, bắt giữ bà Mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm tra chéo, luật sư của Mạnh Vãn Châu chất vấn việc quan chức CBSA chỉ gọi cho một đồng nghiệp ở Ottawa để hỏi liệu giám đốc điều hành Huawei có tư cách thường trú nhân hiệu lực ở Canada hay không, và sau đó "hài lòng" vì bà Mạnh không còn tư cách này - đủ để bà trải qua quy trình kiểm tra đầu vào biên giới nghiêm ngặt hơn. Luật sư cáo buộc rằng sĩ quan này đã lên kế hoạch bắt giữ bà Mạnh vì không biết tình trạng cư trú của giám đốc điều hành công nghệ Trung Quốc ở Canada.

Liên quan đến các cáo buộc thu thập bằng chứng bất hợp pháp, nhân viên biên phòng Canada 'không thể nhớ lại việc ai muốn mật khẩu thiết bị điện tử của Mạnh Vãn Châu'.

Các luật sư của Mạnh nói rằng thiết bị và mật khẩu của bà đã bị thu giữ trong một "bài tập" thu thập bằng chứng do FBI tổ chức và nhân viên biên phòng Canada "chỉ được ủy quyền".

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương