Tác phẩm trị giá 33,3 triệu USD của Sanyu thiết lập lại thị trường nghệ thuật toàn cầu

Được ngợi ca như một Henri Matisse của Trung Quốc, các tác phẩm của Sanyu bỗng trở nên đắt giá, đem lại kỷ lục trong phiên đấu giá tại Hong Kong

Tuần trước, một bức tranh nude của họa sĩ Sanyu, người được ngợi ca như một “Matisse Trung Quốc”, đã được bán với giá hơn 258 triệu đô Hong Kong (khoảng 33,3 triệu đô Mỹ) tại một phiên đấu giá, khẳng định vị thế của mình như một trong những cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trong thị trường nghệ thuật châu Á béo bở.

Được vẽ vào những năm 1950, bức “Quatre Nus” gồm 4 phụ nữ nằm dài trong phong cách bão hòa đặc trưng của họa sĩ mang hai quốc tịch Pháp và Trung Quốc này. Kể từ khi đại dịch Covid gây xáo trộn lịch trình đấu giá trực tiếp, đây là tác phẩm dẫn đầu doanh thu đợt bán hàng đầu tiên của trung tâm đấu giá Sotheby tại Hong Kong, và trở thành mặt hàng đắt giá nhất trong buổi tối hôm đó sau cuộc chiến trả giá diễn ra trong 10 phút giữa 4 nhà sưu tập.

Bức
Bức "Quatre Nus" đắt giá của họa sĩ Sanyu (Ảnh: CNN).

Đây chỉ là một lần trả giá lớn mới nhất cho một tác phẩm của Sanyu, người họa sĩ gần như không được chú ý tới trong suốt cuộc đời đau khổ của mình tới tận lúc qua đời tại Paris, Pháp vào năm 1966.

Tháng 10 năm ngoái, bức “Nu” vẽ một phụ nữ nằm một mình chỉ thu về dưới 198 triệu đô la Hong Kong (25 triệu đô) tại Sotheby. Một tháng sau đó, bức “Five Nude” – một trong 6 bức duy nhất vẽ về một nhóm nude tập thể của họa sĩ, đã được bán với giá gần 304 triệu đô la Hong Kong (39 triệu đô) tại nhà đấu giá Christie, lập nên một kỉ lục đấu giá mới cho những tác phẩm của họa sĩ này.

Sự bùng nổ lợi nhuận

Những con số tăng vọt trong giá cả phản ánh một sự gia tăng lợi nhuận từ các nhà sưu tập châu Á, những người mà khả năng tiêu tiền của họ giờ đây định hình thị trường đấu giá toàn cầu.

Giữa năm 2000 và 2019, giá tác phẩm của Sanyu nhảy vọt hơn 1.100%, với thị trường Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm 91% doanh thu. Theo dữ liệu của Artprice – một trong những trang uy tín thế giới về thông tin thị trường nghệ thuật, 109 triệu đô la từ các tác phẩm của họa sĩ này tại phiên đấu giá 2019 đã biến ông trở thành họa sĩ đem lại doanh thu lớn thứ 16 trên thế giới, vượt xa thứ hạng 873 của ông trong năm 2000.

Bức
Bức "Nu" của Sanyu chỉ đem về chưa đến 25 triệu đô la Mỹ trong phiên đấu giá tại Hong Kong vào tháng 10 năm ngoái (Ảnh: Sotheby's).

“Đối với một nhà sưu tập châu Á, việc mua một tác phẩm của Sanyu ngày nay giống như người phương Tây mua được tác phẩm của danh họa Matisse”, phân tích của Artprice ghi chú.

Vậy nhưng câu chuyện cuộc đời của danh họa Sanyu này lại là một sự hổ thẹn và nghèo đói, khi những tác phẩm của ông thất bại trong nỗ lực thu hút sự chú ý được dành cho các đồng nghiệp châu Âu và Trung Quốc.

Sinh ra tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào năm 1901, họa sĩ Sanyu là một trong những họa sĩ trẻ chuyển đến sống ở Paris vào đầu những năm 1920. Ông phát hiện một khuynh hướng vẽ tĩnh vật, hoa cỏ và đặc biệt là nude, một xu hướng vô cùng mới lạ khi mà người mẫu khỏa thân vẫn chưa thuộc về nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc vào thời điểm đó.

Mặc dù ông bước vào vòng tròn phong cách “avant-garde” thời đó vào những năm 20 và 30, Sanyu vẫn dựa chủ yếu vào lòng tốt của những khách hàng quen hơn là những cuộc triển lãm hay bán hàng để có thể hỗ trợ kinh phí thực hành của bản thân.

“Cuộc sống khổ đau của những người nghệ sĩ, họ luôn nghèo, cho tới tận cùng”, ông đã từng viết vậy cho một nhà soạn nhạc người Hà Lan vào năm 1932.

Vận may kinh tế của ông cũng không khả quan hơn sau Thế chiến II. Thế nhưng đây chính là giai đoạn ông tạo ra các tác phẩm nude nổi tiếng ngày nay, phát triển phong cách với những màu sắc táo bạo hơn và những đường cong dài gợi nhớ tới Henri Matisse, danh họa mà ngày nay ông thường được so sánh.

Bức
Bức "Five Nudes" của Sanyu được trưng bày tại phòng đấu giá Christie ở Hong Kong (Ảnh:Philip Fong/AFP/Getty Images).

Bên cạnh những tác phẩm màu nước và tượng điêu khắc, ông cũng có tất cả 56 bức tranh nude bằng sơn dầu trong sự nghiệp. Trong khi cách tiếp cận nghệ thuật của ông phù hợp hơn với truyền thống Tây phương, ông cũng sử dụng kỹ thuật từng được đào tạo từ trẻ ở Trung Quốc như vẽ mực truyền thống và thực hành thư pháp.

Phải chăng bởi tính cách có phần lập dị, sự thất bại trong việc tổ chức triển lãm phòng tranh hay do dành nhiều thời gian vào thú vui tennis của mình mà các tác phẩm của ông dường như đã tạo được ít ảnh hưởng trong thế giới nghệ thuật cho tận đến khi ông qua đời vì sự cố rò rỉ gas trong studio.

Trở lại từ bóng tối

Các tác phẩm của Sanyu gần như không được biết đến cho tới tận cuối những năm 1980, khi Bảo tàng Mỹ thuật Đài Bắc tại Đài Loan trưng bày chúng trong một triển lãm nổi tiếng khám phá những kết nối giữa Trung Quốc và Paris.

Trong những năm 1990, ông là chủ đề của nhiều ấn phẩm nghệ thuật. Và năm 1995, trung tâm đấu giá Sotheby đã mang ra một kho tranh chưa được biết đến của Sanyu ra thị trường quốc tế.  Việc hồi sinh sự quan tâm đến các tác phẩm của họa sĩ dẫn đến một chương trình lớn tại thành phố quê hương Paris của ông.

Tại thời điểm đó, giá trị các tác phẩm của ông đã tăng dần, nổi bật là một cuộc trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia tại Đài Loan năm 2017 các tác phẩm mà đã từng được trưng bày trước đó từ những năm 1960.

Không chỉ các tác phẩm của Sanyu, giá trị tác phẩm của nghệ sĩ cùng thời với ông, Zao Wou-Ki cũng đang tăng. Bảy bức tranh của Zao cũng được bán trong phiên đấu giá của Sotheby với tổng giá trị là 41 triệu đô la, trong khi bộ ba bức tranh “Juin-Octobre 1985” đã đem về 65 triệu đô vào năm 2018, trở thành tác phẩm đắt giá nhất được đấu giá tại Hong Kong.

TM (theo CNN)

Cậu bé 12 tuổi người Việt mở triển lãm tranh tại New York

Cậu bé 12 tuổi người Việt mở triển lãm tranh tại New York

Các bức tranh của Xeo Chu đều có giá hơn 15.000 đô. Cậu đến với hội họa từ năm lên 4 và bán bức tranh đầu tiên sau đó 2 năm.