Tại sao Bộ Tài chính kiến nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ đến 15/6?

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 3905/BTC-QLG gửi Bộ Công thương về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo.

Theo đó, Bộ Tài chính có ý kiến tiếp tục cho xuất khẩu đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm. Tuy nhiên, tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường (cấp thấp) đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020. 

Theo TTXVN, Bộ Tài chính lý giải, chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa thường. Trước tình hình xuất khẩu tăng nên các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia (đến ngày 4/3 đã trúng thầu 178.000/190.000 tấn kế hoạch) và có tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng cũng như không thực hiện thương thảo hợp đồng. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo cấp thấp đến hết ngày 15/6/2020. Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch được giao thì tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp thực tế.

Bộ Tài chính kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến ngày 15/6.
Bộ Tài chính kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến ngày 15/6.

Bộ Tài chính cũng giao Tổng cục Hải quan thực hiện giám sát chặt việc xuất khẩu đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm; đồng thời giám sát việc dừng xuất khẩu gạo cấp thấp đến hết ngày 15/6. Sau ngày 15/6, khi gạo cấp thấp được xuất khẩu bình thường, Tổng cục Hải quan sẽ căn cứ vào số lượng do Bộ Công thương công bố để giám sát thủ tục hải quan theo quy định.

Về biện pháp hỗ trợ, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng gạo đã trúng thầu tại Cục dữ trữ Nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo (sản lượng vụ Đông Xuân, lượng gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu và tình hình xuất khẩu; nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, khối lượng gạo, số lượng hợp đồng các doanh nghiệp đã ký xuất khẩu).

Văn bản cũng nêu rõ, thống nhất ưu tiên cân đối dành khoảng 300 nghìn tấn gạo tẻ theo tiêu chuẩn nhập kho dự trữ quốc gia để thực hiện mua dự trữ theo kế hoạch được Thủ tướng giao. Để tránh thiệt hại cho ngành hàng lúa gạo, nông dân trồng lúa và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo cũng như tránh ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới; đồng thời đảm bảo việc mua hàng dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thường xuyên phối hợp, theo dõi rà soát cung cầu trong nước để điều hành xuất khẩu gạo.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương đề xuất cụ thể việc quản lý số lượng gạo được phép xuất khẩu chỉ áp dụng trong trường hợp gạo xuất khẩu đi nước ngoài và không áp dụng trong các trường hợp xuất khẩu tại chỗ hoặc xuất khẩu cho doanh nghiệp chế xuất phục vụ cho sinh hoạt của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa xuất khẩu nhằm mục đích biếu tặng trong định mức miễn thuế…

Bộ Tài chính cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo trên địa bàn thực hiện kê khai giá theo quy định của pháp luật về giá; đồng thời chỉ đạo tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra việc kê khai giá của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo theo quy định

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương