Tại sao Mỹ khuấy động Biển Đông?

Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng đội tàu tấn công của Mỹ đã tiến vào Biển Hoa Nam (Biển Đông) để tổ chức diễn tập quân sự.

Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho biết đội tàu tấn công này đang “tiến hành các chiến dịch an ninh hàng hải, trong đó gồm các hoạt động trên không với máy bay cánh quạt lật, các cuộc tập trận tấn công trên biển, huấn luyện chiến thuật phối hợp giữa các đơn vị mặt nước và không quân”.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực này, những gì đang diễn ra trong bóng tối mới là vấn đề quan trọng, và nó không thực sự phức tạp như vậy. Khoảng 5.000 tỷ USD thương mại hàng năm đi qua Biển Đông. Đây cũng là tuyến đường biển có lượng hàng hóa vận chuyển toàn cầu mỗi ngày chiếm một nửa, thương mại dầu mỏ chiếm 1/3 và khí hóa lỏng chiếm 2/3.

Cũng quan trọng không kém, các tuyến hàng hải này còn đóng vai trò sống còn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm cải thiện hợp tác và kết nối khu vực trên quy mô xuyên lục địa.

Ở châu Á, Mỹ hiện đang thất thế trước Trung Quốc và hơn thế nữa là trên phương diện kinh tế lẫn công nghệ. Nhiều người Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông vì sự suy yếu của nước Mỹ, và họ đang cố liều lĩnh để kiểm soát Trung Quốc với hy vọng thay đổi dư luận.

Hiện cũng có một số lý do khác khiến các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông gia tăng đáng kể, trong đó có âm mưu tự dấn vào một cuộc tranh chấp hàng hải hung hăng và thù địch với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mỹ đã có những chuyển hướng chính sách quan trọng ở Biển Đông. Ảnh: AP
Mỹ đã có những chuyển hướng chính sách quan trọng ở Biển Đông. Ảnh: AP

Thâm hụt ngân sách quốc phòng Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên mức cao nhất mọi thời đại là 3.100 tỷ USD trong tài khóa 2020. Nhiều người cho rằng chính quyền Trump và đảng Cộng hòa phải chịu trách nhiệm về điều này. Trump muốn thỏa hiệp về một gói cứu trợ mới, nhưng các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện thì không ủng hộ cho tới khi nào các kế hoạch chi tiêu này được đảng Dân chủ đề xuất.

Điều này đã dẫn đến một cuộc tranh luận ngày càng gay gắt về ngân sách năm 2021 của Lầu Năm Góc. Nó cũng được cho là nguyên nhân gây ra thâm hụt và các nhóm cấp tiến đang kêu gọi cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Lập luận này cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ chính là nợ công của nước này, chứ không phải Trung Quốc, và hoạt động quân sự dàn trải quá mức chính là hồi chuông báo tử cho đế quốc Mỹ.

Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Lầu Năm Góc và giới chiến lược gia hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Mặc dù thực tế không ủng hộ, song Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vẫn tuyên bố rằng việc tăng chi tiêu quân sự của Mỹ có thể giúp đối chọi với Trung Quốc và Nga.

Luận điệu của Esper đồng nghĩa với việc cần phải có một ngân sách lớn hơn để biến khu vực này trở thành ngoại vi của Washington nhằm phục vụ cạnh tranh nước lớn lâu dài và “đương đầu những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, đặc biệt là từ Trung Quốc”.

Bầu cử

Trump tiếp tục trượt dài trước ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò, và các cố vấn, trợ lý thân cận nhất cùng đội ngũ vận động tranh cử của ông đang mất ăn, mất ngủ vì điều đó.

Thất vọng trước những chỉ trích rộng rãi về phản ứng kém của Trump đối với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 và tình trạng bất ổn liên quan đến phân biệt chủng tộc trên toàn quốc, họ đang thầm thì rằng ông Trump đang thua, tụt lại phía sau.

Trump đang đuối sức trước đối thủ của mình.
Trump đang đuối sức trước đối thủ của mình.

Những người khác thân cận với Trump, bao gồm cả một số đồng minh trung thành nhất, cũng tin rằng ông đang trên đường trở thành “tổng thống một nhiệm kỳ”. Tại một cuộc vận động tranh cử mới đây ở Macon, Georgia, Trump đã nói với những người ủng hộ ông rằng nếu thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới trước Biden, “có thể tôi phải rời khỏi đất nước này”.

Trong khi đó, các cố vấn của Trump khẳng định rằng ông vẫn còn thời gian để phục hồi và cải thiện môi trường chính trị. Ở hậu trường, các cố vấn này đang xoay nhiều cách để thay đổi chiến thuật. Và ai dám khẳng định điều này không phải là lợi dụng chính sách đối ngoại và quân sự để phục vụ những lợi ích chính trị trong nước của họ?

Đại dịch

So với nhiều quốc gia phương Tây khác, Mỹ đã thất bại trong việc đối phó với tác động của đại dịch COVID-19. Mặc dù có tiền và công cụ, chính quyền Trump đã không thể cứu được nhiều mạng sống như những quốc  gia khác.

Giờ đây, họ phải đối mặt với mạng lưới an sinh xã hội bị phá vỡ và cuộc chiến thông tin sai lệch về nghèo đói, bất bình đẳng kinh tế, bạo lực cảnh sát, các cuộc biểu tình đòi công bằng chủng tộc và quyền tối thượng của người da trắng.

Hơn 30 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp. Họ đổ lỗi cho Trump và muốn thay đổi chính hệ thống này, như họ từng làm trong các cuộc biểu tình đòi bình đẳng chủng tộc mới đây. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán đang trong tình trạng bong bóng khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục in tiền, và phát sinh nhiều lo ngại rằng nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Sự lạc quan thái quá của Trump về dịch COVID-19 khiến ông gặp không ít rắc rối.
Sự lạc quan thái quá của Trump về dịch COVID-19 khiến ông gặp không ít rắc rối.

Các phương tiện truyền thông chính thống chống Trump đang đổ lỗi cho cơn ác mộng này là do cách xử lý COVID-19 của ông. Họ nói rằng ông đã thường xuyên phủ nhận sự cần thiết phải đeo khẩu trang, giãn cách xã xã hội và phong tỏa. Ông cũng không nghe theo các chuyên gia y tế và các nhân vật cấp cao chịu trách nhiệm giám sát phòng chống đại dịch.

Thay vào đó, các phương tiện truyền thông cho rằng Tổng thống đã để cho dịch bệnh lây lan khắp cả nước và không đóng cửa biên giới kịp thời. Đúng là như vậy, các cuộc thăm dò dư luận cấp bang và quốc gia đều cho thấy chính quyền Trump đã lãng phí tháng đầu tiên, thời điểm vàng để kiềm chế virus SARS-CoV-2.

Điều rõ ràng là Mỹ đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên nhiều mặt, tất cả đều do những thất bại và sai lầm của chính quyền Trump. Quyết định điều tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan hoặc giám sát các vùng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông thực sự không phải là điều mà đa phần người dân và doanh nghiệp Mỹ quan tâm trong một thế giới mới đầy bất trắc này mà họ đã bị đẩy vào.

Nếu Trump đang tìm cách khuấy động Biển Đông đến bờ vực bất ổn để giúp ông tái đắc cử, thì ông đã chọn sai vùng biển.

(Nguồn: TTXVN)

MINH TUẤN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương