Tất tần tật những điều chúng ta biết và chưa biết về vaccine COVID-19 có tên Sputnik V của Nga sản xuất

Tổng thống Putin cho biết con gái ông đã được tiêm vaccine COVID-19 này, nhưng các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ tốc độ phát triển vaccine "thần tốc" của Nga.

Đầu tuần này, Nga đã công bố chế tạo thành công vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới, được phê duyệt để sử dụng rộng rãi vào tháng 10 năm nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, con gái ông đã được tiêm loại vaccine COVID-19 này. Tuy nhiên việc thử nghiệm vẫn chưa được hoàn thành, và các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tốc độ phát triển vaccine "thần tốc" của Nga.

Mặc dù những thông tin chi tiết phía sau loại vaccine COVID-19 này còn nhiều hạn chế, nhưng đây là những gì chúng ta biết cho đến nay.

Nga bất ngờ công bố vaccine COVID-19 

Ngày 11/8, Nga công bố trở thành nước đầu tiên có Vaccine COVID-19, với tên gọi Sputnik V. Ảnh: CNN
Ngày 11/8, Nga công bố trở thành nước đầu tiên có Vaccine COVID-19, với tên gọi Sputnik V. Ảnh: CNN

Vaccine được phát triển bởi Viện Gamaleya có trụ sở tại Moscow, được tài trợ chủ yếu từ Quỹ đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF), đặt tên là Sputnik V - theo tên của một vệ tinh chế tạo năm 1957 của Liên Xô. Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều tháng thử nghiệm trên người, nhưng dữ liệu này vẫn chưa được công bố, và giai đoạn thử nghiệm quan trọng thứ 3 chưa tiến hành.

Giai đoạn này thường phải được hoàn tất trước khi cơ quan chức năng phê duyệt bất cứ loại vaccine nào.

Ngày 12/8, có thông tin cho rằng giai đoạn 3 thử nghiệm với hơn 2.000 người tại Nga, một số nước Trung Đông và Mỹ Latinh đã bắt đầu. Nhưng thông thường, giai đoạn thử nghiệm này sẽ được tiến hành trên hàng chục nghìn người.

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cho biết với 2.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 chỉ tương đương với số người thử nghiệm giai đoạn 1, thường bao gồm một nhóm nhỏ.

Vaccine của Nga có an toàn không?

Câu trả lời ngắn gọn là chúng ta không biết. Nga không công bố dữ liệu khoa học nào về các thử nghiệm vaccine của họ, và chúng ta không thể kiểm chứng các tuyên bố về tính an toàn hay hiệu quả của nó. Nhưng Nga cho biết, loại vaccine này đã trải qua thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2, kết thúc vào ngày 1/8.

Nghiên cứu giai đoạn 1 thường tập trung vào việc liệu vaccine có an toàn hay không, và liệu nó có tạo ra phản ứng miễn dịch ở một số ít người hay không.

"Chúng tôi không có bất kì thông tin nào về việc vaccine do Nga sản xuất có an toàn hay không", Keith Neal - Giáo sư danh dự về dịch tễ học và các bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nottingham, nói với CNN.

Truyền thông phương Tây đặt nghi vấn khi vaccine COVID-19 của Nga không công bố hồ sơ thử nghiệm. Ảnh: The Moscow Time
Truyền thông phương Tây đặt nghi vấn khi vaccine COVID-19 của Nga không công bố hồ sơ thử nghiệm. Ảnh: The Moscow Time

Về phía mình, Nga tuyên bố rằng những người tình nguyện tham gia giai đoạn 1 và giai đoạn 2 thử nghiệm đều cảm thấy khoẻ mạnh khi tiêm vaccine, không có tác dụng phụ hay tác dụng không mong muốn.

Giáo sư Keith Neal nói rằng, các nhà nghiên cứu khó có thể phát hiện ra bất kì tác dụng phụ nào liên quan đến vaccine, nếu qui mô thử nghiệm không đủ lớn.

"Bạn sẽ không thể tìm ra các tác dụng phụ, nếu không tiến hành thử nghiệm trên quy mô lớn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần thử nghiệm giai đoạn 3", ông nói.

Vaccine COVID-19 của Nga có hiệu quả không?

Không có bằng chứng về thử nghiệm giai đoạn 3, Nga sẽ không bao giờ chứng minh cho thế giới thấy được rằng vaccine Sputnik V có hiệu quả. Giáo sư Keith Neal nói với CNN: "Tôi nghĩ ít nhất nó cũng sẽ tạo ra kháng thể. Tuy nhiên, điều mà chúng ta không biết là liệu nó có đủ mạnh để bảo vệ con người chống lại sự lây nhiễm hay không".

Các nhà sản xuất vaccine Sputnik V cho biết, vaccine gây ra phản ứng miễn dịch tế bào và kháng thể mạnh, ở những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

"Không một người tham gia thử nghiệm vaccine nào đến nay nhiễm COVID-19 sau khi được tiêm", tuyên bố trên trang web chính thức cho hay.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, bày tỏ lo ngại: "Tôi hy vọng rằng người Nga đã thực sự chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, tôi nghi ngờ rằng họ".

Tại sao Nga có thể phát triển vaccine thần tốc đến vậy?

Hồi tháng 4, Nga đã ban hành đạo luật cho phép loại bỏ giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trước khi vaccine được phê duyệt. Việc được phê duyệt có nghĩa là vaccine COVID-19 có đủ khả năng để phân phối rộng rãi, ngay cả khi giai đoạn thử nghiệm cuối cùng chưa hoàn tất.

Dù bị nghi ngờ, nhưng các công ty Mỹ đang rất quan tâm đến vaccine COVID-19 của Nga. Ảnh: AP
Dù bị nghi ngờ, nhưng các công ty Mỹ đang rất quan tâm đến vaccine COVID-19 của Nga. Ảnh: AP

Giáo sư Neal cho biết, vaccine do Nga phát triển không nhanh hơn so với các loại vaccine khác trên thế giới. Và nói thêm vaccine do hãng dược phẩm Moderna và Oxford nghiên cứu cũng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3.

Những người chỉ trích cho rằng, sự vội vàng của Nga một phần là do áp lực chính trị đến từ điện Kremlin, vốn muốn Nga trở thành một ông lớn toàn cầu về khoa học. Thực tế, Nga không hề là trường hợp duy nhất có quá trình thần tốc trong việc phát triển vaccine. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng đã phê duyệt một loại vaccine, được phép sử dụng trong phạm vi quân đội.

Ai sẽ được tiêm vaccine COVID-19 của Nga đầu tiên?

Bộ Y tế Nga cho biết các nhân viên y tế tuyến đầu của nước này sẽ là người đầu tiên được tiêm chủng. Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành RDIF, nói với CNN rằng Nga có kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ người dân bắt đầu từ tháng 10 năm nay.

"Chúng tôi sẽ bắt đầu đợt tiêm chủng lớn cho người dân Nga vào tháng 10. Loại vaccine này cũng sẽ được cung cấp cho các quốc gia khác vào tháng 11", Dmitriev nói.

Cuối tháng 7, giới chức Nga phủ nhận thông tin cho rằng các thành viên chính phủ, bao gồm cả Tổng thống Putin đã được tiêm vaccine sớm. Nga có kế hoạch sản xuất hàng loạt vaccine này vào tháng 9/2020.

Những quốc gia nào sẽ mua vaccine của Nga?

Trong cuộc họp báo hôm 11/8, nhiều quốc gia ngỏ ý muốn sử dụng vaccine Sputnik V do Nga phát triển. Phía Nga cho biết họ đã nhận được đơn đăng ký với hơn 1 tỉ liều vaccine từ 20 quốc gia.

Để đảm bảo tiêm chủng rộng rãi và giúp kìm chế đại dịch hiện giết chết hơn 756.000 người là điều không dễ dàng. Nguồn ảnh: AFP.
Để đảm bảo tiêm chủng rộng rãi và giúp kìm chế đại dịch hiện giết chết hơn 756.000 người là điều không dễ dàng. Nguồn ảnh: AFP.

"Các quốc gia tại châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đã thể hiện sự quan tâm lớn nhất đến vaccine, và chúng tôi đang trong quá trình hoàn tất một số hợp đồng", CEO RDIF nói.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã công khai bày tỏ sự hào hứng của mình với loại vaccine mới do Nga chế tạo, và tuyên bố ông sẵn sàng tình nguyện là người tham gia tiêm thử nghiệm.

"Tôi sẽ tình nguyện tiêm thử nghiệm trước khi vaccine đến với người dân", ông nói trong bài phát biểu tại Philippines, do kênh truyền hình nhà nước RTVM phát sóng.

Tuy nhiên, vaccine COVID-19 của Nga khó có thể đáp ứng được các quy định phê duyệt của Liên minh châu Âu và Mỹ.

"Vấn đề không phải là nước nào chế tạo thành công vaccine đầu tiên. Vấn đề ở đây là phải có một loại vaccine đủ an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân trên thế giới", Bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ dân sinh Hoa Kỳ Alex Azar cho biết.

DỨC HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương