'Thấm đòn' COVID-19, Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lỗ vượt kế hoạch

Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã lỗ vượt kế hoạch do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến mảng bất động sản, hàng không, du lịch nghỉ dưỡng,…

Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa được công bố. Trong kỳ này, doanh nghiệp của tỷ phú Trịnh Văn Quyết chịu không ít thương tổn vì dịch COVID-19.

Lỗ vượt kế hoạch gần 800 tỷ đồng

Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý II/2020 của Tập đoàn FLC đạt 1.722 tỷ đồng. Mức này chỉ bằng 1/3 doanh thu của quý I/2020 và giảm gần một nửa so với quý II/2019.

Giá vốn bán hàng tiếp tục vượt doanh thu, ở mức 2.464 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp tiếp tục âm ở mức 742 tỷ đồng. Các chi phí thường xuyên giảm theo đà tuột dốc của doanh thu, nhờ đó lợi nhuận sau thuế của FLC đã được cải thiện. Hiện doanh nghiệp này đang lỗ 837 tỷ đồng, giảm lỗ tới 56% so với quý trước đó.

Theo giải trình của HĐQT FLC, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, doanh thu giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hàng bán bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, nhiên liệu, chi phí thuê văn phòng, căn hộ… của mảng kinh doanh hàng không, khách sạn, du lịch chỉ giảm được 26,6%.

Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm tới 70% so với cùng kỳ đã khiến lợi nhuận sau thuế của FLC bị giảm mạnh. Quý vừa qua, doanh nghiệp của ông Quyết không còn cổ tức, lợi nhuận được chia và doanh thu tài chính khác giảm đến 3 lần, tuy nhiên doanh nghiệp này không thuyết minh rõ là từ đâu.

Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2020, FLC có doanh thu đạt 6.489 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế nửa năm nay đang âm 2.729 tỷ đồng, tuột dốc với cấp số nhân so với năm ngoái.

Đối chiếu với kế hoạch kinh doanh năm nay, Tập đoàn FLC đã hoàn thành hơn 1/2 chỉ tiêu về doanh thu. Riêng về lợi nhuận, FLC đang lỗ vượt kế hoạch cả năm. Doanh nghiệp này chỉ dự tính lỗ 1.957 tỷ đồng trong năm nay nhưng mới nửa chặn đường đã “vỡ trận” tới 772 tỷ đồng phần lỗ.

Nợ phải trả gấp đôi vốn chủ sở hữu

Về sức khỏe tài chính, Tập đoàn FLC có tình hình diễn biến khá trái chiều trong quý II/2020.

Tổng tài sản có sự cải thiện so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lần lượt tăng 2,2% và 7,1% lên mức 34.289 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 41%, phần nhiều là phải thu ngắn hạn của khách hàng và phải thu cho vay ngắn hạn.

Tiền và các khoản tương đương cải thiện đáng kể so với hồi cuối tháng 3, tăng theo cấp số nhân lên mức 458 tỷ đồng vào cuối quý. FLC đang còn lượng tiền nhàn rỗi ở mức khá khi đem gửi ngân hàng gần 440 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh là điểm cải thiện đáng nói tiếp theo của FLC vào cuối tháng 6/2020. Từ mức âm 551 tỷ đồng, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết đã đưa dòng tiền này lên mức dương 1.308 tỷ đồng, thậm chí còn tăng hơn 10% so với cuối tháng 6/2019.

Tuy nhiên dòng tiền từ hoạt động đầu tư và dòng tiền từ hoạt động tài chính lại đi lùi một khoảng khá lớn. Hai chỉ số này được ghi nhận vào cuối tháng 6/2020 lần lượt là âm 1.102 tỷ đồng và âm 379 tỷ đồng. Điều đó khiến dòng tiền thuần của FLC trong kỳ âm 174 tỷ đồng.

Vay và nợ thuê tài chính của FLC vào cuối kỳ lên đến 6.093 tỷ đồng. Tính chung nợ phải trả đang gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Nhằm bổ sung vào vốn lưu động và phục vụ hoạt động kinh doanh của tập đoàn, FLC đang vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổng cộng 2.271 tỷ đồng. Cùng mục đích sử dụng trên, tập đoàn của ông Quyết còn đang vay Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thêm 1.062 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có các khoản vay lên đến 556 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Ngoài ra, dù chiếm tỷ trọng không nhiều, khoản phải trả với bên liên quan là CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH) tăng mạnh lên 325 tỷ đồng, gấp gần 7 lần số đầu năm.

“Thấm đòn” từ bất động sản đến hàng không

Như thường lệ, trong cơ cấu doanh thu, “xương sống” của Tập đoàn FLC là doanh thu bán hàng hoá và bất động sản. Khoản này chiếm hơn 70% tổng doanh thu, đang ở mức 4.568 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với quý trước và cả cùng kỳ năm 2019.

Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS), doanh thu thuần đạt 83 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ các khoản chi phí, ROS lỗ sau thuế 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 ghi nhận lãi sau thuế 43 tỷ đồng.

Đây là quý lỗ đầu tiên của ROS sau đúng 4 năm kể từ khi doanh nghiệp này bắt đầu công bố thông tin tài chính. Theo giải trình, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Sản lượng sản xuất, doanh thu suy giảm mạnh trong khi đó công ty vẫn phải ghi nhận các khoản chi phí quản lý và chi phí tài chính.

Bất động sản cũng là mảng ghi nhận giá trị tồn kho lớn nhất của Tập đoàn FLC, chiếm tới 58,5% tổng hàng tồn kho. Về chi phí xây dựng dang dở, FLC đang có 5.376 tỷ đồng tại các dự án như dự án Sầm Sơn giai đoạn 2, dự án Quảng Bình, dự án FLC Premier Park, dự án Hạ Long,…

Phối cảnh dự án Khu đô thị FLC Premier Park. Ảnh: FLC Group
Phối cảnh dự án Khu đô thị FLC Premier Park. Ảnh: FLC Group

Tập đoàn FLC không chỉ “thấm đòn” từ COVID-19 ở lĩnh vực bất động sản mà còn ở mảng hàng không. Chưa có thông tin về tài chính quý II/2020, nhưng tính đến hết tháng 5, thiệt hại của Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) lên đến 4.455 tỷ đồng so với kế hoạch khai thác dự kiến.

Các đường bay quốc tế của hãng phải tạm dừng. Với đường bay nội địa, do nhu cầu giảm mạnh nên hãng này phải giảm quy mô đội máy bay khai thác còn khoảng 1/3. Hoạt động vận tải hàng hóa cũng bị ảnh hưởng 50% cả về sản lượng và doanh số.

Tuy nhiên, vẫn có điểm sáng ghi nhận cho hãng bay của ông Trịnh Văn Quyế. Trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam ghi nhận giảm 31.7% chuyển bay so với cùng kỳ. Chỉ riêng Bamboo Airways ghi nhận mức tăng 108%, đạt 13,938 chuyến.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương