Thanh tra Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu "đất vàng" tại Hà Nội

Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ký quyết định thanh tra với Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tổng  Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký quyết định thanh tra đối với Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu “đất vàng” tại 69 Nguyễn Du , Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, theo PLO.

Đối với dự án nhiệt điện Thái Bình 2, công tác thanh tra sẽ tập trung vào việc chỉ định thầu; việc bổ sung dự án này vào danh mục các nguồn điện cấp bách theo quyết định của Thủ tướng tại thời điểm 2013; việc quyết định chủ trương và phê duyệt đầu tư; việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC.

Đối với khu “đất vàng” 69 Nguyễn Du, công tác thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Dự kiến ngày mai 8/4, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức công bố quyết định này. Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam sẽ chủ trì buổi công bố quyết định. Các bộ ngành tham dự gồm đại diện VPCP, Bộ Công Thương , Bộ KH&ĐT, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Nhà thầu PVC có nhiều sai phạm, dính đến hình sự, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. 
Nhà thầu PVC có nhiều sai phạm, dính đến hình sự, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. 

Giữa bối cảnh phòng, chống  dịch COVID-19 , Thanh tra Chính phủ lưu ý các cơ quan, đơn vị không cử người mới đi nước ngoài về hoặc những người tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 mà chưa cách ly đủ 14 ngày.

Trước đó, tháng 7/2019, 4 Ủy viên Trung ương gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch UB Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh và Bí thư Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến thăm và làm việc liên quan đến dự án này.

Khi ấy, theo báo cáo từ ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32.000 tỉ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%... Tuy nhiên, ông Hải cho biết, dòng tiền rót vào chậm nên lo ngại ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Dự án đang gặp khó khăn nên nhiều lao động đã xin nghỉ, từ 800 người còn lại khoảng 400 người.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC), tổng thầu của dự án cũng lo lắng khi dòng tiền về chậm. Vị này chia sẻ trong quá trình thực hiện đơn vị đã phải dùng nguồn khác bù vào, trong đó có cả tiền tổng thầu tự chi ra, thậm chí còn nhiều hơn tiền từ chủ đầu tư giải ngân.

Thẳng thắn nhìn nhận về dự án, ông Trần Sỹ Thanh, chủ tịch PVN cho hay, dự án gặp vô vàn khó khăn. Nếu không có tiền, nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ phải đóng cửa. "Trong quá trình làm, tổng thầu PVC có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố, bị bắt. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều hành của tập đoàn như thiếu nhân sự làm việc, không ai dám quyết cái gì vì sợ trách nhiệm. Về nguyên tắc, khi dự án liên quan đến các vấn đề khởi tố, ngay lập tức các ngân hàng sẽ đóng tín dụng, dự án không thể vay được nữa"- ông Thanh nêu.

Còn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn là dự án rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện. Nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng.

Khu
Khu "đất vàng" gần 570m2 tại 69 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng được thanh tra lần này. Ảnh: NĐT

Còn khu đất 69 Nguyễn Du đã từng được Thanh tra Chính phủ đề cập hồi năm 2012 trong kết luận thanh tra đối với PVN. Theo đó lô đất gần 570m2 tại 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP. Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc.

Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã thu hồi và giao cho Tổng công ty xây lắp Dầu khí (PVC) cải tạo làm trụ sở trong thời hạn 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép.

PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi "Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du", có diện tích đất 596,7m2, diện tích xây dựng công trình 406,2 m2, quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5m2 dự kiến cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu làm việc hàng ngày của PVC và các đối tác thuê văn phòng tại đây.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ lúc đó cho hay: ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành với giá 95,9 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra cho biết thêm, do thời gian và nội dung thanh tra được quy định và tại thời điểm đó, Công an TP. Hà Nội cũng đang tiến hành điều tra việc mua, bán căn nhà 69 Nguyễn Du nên Thanh tra Chính phủ không đi sâu xác minh.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương