Thành tỷ phú nhờ bán phần mềm giám sát nhân viên làm việc từ xa mùa dịch COVID-19

Nhờ phần mềm giám sát nhân viên làm việc từ xa, một doanh nhân người Nhật đã vươn lên thành tỷ phú trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Forbes cho biết, xu hướng làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy nhu cầu về các công cụ giám sát làm việc từ xa, được bán bởi Optim Corp. Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Tokyo đã tăng gấp đôi trong năm nay, do sự phát triển liên tục của phần mềm quản lý thiết bị di động của nhân viên.

Hơn tuần trước, trong báo cáo của mình, Optim cho biết quý đầu tiên của họ trong năm nay đạt lợi nhuận 12 triệu yên (113.000 USD) so với mức lỗ 150 triệu yên của cùng kỳ năm trước. Doanh thu của công ty đã tăng 17,5%, đạt 1,37 tỷ yên trong cùng quý.

Shunji Sugaya, nhà sáng lập Optim, đã trở thành tỷ phú chỉ hai ngày trước sinh nhật lần thứ 44 của mình, khi cổ phiếu công ty của ông leo lên mức đỉnh 3.790 yên vào giữa tháng 8. Kể từ đó, cổ phiếu của ông đã mang lại tiền túi lên đến 1,1 tỷ USD cho nhà sáng lập này.

Nhà sáng lập Shunji Sugaya. Ảnh: Optim
Nhà sáng lập Shunji Sugaya. Ảnh: Optim

“Tại Nhật Bản, nhiều công ty tập trung vào quản lý tài sản hơn là nhân viên. Nhưng sau đại dịch này, mọi thứ đã thay đổi, đặc biệt là ở góc độ quản lý. Làm việc từ xa là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể thấy nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt là trong xã hội Nhật Bản”, Sugaya chia sẻ với Forbes.

Dịch vụ cốt lõi của Optim là nền tảng quản lý thiết bị có tên Optimal Biz, được tạo ra vào năm 2009. Khách hàng có thể sử dụng phần mềm để quản lý thiết bị của nhân viên từ trình duyệt web, cho phép họ chặn một số trang web và ngăn chặn việc mất dữ liệu trong các thiết bị bị đánh cắp, với chức năng khóa và xóa từ xa.

Vào cuối tháng 5/2020, Optim đã ra mắt Optimal Biz Telework, một phần mở rộng để phục vụ những người làm việc tại nhà. Dịch vụ này được cho là sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích năng suất của nhân viên, và cảnh báo cho các nhà quản lý khi nhân viên có vẻ không hoạt động trong giờ làm việc.

Một công cụ khác thu hút được sự chú ý trong thời kỳ đại dịch là Camera AI của Optim. Được giới thiệu vào cuối năm 2018, dịch vụ phân tích hình ảnh này có khả năng phân tích bối cảnh ở những nơi như văn phòng và căng tin của nhân viên.

Sugaya nói: “Trước đại dịch, khi chúng tôi giới thiệu những sản phẩm này, phản ứng của mọi người, đặc biệt là từ các doanh nghiệp, vẫn là tiêu cực. Giờ đây, họ không có lựa chọn nào khác. Họ phải áp dụng những dịch vụ đó, cả phía doanh nghiệp và người dùng đã và đang nhận ra những lợi ích từ sản phẩm của chúng tôi”.

Optimal Biz Telework giúp giám sát xem nhân viên có chú tâm khi làm việc tại nhà không. Ảnh: Optim
Optimal Biz Telework giúp giám sát xem nhân viên có chú tâm khi làm việc tại nhà không. Ảnh: Optim

Là một lập trình viên tự học, Sugaya bắt đầu viết mã phần mềm để tạo ra các trò chơi mà ông đã bán cho bạn bè của mình khi vẫn còn đang đi học. Sau đó, đến lúc phải chọn chuyên ngành đại học, ông không ngờ lại quyết định theo học ngành nông nghiệp. Ông chia sẻ: “Vào năm 1996, công nghệ thông tin không quá tiên tiến. Tôi cho rằng mình đã học đủ về công nghệ thông tin rồi”.

Nhưng giờ đây, công nghệ nông nghiệp đã trở thành một yếu tố quan trọng trong các kế hoạch mở rộng của Optim. Ngoài các phần mềm giám sát công việc từ xa, công ty này còn bán máy bay không người lái, có thể được sử dụng để theo dõi sức khỏe của cây trồng và phun thuốc trừ sâu.

Năm 2000, Sugaya mới 23 tuổi, tỷ phú sáng lập SoftBank Masayoshi Son lúc đó là giám khảo cho một cuộc thi thuyết trình kinh doanh. Và Sugaya đã giành được giải thưởng nhờ ý tưởng nhảy quảng cáo lên màn hình trong khi video và phần mềm đang được tải xuống.

Masayoshi Son đề nghị Sugaya lựa chọn giải thưởng tiền mặt trị giá 2,8 triệu USD hoặc cơ hội gia nhập SoftBank và nhận quyền chọn cổ phiếu, nhưng Sugaya từ chối cả hai lời đề nghị. Ông cho biết, mình muốn tự khởi nghiệp và Sugaya đã thành lập Optim vào cuối năm đó.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương