Thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á tiếp tục lao dốc vì dịch COVID-19

Tình trạng lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 đã tác động mạnh tới chứng khoán châu Âu.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/3, các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên các sàn chứng khoán châu Âu đã đồng loạt sụt giảm mạnh, trong đó chỉ số DAX trên sàn giao dịch Frankfurt ở Đức đã giảm trên 5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, bất chấp những biện pháp khẩn cấp ở Mỹ như việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất về gần mức 0%, chỉ số chứng khoán DAX của Đức đã giảm xuống dưới 9.000 điểm, còn 8.715 điểm, giảm 1% so với chốt phiên cuối tuần trước.

Một bảng hiệu điện tử cho thấy chỉ số giá chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) tại Seoul ngày hôm nay. Ảnh: YONHAP 
Một bảng hiệu điện tử cho thấy chỉ số giá chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) tại Seoul ngày hôm nay. Ảnh: YONHAP 

Riêng trong tuần qua, DAX đã mất 20% giá trị, mức giảm chỉ đứng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mùa Thu năm 2008 và nếu tính trong 3 tuần qua, DAX thậm chí đã mất 1/3 giá trị. Chỉ khoảng nửa giờ sau khi mở phiên giao dịch, DAX còn mất giá tơi 7,64% khi giảm xuống 8.525 điểm.

Chỉ số MDAX cũng giảm 4,6% xuống 19.318,33 điểm và là lần đầu tiên kể từ mùa Hè năm 2016, chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số EuroStoxx 50 cũng giảm 4,7%, xuống 2.465,56 điểm.

Tại thị trường chứng khoán Paris, chỉ số CAC của 40 doanh nghiệp hàng đầu nước này cũng mất 5,9% giá trị, trong khi chỉ số chứng khoán chủ chốt ở thị trường London (Anh) cũng giảm 5,3%, tại Milan (Italy) giảm 5,4% và Madrid (Tây Ban Nha) mất gần 7%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh do COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 16/3, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tiếp tục chứng kiến xu hướng sụt giảm trong phiên giao dịch đầu tuần khi cả hai chỉ số chính là S & P BSE Sensex và BSE Nifty-50 đã trải qua phiên sụt giảm mạnh.

S & P BSE Sensex giảm hơn 1.800 điểm trong phiên mở cửa trong khi NSE Nifty 50 xuống dưới mốc 10.000, giảm 500 điểm. Không mã nào trong số 30 cổ phiếu cấu thành S & P BSE Sensex được giao dịch trong sắc xanh.

Các nhà đầu tư đã mất 6,25 lakh crore (tương đương 87 tỷ USD) riêng trong phiên giao dịch sáng cùng ngày. Tính từ đầu tháng Ba đến nay, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã "bốc hơi" 16 lakh crore (trên 220 tỷ USD).

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Ấn Độ xuất phát từ tâm lý sợ hãi virus SARS- CoV- 2, vốn đã lây bệnh cho hơn 100 người tại Ấn Độ, trong đó có 2 người tử vong, cũng như nỗi sợ hãi về suy thoái kinh tế toàn cầu do dịch bệnh. Thêm vào đó là cuộc chiến giá dầu thô giữa Saudi Arabia và Nga. Tính từ đầu năm đến nay thị trường chứng khoán Ấn Độ đã mất hơn 31 lakh crore (gần 430 tỷ USD).

Tại phiên giao dịch trước đó vào cuối tuần trước, chứng khoán Ấn Độ cũng sụt giảm mạnh dẫn đến việc buộc phải ngắt giao dịch trong 45 phút để các nhà đầu tư tránh tâm lý hoảng loạn. Thị trường tài chính Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trở lại do tâm lý lo ngại dịch COVID-19 kéo dài. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) khép lại phiên giao dịch ngày 16/3 ở mức 1.714,86 điểm, giảm 56,58 điểm (tương đương 3,19%).

Chỉ số này mở đầu phiên với 1.805,43 điểm, giảm 33,99 điểm (1,92%) so với phiên trước, sau đó tiếp tục lao dốc tới cuối phiên. Ngày 16/3, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,75% nhằm ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ do tác động của dịch COVID-19. 

Quyết định trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi FED cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0 và đánh dấu mức lãi suất thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Theo BOK, những tác động tiêu cực do dịch bệnh trên là nghiêm trọng và cần phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ dành riêng cho ngành ngân hàng hoặc doanh nghiệp thay vì thay đổi chính sách tiền tệ. 

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Seoul ngày 16/3 dẫn báo cáo của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc về tình hình xuất nhập khẩu tháng 2/2020, cho biết kim ngạch xuất khẩu của nước này đã tăng trở lại sau 15 tháng.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2020 đạt 41,2 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng thời điểm của năm 2019, đánh dấu sự chuyển sang xu hướng tăng sau 15 tháng kể từ lần tăng 3,6% hồi tháng 11/2018.

Trong khi đó, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ sẽ dừng hoạt động mua lại cổ phiếu của chính họ, thay vào đó sẽ dành nguồn vốn để cung cấp vốn vay cho các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Diễn đàn Dịch vụ Tài chính (FSF) của Mỹ ngày 15/3 cho biết, tám thành viên của FSF gồm JPMorgan Chase & Co, Bank of America Corp, Citigroup Inc, Wells Fargo & Co, Goldman Sachs Group Inc, Morgan Stanley, Bank of New York Mellon Corp và State Street Corp, sẽ ngừng hoạt động mua lại cổ phiếu của chính họ đến hết ngày 30/6.

Trong một tuyên bố FSF nhấn mạnh: Dịch COVID-19 là một thách thức chưa từng có tiền lệ mà thế giới và nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ có đủ năng lực và cam kết sẽ hỗ trợ các khách hàng cũng như nền kinh tế đất nước".

Quyết định của tám ngân hàng nói trên được đưa ra sau khi một số nhà lập pháp Mỹ tuần trước hối thúc các ngân hàng chủ chốt của nền kinh tế lớn nhất thế giới dừng việc dùng vốn để mua lại cổ phiếu, mà thay vào đó hỗ trợ các khách hàng cũng như nền kinh tế quốc gia.

Các ngân hàng chủ chốt này đưa ra quyết định mới nhất chỉ vài giờ sau khi FED tiến hành cắt giảm lãi suất khẩn cấp xuống biên độ 0-0,25% nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

FSF cho biết tám ngân hàng thành viên của diễn đàn này trong 10 năm vừa qua đã tăng hơn 40% tổng nguồn vốn lên 914 tỷ USD.

P.V (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương