Có phải siêu du thuyền nào của Nga cũng bị 'săn lùng'?

Nga chiếm 10% tổng số siêu du thuyền của thế giới, song thực tế không phải tất cả trong số đó đều bị "săn lùng" theo lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Hàng loạt du thuyền bị bắt giữ

Giới chức Tây Ban Nha vừa cho biết, họ đã bắt giữ hai du thuyền được cho là tài sản của các tỷ phú Nga, những người có liên hệ với Tổng thống Putin, theo lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây.

Cụ thể, đó là du thuyền có tên là The Crescent, một siêu du thuyền dài 135 mét với hai bãi đáp trực thăng và một bể bơi. Du thuyền này đã bị bắt giữ hôm thứ Tư (16/3) tại khu vực phía đông của Catalonia, theo Bộ Giao thông vận tải Tây Ban Nha.

6f235255c7d31b46001024c9dd5eae61.jpg
Siêu du thuyền The Crescent vừa bị bắt giữ.

Chủ sở hữu của du thuyền này không được công khai, mặc dù nó được cho là thuộc về Igor Sechin - người đứng đầu Công ty dầu Rosneft có trụ sở tại Moscow, theo thông tin mà Reuters trích dẫn từ nguồn tin cảnh sát.

Trên khắp thế giới và đặc biệt là ở châu Âu, du thuyền của các tỷ phú Nga đã bị giám sát chặt chẽ khi các chính phủ và tổ chức tiến hành một chiến dịch trừng phạt chống lại nước này do đã thực hiện một cuộc tấn công xâm lược Ukraina. Nhiều trường hợp trong số này đã bị các cơ quan chức năng nước sở tại ngăn chặn không cho chúng ra vùng biển quốc tế.

The Crescent là du thuyền thứ hai bị chính quyền Tây Ban Nha thu giữ trong hai ngày qua, sau vụ bắt giữ Lady Anastasia, chiếc du thuyền dài 48 mét, ở Majorca.

Hôm thứ Hai, các quan chức Tây Ban Nha cũng đã ngăn chặn tàu Valerie dài 85 mét rời Barcelona. Ba chiếc du thuyền này có tổng giá trị ước tính hơn 700 triệu USD.

Trên thế giới có khoảng 5.000-6.000 siêu du thuyền. Trong số đó, khoảng 10% thuộc sở hữu của người Nga nhưng không phải tất cả đều là tài sản của các nhà tài phiệt đồng minh với TT Putin. Điều đó có nghĩa là, số lượng siêu du thuyền bị Mỹ và EU trừng phạt chỉ khoảng vài chục chiếc.

Đầu tháng này, các quan chức hải quan Pháp cũng đã bắt giữ một siêu du thuyền khác là chiếc Amore Vero khi nó đang chuẩn bị rời khỏi cảng Marseilles, theo Bộ Tài chính Pháp. Chiếc du thuyền này cũng thuộc sỡ hữu của Igor Sechin.

Sechin, 61 tuổi, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin, đã bị Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đưa vào danh sách trừng phạt. Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Rosneft, một trong những công ty dầu khí đại chúng lớn nhất thế giới, ông từng là phó Thủ tướng Nga.

Trong một diễn biến liên quan đến chiến dịch “truy lùng” du thuyền của các nhà tài phiệt Nga, chiếc Ragnar dài 68 mét, thuộc sở hữu của cựu điệp viên KGB Vladimir Strzhalkovsky, cũng bị mắc kẹt tại thị trấn Narvik, miền Bắc nước này do không có nhiên liệu. Thuyền trưởng của con tàu này đã liên hệ với mọi nhà cung cấp trong khu vực mà không thành công, theo đài truyền hình công cộng NRK của Na Uy.

Giới tài phiệt Nga có bao nhiêu du thuyền?

Theo công ty định giá du thuyền VesselsValue có trụ sở tại Anh, có 56 siêu du thuyền - thường được định nghĩa là những con tàu sang trọng có chiều dài hơn 79 feet - được cho là thuộc sở hữu của vài chục nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin - ước tính có giá hơn 5,4 tỷ USD.

Theo AP, trong khi nhiều tàu vẫn neo đậu tại hoặc gần các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Địa Trung Hải và Caribe thì hơn một chục chiếc khác đang đi đến các cảng ở Maldives và Montenegro – những khu vực mà lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây không với tới.

Trong khi đó 3 chiếc được cho là đang neo đậu ở Dubai, nơi mà nhiều người Nga giàu có có nhà ở.

http___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_211109072244-04-superyacht-eclipse.jpg
Du thuyền Graceful được cho là đã kịp trở về Nga.

Ba chiếc khác đã tắt định vị và lần cuối cùng được nhìn thấy là bên ngoài eo biển Bosporus của Thổ Nhĩ Kỳ - một cửa ngõ vào Biển Đen và các cảng Sochi và Novorossiysk phía nam nước Nga.

Graceful, một siêu du thuyền gắn cờ Nga do Đức đóng được cho là của ông Putin, đã rời một bãi sửa chữa ở Hamburg vào ngày 7/2, hai tuần trước khi Nga xâm lược Ukraina.

Hiện nó đang được neo đậu tại cảng Kaliningrad, thuộc vùng Baltic của Nga, nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt vào tuần trước.

Một số nhà tài phiệt Nga dường như đã không nhận được thông tin để di chuyển siêu du thuyền đi nơi khác bất chấp những cảnh báo công khai về cuộc xâm lược có kế hoạch của Putin trong nhiều tuần.

Nhà chức trách Pháp đã bắt giữ siêu du thuyền Amore Vero hôm thứ Năm tại thị trấn nghỉ mát La Ciotat ở Địa Trung Hải. Con thuyền được cho là của Igor Sechin, đồng minh của Putin, người điều hành tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga.

Igor Sechin nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Bộ Tài chính Pháp cho biết trong một tuyên bố rằng, các cơ quan hải quan đã lên tàu Amore Vero và phát hiện thủy thủ đoàn đang chuẩn bị cho chuyến khởi hành khẩn cấp, mặc dù công việc sửa chữa theo kế hoạch vẫn chưa kết thúc.

Con tàu trị giá 120 triệu USD đã được đăng ký cho một công ty mà Sechin là cổ đông chính.

Hôm thứ Bảy, cảnh sát tài chính Ý tại cảng San Remo cũng đã bắt giữ siêu du thuyền Lena dài 132 feet, được gắn cờ ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Nhà chức trách cho biết, con tàu này thuộc về Gennady Timchenko, một nhà tài phiệt thân cận với TT Putin và nằm trong số những người bị Liên minh châu Âu trừng phạt. Với giá trị tài sản ròng ước tính là 16,2 tỷ USD, Timchenko là người sáng lập Tập đoàn Volga, chuyên đầu tư vào năng lượng, vận tải và cơ sở hạ tầng.

Chiếc Lady M dài 213 foot cũng bị Ý bắt giữ khi đang neo đậu ở thị trấn cảng Riviera.

Trong một dòng tweet thông báo về vụ bắt giữ hôm thứ Sáu, phát ngôn viên của Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết, con tàu tương đối khiêm tốn trị giá 27 triệu USD này là tài sản của tỷ phú thép Alexei Mordashov – người được cho là người giàu nhất nước Nga với tài sản khoảng 30 tỷ USD.

lady-m-luxury-yacht-completed-001.jpg
Siêu du thuyền Lady M.

Trong khi đó, siêu du thuyền của Mordashov, chiếc Nord (dài 464 foot), đã neo đậu an toàn ở Seychelles, một chuỗi đảo nhiệt đới ở Ấn Độ Dương không thuộc thẩm quyền trừng phạt của Hoa Kỳ hoặc EU.

Nord nằm trong số những siêu du thuyền lớn nhất thế giới, có giá trị thị trường là 500 triệu USD.

Sự phát triển của những chiếc du thuyền dành cho giới tài phiệt xuất hiện sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, khi các ngành công nghiệp dầu mỏ và kim loại của nhà nước bị bán với giá thấp nhất. Những người trung thầu thường là các doanh nhân và chủ ngân hàng Nga có quan hệ chính trị với giới lãnh đạo.

Những người theo chủ nghĩa tân cổ điển của Nga bắt đầu mua những chiếc du thuyền sang trọng có kích thước và chi phí tương tự như những chiếc du thuyền thuộc sở hữu của các tỷ phú, nguyên thủ quốc gia và hoàng gia trên khắp thế giới.

Mỹ thành lập đội đặc nhiệm “săn” du thuyền

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland hôm 16/3 lần đầu tiên triệu tập một lực lượng đặc nhiệm đa phương có tên gọi REPO, dành riêng cho việc thực thi các lệnh trừng phạt với Nga.

REPO - viết tắt của Russian Elites, Proxy và Oligarchs (giới tinh hoa, đại diện và tài phiệt Nga) - sẽ làm việc với các quốc gia khác để điều tra và truy tố những cá nhân trong diện trừng phạt, theo AP.

Đơn vị này đang xem xét 50 cá nhân và 28 cái tên trong số đó đã được công bố công khai. Đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ trong việc thực thi các lệnh trừng phạt với Nga kể từ khi giao tranh nổ ra ở Ukraine.

REPO sẽ hoạt động cùng với một đơn vị khác có tên KleptoCapture, do Bộ Tư pháp dẫn đầu để thực thi các hạn chế kinh tế mà Mỹ áp đặt đối với Nga và tỷ phú nước này, đồng thời làm việc với FBI và các cơ quan liên bang khác.

Nhà Trắng cho biết Đức, Anh, Pháp, Italy và các nước khác cũng đang cố gắng thu thập và chia sẻ thông tin chống lại những người Nga bị nhắm mục tiêu trừng phạt.

Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm sự khác nhau về luật giữa các quốc gia và nguy cơ trừng phạt những người vô tội có tài sản liên quan tới tài sản bị tịch thu của một nhà tài phiệt.

Bên cạnh đó, thời gian cũng là một vấn đề gây lo ngại. Các cuộc điều tra có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương