Thứ trưởng Bộ KHĐT: "Cách chống dịch lần này này sẽ giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế"

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhiều ngành kinh doanh đang trên đà phát triển ổn định thì tiếp tục bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ 2.

Trao đổi với Zing, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nói rằng dịch Covid-19 và giải pháp kiểm soát dịch lần này tác động đến kinh tế khác đợt đầu năm.

Ông Phương nhấn mạnh, công tác dự báo kinh tế trong giai đoạn này cũng gặp nhiều khó khăn vì nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố liên quan đến dịch bệnh. Qua diễn biến của dịch bệnh vừa qua, một số quốc gia đã điều chỉnh lịch trình dự kiến mở cửa, có nơi mở ra được một thời gian ngắn đã phải đóng lại do dịch tái bùng phát quá mạnh.

“Những yếu tố biến đổi liên tục khiến công tác dự báo rất khó khăn”, ông nói.

Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: Xuân Trung.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: Xuân Trung.

Kết quả dự báo của các tổ chức thế giới cũng điều chỉnh theo diễn biến của dịch bệnh, như IMF, WB đều điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.

Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biết, tác động của làn sóng dịch thứ hai tới kinh tế Việt Nam còn phải căn cứ vào quy mô, phạm vi và thời điểm khống chế được dịch. Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ KHĐT đã từng cảnh báo nếu bị một đợt sóng lần thứ hai, giống như đợt một thì tác động đến nền kinh tế là rất ghê gớm.

Ngay sau khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, ngành du lịch và vận tải hành khách là bị tác động đầu tiên, đặc biệt là diễn ra tình trạng hủy tour, khiến các công ty lữ hành, vận chuyển gặp khó khăn. 

Mới đây, Bộ KHĐT cũng đưa ra báo cáo cho thấy gành lữ hành và vận chuyển có sự phục hồi mạnh trong tháng 7 so với tháng 6, chưa được lâu thì lại ảnh hưởng của dịch, vì vậy Bộ cần phải thu thập số liệu để đưa ra dự báo và kịch bản cụ thể. 

Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng chỉ ra sự khác biệt giữa làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tới nền kinh tế so với làn sóng đầu năm.

Trong đợt đầu năm, cả nước giãn cách xã hội, tác động đến nhiều ngành nghề kinh doanh, tăng trưởng GDP quý II đạt thấp với mức trên 0,3%. Đối với đợt bùng phát này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo không để dịch lây lan rộng, quyết tâm dùng mọi nguồn lực để dập dịch bằng được, đạt được mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Cách làm là khi phát hiện ổ dịch sẽ khoanh vùng cục bộ, tìm mọi cách để dập dịch khu vực đó. Tập trung phong tỏa ổ dịch, giãn cách ở nơi có dịch, còn lại là khoanh vùng trong bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại và kiểm soát. Như vậy cáchoạt động kinh tế, xã hội diễn ra bình thường, đảm bảo mục tiêu kép mà Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh cách làm này dự kiến cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế, trừ các vùng có dịch thì các vùng khác vẫn phát triển kinh tế bình thường. Một số nơi cấm các dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, massage… nhưng về cơ bản các hoạt động sản xuất kinh doanh khác vẫn diễn ra.

Dù vậy, ông Phương cho rằng cách làm hiện tại sẽ cần chi phí y tế lớn hơn, đặc biệt là áp dụng xét nghiệm mở rộng, nhân lực, nguồn lực, chuyên môn... cũng cần tập trung hơn trước. Nỗ lực được Chính phủ đề ra là đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể trong năm nay, song song với đó kiểm soát và khống chế được dịch bệnh.

"Thiệt hại, khó khăn là không tránh khỏi nhưng với nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống, toàn xã hội, các cấp, các ngành và với phương pháp, cách tiếp cận phù hợp, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một chiến thắng kép", ông nói.

Thanh Mai

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch COVID-19

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch COVID-19

Triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn chưa có điểm sáng trong bối cảnh ca nhiễm COVID -19 tiếp tục tăng, việc nhiều nước có thể tái áp đặt lệnh phong tỏa...