Thủ tướng ban hành Công điện khẩn chống dịch COVID-19 sau các ca nhiễm tại TP.HCM

Công điện nêu rõ đã có trường hợp lây nhiễm COVID-19 từ người nhập cảnh trong thời gian cách ly. Có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước tình hình dịch COVID-19 có diễn biến mới, Thủ tướng Chính phủ chiều 2/12 đã ban hành Công điện số 1699 về tăng cường phòng, chống dịch bệnh.

Công điện nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, bùng phát trở lại trong mùa đông tại nhiều quốc gia. Trong nước, sau 88 ngày liên tiếp không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, tại TP.HCM đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm từ người nhập cảnh trong thời gian cách ly. Có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

TP.HCM được đánh giá rất nhanh chóng, quyết liệt truy vết, khoanh vùng các ca nhiễm COVID-19 và người tiếp xúc gần xuất phát từ tiếp viên Vietnam Airline. Ảnh: HCDC
TP.HCM được đánh giá rất nhanh chóng, quyết liệt truy vết, khoanh vùng các ca nhiễm COVID-19 và người tiếp xúc gần xuất phát từ tiếp viên Vietnam Airline. Ảnh: HCDC

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chiến lược kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh từ bên ngoài. Khi có ca nhiễm lập tức khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả.

Các Bộ, địa phương tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.

Công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố, trước hết là thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm 5K trong phòng, chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế. Trước hết là việc đeo khẩu trang bắt buộc và khử khuẩn và tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm dịch bệnh như khu cách ly, khu dân cư tập trung, chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, bến cảng, sân bay, ga tàu..., đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, các cơ sở lưu trú, trường học, cơ sở khám chữa bệnh phải thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn phòng, chống dịch, công khai kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.

Đối với trường hợp lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, công điện yêu cầu  UBND TP.HCM chỉ đạo nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng 3.

Công điện Thủ tướng vừa ban hành khẳng định việc để xảy ra lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng là vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống dịch. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ Y tế, UBND TP.HCM giám sát xử lý vụ việc vi phạm này.

Công điện của Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm trong cách ly tại Vietnam Airlines, đồng thời thực hiện nghiêm việc cách ly đối với tổ bay, tiếp viên, bảo đảm đúng các yêu cầu phòng, chống dịch. Ảnh: VNA
Công điện của Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm trong cách ly tại Vietnam Airlines, đồng thời thực hiện nghiêm việc cách ly đối với tổ bay, tiếp viên, bảo đảm đúng các yêu cầu phòng, chống dịch. Ảnh: VNA

Một vấn đề yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiệnnghiêm nữa là tăng cường quản lý biên giới, quản lý chặt hoạt động nhập cảnh, không để nhập cảnh trái phép.

Với các chuyến bay quốc tế, chỉ thực hiện bay chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân nhập cảnh Việt Nam; chở lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài phục vụ thực hiện mục tiêu kép, phục hồi kinh tế... Có phương án đưa người Việt Nam về nước phù hợp với khả năng tiếp nhận, quản lý trong nước và yêu cầu phòng, chống dịch. Đồng thời thực hiện nghiêm việc cách ly đối với tổ bay, tiếp viên, bảo đảm đúng các yêu cầu phòng, chống dịch.

Công điện cũng yêu cầu tất cả trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý, cơ sở cách ly đủ điều kiện do các địa phương quản lý, đúng quy trình, thời gian cách ly. Các Bộ, địa phương giám sát chặt chẽ cơ sở cách ly người nhập cảnh, phòng ngừa lây chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Đáng chú ý, công điện khẳng định nếu dịch lây nhiễm trong cộng đồng, thì cần thực hiện giãn cách xã hội đối với các khu vực có nguy cơ cao, không áp dụng giãn cách xã hội tràn lan trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ công tác với tinh thần sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Cơ quan này cũng được giao nhiệm vụ có phương án hợp tác với nước ngoài sản xuất, mua vắc xin, nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước...

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, ca F0 của ổ dịch phát hiện tại thành phố sau 3 tháng không có ca lay nhiễm trong cộng đồng là bệnh nhân 1342 được công bố mắc COVID-19 vào ngày 29/11.

Trong thời gian cách ly, BN1342 đã tiếp xúc gần một giáo viên tiếng Anh. Kết quả, giáo viên tiếng Anh trở thành bệnh nhân 1347, công bố ngày 30/11. Bệnh nhân 1347 đã đi qua 3 quận và tiếp xúc hàng trăm người. 

Ngày 1/12, thêm 2 bệnh nhân dương tính liên quan đến bệnh nhân 1347. Đó là bệnh nhân 1348 - bé trai mới 14 tháng tuổi và 1 nữ học viên tại trung tâm tiếng Anh do bệnh nhân 1347 giảng dạy.

Hiện TP.HCM đã khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm khoảng 800 người. Dự kiến sẽ xét nghiệm thêm 800 người khác.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương