Tô Hoài: Những trang văn và những liên tưởng

Nhân dịp 100 ngày sinh nhà Tô Hoài 27/9, cùng nhìn lại con đường sự nghiệp và phong cách văn chương của ông

Tô Hoài là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông có sự nghiệp văn chương đồ sộ với nhiều đóng góp lớn lao cho nền văn học nước nhà. Những sáng tác của ông trong sáng, dí dỏm hướng về đời sống, con người với những giá trị tốt đẹp, nhân văn, nhưng ẩn chứa trong đó là những liên tưởng, chiêm nghiệm mang tính xã hội và thời đại, mà nhiều thế hệ sau này đọc lại vẫn còn nguyên giá trị.

Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong gia đình có truyền thống làm giấy dó. Đây cũng là nơi ông sinh sống và gắn bó suốt những năm tháng ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.

Thời thanh niên, Tô Hoài phải trải qua nhiều nghề khác nhau… Ông đến với nghề văn ở tuổi mười tám, đôi mươi và lấy bút danh là Tô Hoài (ghép từ tên đầu của con sông Tô Lịch chảy qua làng Nghĩa Đô nơi ông sống và phủ Hoài Đức nguyên quán của ông).

Nhà văn Tô Hoài
Nhà văn Tô Hoài

Những sáng tác đầu tay của Tô Hoài được đăng trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy đã nhanh chóng được bạn đọc đương thời chú ý. Ông sớm khẳng định được vị trí của mình bằng một loạt tác phẩm độc đáo, đặc sắc như: Con dế mèn (sau này viết bổ sung và đổi tên thành Dế Mèn phiêu lưu ký), Quê người, O chuột, Trăng thềNhà nghèo… 

Từ các tác phẩm này, người đọc nhận thấy sức sáng tạo dồi dào của cây bút trẻ với hai chủ đề chính là truyện về loài vật và truyện về làng ven đô trong cảnh đói nghèo. Qua những tác phẩm tiêu biểu như: Dế Mèn phiêu lưu ký, O chuột, Gã chuột bạch, Tuổi trẻ, Đôi ri đá, Một cuộc bể dâu, Mụ ngan... thế giới loài vật của Tô Hoài thật độc đáo, gợi lên sự liên tưởng về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. Có lẽ, từ trước cho đến nay, trong văn học Việt Nam chưa có nhà văn nào viết về loài vật nhiều và đặc sắc như Tô Hoài. 

Các ấn phẩm 'Dễ mèn phiêu lưu ký' của Tô Hoài qua các thời kì 
Các ấn phẩm 'Dễ mèn phiêu lưu ký' của Tô Hoài qua các thời kì 

Bên cạnh truyện viết về loài vật, mảng truyện viết về cảnh đời lầm than cũng được ông miêu tả chân thật và sinh động. Cuộc sống cùng quẫn bế tắc của những kiếp người nghèo khổ, lang thang, phiêu bạt nơi đất khách quê người, những người thợ thủ công bị phá sản xuất hiện qua từng trang sách với tất cả niềm cảm thông chân thành của nhà văn. Với những bà lão Vối (Mẹ già), chị Hối (Ông cúm bà co), Hương Cay (Khách nợ), gia đình anh Hối (Buổi chiều ở trong nhà)... cảnh đời của những thân phận cơ cực ấy khiến người đọc trăn trở về hiện thực đầy bất hạnh.

Cần nói thêm rằng, ở thời kỳ này, qua tác phẩm của mình, Tô Hoài đã bộc lộ những khát vọng thoát khỏi bế tắc, thoát khỏi cuộc sống nhàm chán buồn tẻ, vô vị, thậm chí mơ về “một thế giới đại đồng.” Và có lẽ vì vậy nên ông vẫn đứng vững ở vị trí của một nhà văn hiện thực với vẻ đẹp trong sáng, tác phẩm thấm đượm tính nhân văn.

Ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa
Ấn phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa
Hoạ sĩ trẻ Linh Rab, bằng tình yêu Dế Mèn, đã cho ra đời một cuốn truyện tranh hiện đại chuyển thể từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” có tên “Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu”.
Hoạ sĩ trẻ Linh Rab, bằng tình yêu Dế Mèn, đã cho ra đời một cuốn truyện tranh hiện đại chuyển thể từ “Dế Mèn phiêu lưu ký” có tên “Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu”.

Sau 1945, Tô Hoài có sự chuyển biến về tư duy sáng tác. Ông nhanh chóng thâm nhập hiện thực cuộc sống và sáng tạo thành công nhiều tác phẩm có giá trị ở các thể loại loại khác nhau. Bước chuyển trong sáng tác của Tô Hoài được thể hiện rõ ở cả chủ đề và đề tài. Tô Hoài không bó hẹp nội dung và đối tượng phản ánh trong phạm vi của một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội nơi ông từng gắn bó như trước mà hướng đến không gian rộng lớn, đến với cuộc sống của nhiều lớp người, nhiều vùng đất khác nhau. Ông viết về miền núi, với các tập Núi Cứu quốc, Truyện Tây BắcMiền Tây... Ông viết về những người anh hùng dân tộc thiểu số dũng cảm, thủy chung sắt son, hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước, quê hương: Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Kim Đồng, Giàng A Thào, Vừ A Dính...

Sống trong cuộc đời mới, để “tri tân”, Tô Hoài vẫn “ôn chuyện cũ”, ngòi bút của ông hướng về xã hội trước 1945 với cách nhìn, sự suy ngẫm sâu sắc hơn theo thời gian cùng những trải nghiệm đời người. Ông viết Mười năm, với tầm nhận thức từ chỗ đứng của cuộc sống hiện tại nhiều đổi thay mang ý nghĩa lớn trong đời sống dân tộc. Tiếp tục mạch sáng tác hoài niệm ấy, qua những Quê nhà; Những ngõ phố, người đường phố; Chuyện cũ Hà Nội... cho thấy vốn sống, nguồn tư liệu, cũng như nguồn cảm hứng sáng tác của Tô Hoài về Hà Nội vô cùng phong phú đa dạng. Từ các tác phẩm viết về Hà Nội của ông, người đọc hiểu hơn về phong tục, nếp sinh hoạt, tên gọi phố phường, con người Hà Nội trải dài suốt cả thế kỉ XX trong đời thường, trong chiến tranh và trong hòa bình.

“Chuyện cũ Hà Nội” của Tô hoài được tái bản hình thức mới. Với sự gắn bó, am hiểu sâu sắc về Hà Nội, bằng những nét ký họa tinh tế, sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã vẽ được “cái thần thái cả một thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp trở thành nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê”. Đọc “Chuyện cũ Hà Nội” độc giả sẽ bắt gặp những cảnh sắc, phong tục của một Hà Nội phố và vùng ven đô nay đã không còn.
“Chuyện cũ Hà Nội” của Tô hoài được tái bản hình thức mới. Với sự gắn bó, am hiểu sâu sắc về Hà Nội, bằng những nét ký họa tinh tế, sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã vẽ được “cái thần thái cả một thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp trở thành nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê”. Đọc “Chuyện cũ Hà Nội” độc giả sẽ bắt gặp những cảnh sắc, phong tục của một Hà Nội phố và vùng ven đô nay đã không còn.

Không chỉ thành công ở thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, Tô Hoài còn đạt được thành tựu đặc sắc ở thể ký. Nhiều tác phẩm ký của ông xuất hiện sau những chuyến đi về các miền đất như Nhật ký vùng cao, Lên Sùng Đô... hay tới thăm nước bạn như Tôi thăm Campuchia, Thành phố Lê-nin, Hoa hồng vàng song cửa... Đặc biệt, các tập hồi ký của Tô Hoài luôn gắn liền với bao nỗi vui buồn và mơ ước của tuổi thơ, bao kỉ niệm về những bạn văn, đời văn của ông như Cỏ dại, Tự truyện, Cát bụi chân ai, Chiều chiều...

Và cũng từ đấy, người đọc dần dần sáng tỏ phong cách nghệ thuật, thân phận, nhân cách nhà văn trong hành trình văn chương của ông cùng bằng hữu, đồng nghiệp. Với cách viết rất linh hoạt biến hóa, các sự kiện được khai thác theo mạch liên tưởng và đan xen lẫn nhau nên các hồi ký của Tô Hoài luôn tạo được sức hấp dẫn đối với người đọc không thua kém gì so với thể loại khác.

“Tự truyện” là ập hồi ký gắn với bao nỗi vui buồn và ước mơ của tuổi thơ, bao kỉ niệm về những người bạn văn, đời văn của nhà văn Tô Hoài, từ Cỏ dại; Mùa hạ đến, mùa xuân đi; Những người thợ cửi; Đi làm; Hải Phòng; Một quãng đường; 1947; và Ông già ở Arga.
“Tự truyện” là ập hồi ký gắn với bao nỗi vui buồn và ước mơ của tuổi thơ, bao kỉ niệm về những người bạn văn, đời văn của nhà văn Tô Hoài, từ Cỏ dại; Mùa hạ đến, mùa xuân đi; Những người thợ cửi; Đi làm; Hải Phòng; Một quãng đường; 1947; Ông già ở Arga.

Bên cạnh những mảng sáng tác trên, Tô Hoài còn viết rất nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và rất thành công. Ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký nổi tiếng, ông có hàng loạt sáng tác được trẻ em nhiều thế hệ yêu thích khác như:  Mực tàu giấy bản, Nói về cái đầu tôi, Ngọn cờ lau, Thằng phó, U Tám, Lá thư rơi, Võ sĩ Bọ Ngựa, Ba anh em, Ba bà cháu, Câu chuyện ngày chủ nhật, Chuột thành phố, Người chiến sĩ vệ quốc trong phái tăng già, Con mèo lười, Đám cưới chuột, Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử, Trê và Cóc, Ông Trạng Chuối, Chiếc xe bí mật, Hoa Sơn, Con gà lờ đờ, Tính ác, Hợp tác xã chúng em, Chim hải âu, Chim chích lạc rừng, Chú bồ nông ở Sa-mác-can… Ở mảng sáng tác này, dù là đề tài sinh hoạt, cổ tích hay lịch sử, ngay cả khi tuổi tác không còn trẻ, Tô Hoài vẫn có được cách cảm nhận và thể hiện đời sống qua trang văn phù hợp với tâm hồn, nhận thức của tuổi thơ. Và ông đã dẫn dắt các em đến với một thế giới có vô vàn điều kỳ thú, góp phần bồi đắp nhân cách, nuôi dưỡng vẻ đẹp và sự trong sáng, cao thượng cho những tâm hồn thơ bé.

Tô Hoài: Những trang văn và những liên tưởng

Đến với văn học từ cuối những năm 1930, tham gia nhiều hoạt động chính trị, xã hội và từng đảm đương trọng trách tại Hội Nhà văn Việt Nam cũng như Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhưng suốt cuộc đời gần tám mươi năm sáng tạo bền bỉ của mình, Tô Hoài vẫn chuyên tâm viết văn với một số lượng tác phẩm đồ sộ (gần 200 đầu sách trong đó có hơn 60 đầu sách viết cho thiếu nhi) ở nhiều thể loại khác nhau.

Tạ thế ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội ở tuổi chín mươi tư thượng thọ, trải qua nhiều cương vị, nhiệm vụ khác nhau nhưng chưa bao giờ ông nguội vơi nhiệt tình sáng tác. Với nhiều đóng góp đặc sắc trên bốn mảng đề tài lớn: vùng quê ngoại thành Hà Nội - hiện tại và lịch sử; miền núi Tây Bắc và Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến; sáng tác cho thiếu nhi; chân dung và hồi ức; có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, của nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau và đó là lý do mà những người yêu văn chương luôn luôn nhắc nhớ, tìm đọc tác phẩm của ông.

Nhà văn Tô Hoài thời trẻ (ngoài cùng bên trải) cùng các nhà văn, nhà báo: Xuân Thủy, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng (từ trái qua) (Ảnh: Trần Văn Lưu).
Nhà văn Tô Hoài thời trẻ (ngoài cùng bên trải) cùng các nhà văn, nhà báo: Xuân Thủy, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng (từ trái qua) (Ảnh: Trần Văn Lưu).

Là một tài năng lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1956, Truyện Tây Bắc); Giải A − Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970, tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á − Phi (1970, tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và Giải thưởng Bùi Xuân Phái −Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010). Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản... Trong đó, Dế Mèn phiêu lưu ký đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài 27/9, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm mới đặc biệt và các hoạt động ý nghĩa dành cho độc giả.
Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài 27/9, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm mới đặc biệt và các hoạt động ý nghĩa dành cho độc giả.

LA

Võ Quảng: “Nhà văn của tuổi thơ – Nhà thơ của tuổi hoa”

Võ Quảng: “Nhà văn của tuổi thơ – Nhà thơ của tuổi hoa”

Võ Quảng luôn tâm niệm mình là một nhà giáo dục, ông dành cả cuộc đời để mang “những gì đẹp đẽ nhất, tinh khiết nhất cho thiếu nhi”.