Tổng giám đốc New Toyo Việt Nam: Muốn đội được vương miện phải chịu được sức nặng của nó

Gắn bó với New Toyo khi còn là nhân viên văn phòng, nữ CEO Nhan Húc Quân đã giúp doanh nghiệp này có chỗ đứng khác biệt ở thị trường Việt Nam.

Doanh nhân Nhan Húc Quân là người gốc Hoa. Năm 1992, bà đầu quân vào Tập đoàn New Toyo Việt Nam bắt đầu với vị trí là một nhân viên văn phòng. Sau 13 năm, bà trở thành Tổng giám đốc của New Toyo Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản suất bao bì giấy nhôm, 100% vốn đầu tư Singapore.

"Rào cản" vì là cháu của Chủ tịch Tập đoàn

Thực tế, CEO New Toyo Việt Nam chính là cháu ruột của Chủ tịch Tập đoàn New Toyo Singapore . Chính vì "rào cản" này mà nhiều người nghĩ rằng bà thành công từ sự hẫu thuẫn từ gia đình. Nhưng thực tế, nữ CEO này phải mất 13 năm nỗ lực hết mình từ nấc thang thấp nhất.

Bà Nhan Húc Quân cho biết cũng như nhiều nhân viên khác tại doanh nghiệp, bà bắt đầu với vai trò nhân viên văn phòng khi gia nhập New Toyo năm 1992. Bà không từ chối bất cứ công việc nào từ bán hàng đến đi giao hàng… Và cũng từ những công việc này, bà có kinh nghiệm và những ý tưởng mới để đa dạng hóa sản phẩm cho New Toyo.  

Cũng từ đây, bà hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để học cách quản lý một doanh nghiệp với hơn 500 lao động. "Nấc thang từ một nhân viên lên làm Phó giám đốc và trở thành Tổng Giám đốc là một hành trình đầy gian nan. Và càng ở vị trí cao, trách nhiệm càng nặng nề", bà chia sẻ.

Tổng Giám đốc New Toyo Việt Nam Nhan Húc Quân (bên trái) trong buổi tọa đàm của các nữ doanh nhân vượt qua khủng hoảng hậu COVID-19 mới đây. Ảnh: New Toyo Việt Nam
Tổng Giám đốc New Toyo Việt Nam Nhan Húc Quân (bên trái) trong buổi tọa đàm của các nữ doanh nhân vượt qua khủng hoảng hậu COVID-19 mới đây. Ảnh: New Toyo Việt Nam

"Không có sự ưu ái nào từ những mối quan hệ gia đình cả. New Toyo có xuất phát điểm là mô hình doanh nghiệp gia đình, do đó, cán cân giữa lợi ích nhóm và sự phát triển luôn bị dao động. Là người đứng ở giữa, khi đưa ra quyết định đổi mới nhân sự, tôi chạm đến 'chén cơm' của nhiều người. Với những người đã có thâm niên làm việc, tôi cho họ thời gian để trau dồi và phát triển bản thân, nhưng nếu không tiến bộ, tôi buộc phải thay đổi”, nữ CEO nói về cách quản trị nhân sự.

Bà cho rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải dựa trên sự quản trị, phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng. Khi đó, dù là doanh nghiệp gia đình, quan hệ thân hữu nhưng các yếu tố cảm tính và tình cảm cá nhân phải được loại bỏ. Người nào không thích nghi được sẽ tự động bị đào thải.

"Muốn đội được vương miện phải chịu được sức nặng của nó". Bà Quân từng chia sẻ. Áp lực là điều không thể tránh khỏi, nhưng phải luôn đặt yếu tố con người lên trên hết và tìm cách dẫn dắt mọi người đến mục tiêu chung. Muốn quản lý nhân viên tốt thì trước hết mình phải làm gương. Tự mình phải là thầy giáo của chính mình.

"Tôi từng thấy chán vì mình làm ra sản phẩm mà không ai biết"

Năm 1993, khi New Toyo lấn sân vào thị trường Việt Nam, chính là đơn vị đầu tiên sản xuất giấy nhôm, ống giấy cho thị trường nội địa. Nhưng vì mặt bằng nhỏ, các phân xưởng và cơ sở sản xuất không đủ không gian làm việc. Cộng với đó là cách quản lý không hiệu quả đã cản trở sự phát triển. 

Để thoát khỏi “vũng lầy”, ban lãnh đạo quyết định “ra riêng” với New Toyo Việt Nam nhưng theo mô hình quản lý của công ty mẹ. Có thể nói, đây là một xu hướng tất yếu của thị trường lúc bấy giờ.

Năm 2009, New Toyo Việt Nam mang đến sự mới lạ khi đưa ra thị trường các sản phẩm như khay, đĩa, ly, chén giấy…“Sau nhiều năm sản xuất, kinh doanh mặt hàng bao bì, giấy nhôm, tôi có chút nhàm chán vì sản phẩm làm ra gắn chặt với người dùng, nhưng người tiêu dùng không hề biết tôi là nhà sản xuất”.

Nhưng quan trọng hơn, bà nhận định, sản phẩm bao bì giấy bán theo trọng lượng, giá vốn nguyên vật liệu cao mà rủi ro trong quản lý sản xuất luôn rình rập. Bà đã mạnh dạn gửi thư bày tỏ suy nghĩ của mình đến Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn New Toyo, lúc bấy giờ là bà Vương Bội Linh. Bà đề xuất làm sản phẩm khay bánh kem với nhiều kiểu dáng và kích cỡ, với nguyên liệu đầu vào là phế phẩm. Cùng với đó là những sản phẩm đĩa, ly, chén giấy,... tiết kiệm thời gian cho các bà nội trợ.

Những sản phẩm đĩa, ly, chén giấy dùng một lần khi ra mắt đã tạo một cú hích cho thị trường Việt Nam. Ảnh: Thế giới nữ doanh nhân.
Những sản phẩm đĩa, ly, chén giấy dùng một lần khi ra mắt đã tạo một cú hích cho thị trường Việt Nam. Ảnh: Thế giới nữ doanh nhân.

Sau này, khi đã trở thành Tổng giám đốc, New Toyo Việt Nam, việc đầu tiên của bà Quân là cho xây dựng hệ thống an toàn lao động ISO, SA và OHSAS theo tiêu chuẩn quốc tế. Bà cho rằng, môi trường làm việc thân thiện, chế độ đãi ngộ tốt sẽ nâng cao chất lượng làm việc. Sự thật chứng minh những nhận định của bà hoàn toàn đúng.

Sau khi được đưa vào hoạt động, hệ thống đã tạo một “làn gió mới” cho toàn thể nhân viên. Từ đó, hiệu suất làm việc và hiệu quả kinh doanh tăng rõ rệt. 

Hiện tại, New Toyo đang là đối tác sản xuất bao bì, ly chén giấy cho nhiều công ty đa quốc gia và các thương hiệu nổi tiếng như Kinh Đô, ABC, Co.opmart, Aeon-Citimart, Aeon-Fivimart, Auchan, Jollibee, KFC, Bud’s Ice Cream, Red Coffee, Circle K...

Không chỉ là một doanh nhân

Năm 2016, nữ doanh nhân này gây bất ngờ khi xuất bản quyển sách “ Phép màu để trở thành chính mình ”. Đó là quyển sách mà nhiều startup trẻ "gối đầu giường", vì nội dung là sự xâu chuỗi tỉ mỉ lại các câu chuyện nhỏ trong công việc và cuộc sống của một doanh nhân thành công bắt đầu từ vị trí nhỏ nhất.  

Chia sẻ về việc viết sách, CEO Nhan Húc Quân nói: “Tôi không phải là nhà văn mà chỉ là một doanh nhân. Tôi đúc kết những câu chuyện trong cuộc sống thực của mình, cùng với những kỹ năng và phương pháp làm việc mà tôi cho là hiệu quả, để chia sẻ lại với mọi người”.

Bà nói rằng viết sách cũng là dịp để bản thân nhớ lại ký ức. “Nó có thể khích lệ, tạo động lực cho chính bản thân mình và cho rất nhiều người, nên tôi thấy rất hữu ích”, bà nói.

Cuốn sách đầu tay của bà Quân đã được tái bản lần thứ 5, với gần 15.000 bản và xuất hiện trên Kindle Store của Amazon. 

Một lý do khác mà bà Quân chia sẻ, là hiện nay sách do các doanh nhân nước ngoài viết khá nhiều, nhưng sách do doanh nhân Việt Nam viết thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Doanh nhân Việt Nam cũng có những câu chuyện thú vị trong cuộc sống và công việc kinh doanh. Và điều này sẽ rất bổ ích với các bạn trẻ có dự định startup ở thị trường Việt Nam.

Bà Nhan Húc Quân (bên phải) trong buổi lễ ra mắt sách
Bà Nhan Húc Quân (bên phải) trong buổi lễ ra mắt sách " Phép màu để vượt lên chính mình ". Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn.

Đó cũng là điều đã thôi thúc bà tiếp tục viết cuốn sách thứ 2, có tựa đề “Phép màu để vượt lên chính mình”, vừa ra mắt đầu tháng 10/2020. Ở cuốn sách này, bà viết về quá trình lập nghiệp, với vai trò từ nhân viên lên quản lý và lãnh đạo. Ở mỗi vai trò khác nhau, bà chia sẻ thật kỹ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm khác nhau đến người trẻ.

Trong tác phẩm thứ 2 của mình CEO New Toyo Việt Nam viết: “Hãy cố gắng hết sức trong mọi hoàn cảnh, vì tương lai của chính bản thân mình, gia đình mình, quốc gia mình đang sống, đang ở, và vì Trái Đất của chúng ta”.

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương