Vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn nghiêm trọng do Thượng Hải bị phong tỏa

Gần một phần ba hàng hóa bị kẹt tại cảng Thượng Hải do việc Trung Quốc phong tỏa thành phố này để kiểm soát Covid-19 và việc trì hoãn này, theo các chuyên gia, sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng vốn đã gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, giá cả tăng vọt trên toàn thế giới.

Châu Âu và Hoa Kỳ có thể sẽ tiếp tục thiếu hụt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc do Thượng Hải - trung tâm sản xuất hàng hóa và thương mại của thế giới – bị phong tỏa, một nhà kinh tế của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW-Kiel) đã cảnh báo.

Trong khi đó, Vincent Stamer, một chuyên gia thương mại thế giới, nói rằng xuất khẩu từ cảng container lớn nhất thế giới ở Thượng Hải đã giảm gần một phần ba.

61563191_303.jpg
Cảng Thượng Hải bị phong tỏa làm tắc nghẽn nghiêm trọng vận chuyển hàng hóa thế giới.

“Ba tuần sau khi bắt đầu phong tỏa, khoảng 30% hàng hóa lẽ ra phải rời Thượng Hải vào thời điểm này. Nói cách khác, đó là xuất khẩu ít hơn 30%”, ông nói.

Xuất khẩu từ Thượng Hải trong tình trạng lấp lửng

Stamer đã tweet một hình ảnh cho thấy khối lượng hàng hóa khởi hành từ Thượng Hải đã giảm mạnh, trong khi khối lượng từ các cảng khác của Trung Quốc vẫn ổn định. Dữ liệu cảng khác cho thấy khối lượng trung bình hàng ngày từ 140.000 container đã giảm xuống 100.000 mỗi ngày.

Với dân số 26 triệu người, thành phố cảng Thượng Hải đã rơi vào tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt kể từ ngày 28 tháng 3 và một số công nhân buộc phải ngủ tại nhà máy sản xuất.

fqxgdfwx0aekrdb.png
Thống kê cho thấy lưu lượng hàng hóa qua cảng Thượng Hải giảm mạnh.

Các nhà máy ở khu vực xung quanh Thượng Hải, nơi chuyên xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, chẳng hạn như máy tính bảng, tivi; các mặt hàng điện tử trung gian và phức tạp hơn để sử dụng trong việc sản xuất ở các nước phương Tây, buộc phải tạm dừng hoặc chỉ hoạt động sản xuất cầm chừng.

“Có vẻ như hoạt động sản xuất đã chậm lại ở khu vực Thượng Hải và hàng hóa chưa đến được cảng để đưa lên tàu container”, Stamer cho biết.

Sự chậm trễ trong khâu vận chuyển đã tăng lên bất chấp sự trấn an từ các quan chức Trung Quốc rằng, hoạt động của cảng sẽ bị ảnh hưởng ít nhất.

Các hình ảnh được đăng lên mạng xã hội từ các nguồn như Marine Traffic cho thấy mức độ của sự chậm trễ và nhiều tàu vẫn neo đậu ở vùng biển ngoài khơi Thượng Hải do không có hàng hóa để bốc dỡ.

Stamer cho biết, sự chậm trễ này sẽ khiến hàng hóa đến châu Âu chậm hơn khoảng hai tháng vì các tàu container phải mất từ ​​5 đến 6 tuần để đi từ Thượng Hải đến cảng Hamburg phía Bắc nước Đức và thêm hai tuần nữa để hàng hóa được dỡ xuống và được chuyển đến nơi tiêu thụ.

Sự chậm trễ sẽ thúc đẩy lạm phát

Stamer dự đoán hàng tiêu dùng sẽ trở nên đắt hơn trong mùa hè này, đồng thời cho biết thêm rằng Đức có thể nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự chậm trễ do gần một phần ba thương mại đường biển giữa Trung Quốc và nền kinh tế lớn nhất châu Âu được gửi qua cảng Thượng Hải.

“Từ 5-8% thương mại giữa hai quốc gia hiện đang bị trì hoãn”, ông nói thêm.

Đại diện kinh tế Đức tại Trung Quốc Maximilian Butek đồng tình với dự đoán này và nói với hãng tin Dpa hôm thứ Sáu rằng, các tuyến giao hàng thay thế qua các cảng khác không đủ để bù đắp.

Ông Butek cũng đồng ý rằng, bản thân cảng Thượng Hải không phải là khu vực đáng lo ngại nhất, bởi sự chậm trễ thực sự là do khâu vận chuyển hàng hóa từ các nhà máy đến cảng.

Chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn

Sự chậm trễ mới xảy ra chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng vốn đã xảy ra kể từ khi Trung Quốc khóa chặt biên giới từ đầu năm 2020 do COVID.

61563251_401.jpg
Hình ảnh cho thấy nhiều tàu neo đậu bên ngoài cảng Thượng Hải.

Đại dịch ban đầu buộc phần lớn nền kinh tế toàn cầu phải hạn chế hoạt động khiến các công ty vận tải phải hủy bỏ lịch trình vận chuyển.

Hơn 3/4 cảng trên thế giới đã trải qua thời gian quay vòng dài bất thường trong hai năm qua, theo Bloomberg.

Năm ngoái, việc đóng cửa hai cảng khác của Trung Quốc, Ningbo-Zhoushan và Yantian, cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hàng hóa sản xuất và bán lẻ đối với phần còn lại của thế giới.

Kết quả là, nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 2,7% vào năm 2021, thay vì mức 4,7% như dự báo. Lạm phát cũng đạt mức cao nhất gần 30 năm.

Mô tả bức tranh toàn cầu, Stamer nói rằng, khoảng 12% hàng hóa di chuyển trên khắp thế giới bằng container hiện đang bị mắc kẹt trên những con tàu không di chuyển. Tỷ lệ thông thường là dưới 6%, trong khi tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận là 14% vào cuối mùa hè năm 2021.

Lệnh phong tỏa ở Thượng Hải được nới lỏng

Các quan chức ở Thượng Hải hôm thứ Sáu tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát chống dịch đối với các tài xế xe tải do điều này cản trở việc giao hàng.

Hãng tin AP dẫn lời Phó thị trưởng Zhang Wei cho biết, chính quyền Thượng Hải đang thực hiện "mọi nỗ lực" để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Các tài xế xe tải chở hàng đến Thượng Hải đã phải đối mặt với nhiều trạm kiểm soát và kiểm tra Covid, điều này đã buộc một số công ty và tài xế phải hạn chế đến những khu vực này.

Ông Wu Chungeng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, cho biết việc cấm xe tải hiện đang dần được nới lỏng và một chế độ kiểm tra mới đơn giản hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các lái xe đến cảng.

“Trực giác của tôi là sự chậm trễ có thể trở nên tồi tệ hơn một chút trước khi chúng trở nên tốt hơn”, Stamer cảnh báo. Ông dự đoán rằng chuỗi cung ứng toàn cầu "sẽ không trở lại bình thường trong năm nay theo như lịch trình", bởi vì việc giải quyết các nút thắt về cảng và vận chuyển rất phức tạp.

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược “zero-Covid” nghiêm ngặt với các yêu cầu về giới nghiêm, kiểm tra hàng loạt và kiểm dịch kể từ khi virus này xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Phương pháp này đang được được áp dụng bởi sự xuất hiện của biến chủng Omicron BA.2 và vì vaccine của Trung Quốc không hiệu quả bằng vaccine sản xuất ở Mỹ và châu Âu.

NGUYỄN MINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương