Tranh luận tổng thống Mỹ: Trump và Biden liên tục ngắt lời nhau

Cuộc tranh luận đầu tiên xoay quanh: Hồ sơ của Trump-Biden, Tòa án Tối cao, COVID-19, kinh tế, tính toàn vẹn của bầu cử, vấn đề chủng tộc và bạo lực.

Buổi tranh luận diễn ra từ 21h đến 22h30 ngày 29/9 (8h-9h30 sáng nay giờ Hà Nội) tại hội trường Đại học Case Western Reserve ở Cleveland và do Chris Wallace, người dẫn chương trình của đài Fox News, điều hành. Hai ứng viên tranh luận liên tục 90 phút và không có quảng cáo xen ngang, theo VnExpress.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden . Ảnh: AP.

Cuộc tranh luận sẽ được chia thành các phân đoạn dài 15 phút, tập trung vào 6 chủ đề do Wallace lựa chọn và công bố một tuần trước. Các chủ đề này gồm: hồ sơ của Trump và Biden, Tòa án Tối cao, COVID-19, kinh tế, tính toàn vẹn của bầu cử, vấn đề chủng tộc và bạo lực ở các thành phố.

Trump và Biden không đeo khẩu trang và cũng sẽ không bắt tay, đứng cách nhau hai mét để tuân thủ hướng dẫn phòng dịch Covid-19. Sự kiện này cũng là cơ hội để Biden, 77 tuổi và Trump, 74 tuổi, thể hiện sự nhạy bén sau nhiều lần công kích lẫn nhau.

Cả hai chuẩn bị cho cuộc tranh luận đầu tiên theo cách riêng của họ. Biden tập dượt cùng các cố vấn, trong khi Trump theo dõi các cuộc tranh luận năm 2008 và 2012 của Biden.

Wallace từng dẫn dắt cuộc tranh luận lần ba giữa Trump và ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton năm 2016. Các câu hỏi về Tòa án Tối cao gần như chắc chắn sẽ bao trùm cuộc tranh luận về việc khi nào Thượng viện nên bỏ phiếu phê duyệt người thay thế cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Trump cuối tuần trước đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett và đảng Cộng hòa lãnh đạo Thượng viện dự kiến sớm thông qua đề cử này.

Cả hai ứng viên cũng có thể được hỏi liệu họ có sẵn sàng chấp nhận kết quả bầu cử và cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Những người theo dõi cũng muốn xem liệu Wallace có đặt câu hỏi về thông tin trên The New York Times rằng Trump đã đóng ít hoặc không đóng thuế thu nhập liên bang suốt nhiều năm, thông tin Tổng thống hoàn toàn bác bỏ.

Tổng thống Donald Trump khẳng định ông có lợi thế nếu kịch bản
Tổng thống Donald Trump khẳng định ông có lợi thế nếu kịch bản "trăm năm có một" xảy ra tại cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: Reuters

Trải qua 14 cuộc tranh luận trong bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử năm 2015 và 2016, Trump nổi bật với sự nhạy bén về cách giành sự chú ý, đưa ra những chủ đề rõ ràng, ngắn gọn và loại bỏ đối thủ bằng những tuyên bố, cáo buộc rất khó để phản bác ngay lập tức.

Biden giống người diễn thuyết kinh điển của Thượng viện, với kiến thức về lịch sử, am hiểu về chính sách và tôn trọng các quy tắc cuộc chơi. Ông thường nhấn mạnh những bi kịch của cuộc đời mình, như mất vợ và con gái trong tai nạn xe hơi, con trai qua đời vì ung thư não và những câu chuyện về quá trình trưởng thành ở Pennsylvania để tạo cảm giác gần gũi với khán giả.

Phong cách tranh luận của Trump đã giúp ông chiến thắng năm 2016 và hầu như vẫn có thể được nhìn thấy mỗi khi ông xuất hiện tại họp báo Nhà Trắng hoặc một cuộc vận động tranh cử. Trong khi đó, sự thể hiện của Biden không nhất quán trong suốt gần chục cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ. Ngay cả những người ủng hộ ông cũng nói rằng, ở tuổi 77, giọng nói của ông kém đanh thép hơn và ông có vẻ kém sôi nổi, nhiệt huyết hơn trước. Trump đã nắm lấy điểm này để nhiều lần đặt nghi ngờ về sự nhạy bén của đối thủ.

Tuy nhiên, ngay cả một số thành viên đảng Cộng hòa, cũng cho rằng Tổng thống đánh giá thấp Biden. "Dù một số nhà phê bình nói rằng ông ấy không có được tất cả bước đi như trước đây, tôi vẫn nghĩ vào giai đoạn nước rút, ông ấy đã làm khá tốt, và đó sẽ là điều đáng lo ngại cho chiến dịch của Trump", chiến lược gia của đảng Cộng hòa Dan Senor nói.

Hơn 1,2 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: AFP
Hơn 1,2 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Ảnh: AFP

Lần tranh luận duy nhất giữa Phó tổng thống đảng Cộng hòa Mike Pence và ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris dự kiến diễn ra ngày 7/10 tại Đại học Utah ở thành phố Salt Lake. Cuộc tranh luận tiếp theo giữa Trump và Biden diễn ra ngày 15/10 tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht ở Miami và cuộc tranh luận thứ ba được tổ chức ngày 22/10 tại Đại học Belmont ở Nashville.

Trước đó, hơn 1,2 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Mỹ mà không cần chờ cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Donald Trump và Joe Biden, theo LĐO.

Khoảng 800.000 trong số những lá phiếu được bỏ đến từ 8 trong số các bang được đánh giá là cạnh tranh nhất của CNN. Chỉ riêng ở Bắc Carolina và Wisconsin, hơn 500.000 cử tri đã bỏ phiếu - chiếm khoảng 1/4 số phiếu được yêu cầu.

Tỉ lệ bỏ phiếu cao mà không cần chờ cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Donald Trump và Joe Biden vào tối 29/9 theo giờ Mỹ (sáng 30/9 theo giờ Việt Nam) cho thấy nhiều cử tri đã quyết định và họ đang chú ý đến lời khuyên từ các chính trị gia và quan chức bầu cử, những người đang kêu gọi cử tri gửi lại lá phiếu nhanh chóng do lo ngại về sự chậm trễ trong việc gửi thư.

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương