Trong những ngày tới, chỉ số tia UV ở TP.HCM đạt ngưỡng nguy hiểm, gây bỏng da

Trưa 8/6 và những ngày tới, chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM duy trì từ mức 9-10, mức nguy hiểm và đe doạ đến sức khoẻ của người dân.

Đài khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ thông tin thời tiết trong ngày 8/6 thay đổi liên tục, nền nhiệt giao động từ 26-35 độ C. Trong đó nắng gắt vào buổi trưa và dịu mát về chiều tối, theo Người Lao Động.

Mặt trời đã lên cao từ lúc 7 giờ. Ảnh: NLĐ
Mặt trời đã lên cao từ lúc 7 giờ. Ảnh: NLĐ

Ngay lúc này hệ thống dự báo của Weather (Anh) đưa ra cảnh báo nguy hiểm liên quan đến chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM. Hôm nay 8/6 chỉ số tia cực tím ở mức số 10 và tiếp tục tái diễn vào ngày tiếp theo. Theo dự báo đến ngày 10/6 sẽ giảm còn mức số 9. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số cực tím càng cao thì nguy cơ gây tổn thương cho cơ thể càng lớn. Với chỉ số tia UV mức 8/10, nếu ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da, theo Tuổi Trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó, tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA tế bào da. Tia cực tím C, có thể gây ung thư da, bị tầng ozone chặn lại hầu hết. 

Theo bác sĩ Vũ, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Da bị bỏng nhiệt sẽ phồng rộp, đỏ, đau. 

Tia cực tím làm tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Ảnh hưởng của nó đến da và mắt được cộng dồn, tích lũy trong suốt cuộc đời. 

Trung tâm TP.HCM lúc 7 giờ 15 phút, tia cực tím đã đạt mức cao. Ảnh: NLĐ
Trung tâm TP.HCM lúc 7 giờ 15 phút, tia cực tím đã đạt mức cao. Ảnh: NLĐ

Với thời tiết này, bác sĩ Vũ khuyến cáo người dân cần hạn chế ra đường vào lúc nắng gắt nhất (khoảng 10-16h) khi không cần thiết, mặc trang phục dài tay, dài chân, đậu nón rộng vành, uống đủ nước, dùng các sản phẩm chống nắng với chỉ số bảo vệ ánh nắng (SPF) từ 30 trở lên.

Khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt cũng nên dùng kem chống nắng và kính mát vì tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước. Ngoài bề mặt nước ra, cát cũng có thể gây phản xạ tia cực tím.

Theo bác sĩ Vũ, đặc biệt cần chú ý bảo vệ cho trẻ em vì da trẻ nhạy cảm hơn và thời gian tiếp xúc với ánh nắng kéo dài hơn người lớn. Tuy nhiên không nên quá e ngại tác hại của ánh nắng mà hạn chế các hoạt động ngoài trời của trẻ.

Lưu ý không phải lúc nào trời nhiều mây cũng ít tia cực tím vì một số trường hợp đám mây có thể phản xạ và tăng cường độ của tia cực tím. 

Tương tự, các tòa nhà kính, cửa sổ kính, kim loại cũng làm phản chiếu tia cực tím nên người dân cũng nên cẩn trọng khi di chuyển trong nội thành.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương