Trung tâm về tài chính và công nghệ cao nhưng không thiếu "đặc sản" kẹt xe và ngập nước

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết nếu không kịp hoàn thiện các bước thủ tục để cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề án thành phố Thủ Đức sẽ lỡ hẹn ít nhất 5 năm.

Sáng 1/10, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM và Bí thư quận 9 Lâm Đình Thắng tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nhiều băn khoăn, nguyện vọng về đề án thành lập thành phố Thủ Đức cùng những vấn đề tồn tại của thành phố được cử tri 3 quận trung tâm TP.HCM gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội.

Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3, TP.HCM) chất vấn các đại biểu về nguyên nhân thành phố vội vã trong việc sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới.

"Ba quận trước khi sáp nhập làm thành phố Thủ Đức còn nhiều sai phạm về dự án, xây dựng và cán bộ quản lý. Khu Công nghệ cao (quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) còn nhiều tồn tại gây bức xúc người dân nhiều năm", ông Nguyễn Hữu Châu băn khoăn.

Theo Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM. TP Thủ Đức trong tương lai sẽ là nơi có mô hình phát triển mới, tích hợp nhiều lĩnh vực đang là thế mạnh của TP như khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và một số lĩnh vực công nghệ cao của TP Thủ Đức trong tương lai. Theo đó, những lĩnh vực này sẽ có độ kết nối tương tác với nhau rất cao, đào tạo gắn với nghiên cứu, sản xuất gắn với logistics.

Để sớm triển khai vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, dự kiến theo kế hoạch, tới tháng 5/2021 sẽ bầu hệ thống chính trị ở TP Thủ Đức.

Trong thời gian này cả nước cũng sẽ tổ chức bầu ĐBQH, HĐND các cấp, nên nếu không khẩn trương làm hồ sơ thủ tục về việc thành lập TP Thủ Đức để cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thì phải chờ ít nhất 5 năm nữa.

"Kế hoạch thành lập TP Thủ Đức cũng sẽ được báo cáo với Quốc hội trong kỳ hợp tới", ông Quang cho hay.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức, TP.HCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, trong việc so sánh không chỉ với các thành phố trong nước mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực châu Á.

Đồng thời, TP.HCM cần làm việc với các bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.

[caption id="" align="alignnone" width="700"] Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM[/caption]

"Tôi vẫn nói vui kẹt xe và ngập nước là 2 đặc sản của TP.HCM, chúng tôi rất mong bà con chia sẻ. Nói như vậy có vẻ như chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm nhưng thật sự quá khó để giải quyết trong thời gian ngắn", Phó bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ.

Ông Quang thông tin thêm theo tính toán, TP.HCM cần khoảng 40 tỷ USD để giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngay cả khi có đủ số tiền ấy, thành phố cũng không thể thực hiện nhanh chóng bởi những vướng mắc liên quan đền bù, giải phóng mặt bằng.

"Chúng tôi cũng lưu thông trên đường, và nhận thấy nếu mỗi người có ý thức hơn thì tình hình giao thông thành phố được cải thiện. Ở khu vực nào mọi người tham gia có văn hóa và trách nhiệm, nơi đó sẽ giảm thiểu được ùn tắc", ông Trần Lưu Quang cho hay.

Đối với vấn đề ngập nước, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết hệ thống chống ngập của thành phố chỉ giải quyết được vấn đề triều cường với mức độ nhất định. Một số công trình, dự án chống ngập của TP.HCM bị chậm tiến độ thời gian qua bởi nhiều lý do khách quan.

Kiên Cương 

(Tổng Hợp)

Theo Phụ Nữ Mới