Trường Sa, em đến thăm anh giữa trùng khơi mênh mang

Những con tàu ra Trường Sa vừa có một hành trình rất dài, chở đầy yêu thương và nhung nhớ, đấy là hành trình chở những thân nhân ra với các cán bộ chiến sĩ đang làm việc tại Trường Sa.

“Em không bao giờ quên được cảm giác nhìn chồng mình đi xuồng ra đón vợ. Thấy nhau rồi mà anh ấy còn phải chạy xuồng đón khách nên chưa gặp nhau được, thấy anh ấy dáo dác tìm vợ rồi mà phải dằn lòng xuống. Khó tả lắm”, Mai Thị Tuyết Lành bắt đầu câu chuyện về cuộc gặp gỡ với chồng giữa trùng khơi đảo Đá Tây – thủ phủ đảo chìm Trường Sa – như vậy. Những con tàu ra Trường Sa vừa có một hành trình rất dài, chở đầy yêu thương và nhung nhớ, đấy là hành trình chở những thân nhân ra với các cán bộ chiến sĩ đang làm việc tại Trường Sa.

Cô cảm thông cho làn da đen cháy và mồ hôi của anh lính chạy xuồng giữa cái nắng chói chang biển trời Trường Sa
Cô cảm thông cho làn da đen cháy và mồ hôi của anh lính chạy xuồng giữa cái nắng chói chang biển trời Trường Sa

“Em hứa sẽ hiền đi”

Tuyết Lành lấy chồng bày năm. Đó là quãng thời gian như cô tự nhận “dành cả tuổi thành xuân để đợi chồng về phép”. Bảy năm mỗi người một nơi, thời gian nói chuyện qua điện thoại nhiều hơn cả thời gian gặp mặt. Cô nhân viên UBND huyện Yên Mô, Ninh Bình chưa từng nghĩ sẽ lấy chồng bộ đội. Nhưng run rủi sao cả hai chị em cô đều thành vợ lính hải quân. “Từ lúc quen đến lúc cưới gặp nhau có 4 lần thôi”, cô kể. Mang bầu đứa con đầu lòng, chồng cô, thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thành Chung xin nghỉ phép đúng một tuần về chờ “hộ đê”. Nhưng qua hết phép cô vẫn chưa có dấu hiệu sinh, anh đành phải tạm biệt vợ. Sáng anh đi, chiều cô lên cơn chuyển dạ. Chồng về đến đơn vị thì biết vợ đã sinh. Tận ba tháng sau Chung mới gặp con. Rồi Chung nhận nhiệm vụ ra đảo Đá Tây C. Chuyến thăm thân nhân năm nay, Lành quyết tìm ra thăm chồng để biết xem đảo làm sao. Chung là trưởng xuồng ở đảo Đá Tây C, nên so với đồng đội, Chung được thấy người thân đầu tiên khi chở xuồng chuyển tải ra tàu lớn đón đoàn. Thế nhưng thấy vợ rồi mà chưa được nắm tay nhau, vì anh còn phải làm nhiệm vụ.

Gặp chồng, Lành không than thở gì cả, chỉ xót xa sao chồng mình đen thế. Nước da của anh lính tàu ngày trước vốn đã nâu tươi màu suy nghĩ, mấy tháng ra đảo lại càng sạm lại. “Ngày trước còn đi tàu, cứ mùng 1 mùng 2 là tiền lương vào thẻ. Bây giờ ra đảo phải chờ thủ tục chuyển về bờ nên lương muộn, phải đến 17-18 mới có lương. Hồi đầu em cứ cằn nhằn chồng. Nhưng nhìn thấy anh vất vả thì em hiểu rồi”, Lành tự bảo, “Em hứa sẽ hiền, không cằn nhằn nữa” – cô tự nói rất thành thật. Hơn ai hết, cô cảm thông cho làn da đen cháy và mồ hôi của anh lính chạy xuồng giữa cái nắng chói chang biển trời Trường Sa.

Khác Lành, gần 20 năm vợ chồng nên chị Nguyễn Thị Lê không tỏ ra nôn nóng khi gặp chồng - Đại úy Vũ Văn Xanh, đảo trưởng Đá Tây A. Là chỉ huy trưởng nên anh bận rộn, thời gian dành cho vợ cũng chẳng nhiều nhặn gì. Chị cứ lặng lẽ đứng từ xa, lặng lẽ nhìn anh tất bật đón khách, lặng lẽ nhìn anh làm các công việc thường ngày. Thi thoảng anh quay ra cười với vợ, thế là đủ an ủi. Hai vợ chồng từ lâu mong có thêm một đứa con.

 Niềm vui trùng phùng không gì sánh bằng
 Niềm vui trùng phùng không gì sánh bằng

Trên đảo chìm Đá Đông, mấy ngày liền chị Nguyễn Bích Hương là người phụ nữ duy nhất. Đá Đông năm nay chỉ có một thân nhân ra thăm. Chị Hương được anh em trên đảo ưu tiên nhường một căn phòng làm phòng hạnh phúc. Mấy ngày trên tàu ra đảo, chị em cùng phòng cứ lần lượt xuống xuồng đi trước, chị càng sốt ruột. Tới ngày thứ tư, nhìn thấy chồng chị như vỡ òa. Anh làm báo vụ, ngày nào cũng bận. Mỗi ngày, chồng chị, trung úy chuyên nghiệp Đỗ Văn Minh trực, chị ngồi một mình trong phòng chờ, quanh quẩn giúp anh nuôi cơm nước.

Trường Sa đẹp lắm

Mùa tháng 5 năm nay các đảo chìm, đảo nổi Trường Sa hẳn vui lắm. Để ra được với đảo xa, hành trình nhiều ngày đêm ròng rã không hề dễ dàng với những người thậm chí trước đó còn chưa từng rời ngôi làng của mình. Có những người đã gần đặt chân lên tàu đi thăm con mà vì điều kiện sức khỏe nên đành ngậm ngùi ở lại bờ. “Qua Thuyền Chài, Núi Le biển động nên cũng hơi chao đảo. Nhưng may mà đợt này biển êm”, Lành kể. Chuyến tàu năm nay khởi hành sớm hơn mọi năm. Như chị Hương, chị Lê, đến gần ngày đi mới sắp xếp xong công việc ở trường đang dạy học.

Với những người ra đến đảo, không ai hoang mang hay thất vọng khi đã tận mắt nhìn thấy và nắm tay người thân. Mai Thị Tuyết Lành bảo sẽ không ở đâu thấy được cá và san hô đẹp như ở Trường Sa. Mấy ngày ở đảo, Lành đã kịp được chồng dạy bơi. Lần ra đảo này cô được ở gần 10 ngày bên chồng, chẳng đủ cho bảy năm xa nhiều hơn gặp, nhưng đủ để bớt đi nỗi phấp phỏng. 

Ông Vũ Hồng Phúc, bố vợ Đại úy Lê Trung Kiên – Chính trị viên đảo Đá Tây C – ra thăm con rể lần này là đại diện cho cả nhà. Con gái ông vừa sinh được năm tháng, không thể ra thăm chồng. Người cựu chiến binh thở phào “Đời mình khổ mà con cháu giờ sướng hơn nhiều”.  Đá Tây C là đảo chìm, dù còn vất vả trăm bề nhưng tốt hơn nhiều so với thời ông còn nằm gai nếm mật biên giới Tây Nam. Cho dù con rể đi biền biệt, dù cháu ngoại ông đến giờ vẫn chưa được bố ôm, nhưng ông bảo đó là thử thách thôi. Nhiệm vụ cần thì hy sinh một chút cũng không sao.

Niềm vui nối tiếp niềm vui
Niềm vui nối tiếp niềm vui

Ông Trần Thanh Vũ, từ Long An ra tới Trường Sa Đông với bao nhiêu băn khoăn: “Trước giờ con gọi điện về nói yên tâm thì biết thế. Giờ ra đến đây thấy yên tâm thật”. Lần đầu rời quê nhà, lần đầu liều đi tàu biển, ông Vũ nghĩ lại lúc ngăn cản cậu con trai 18 tuổi ra đảo mà tự cười: “Hồi đó tôi phản đối dữ lắm, thấy bảo đảo nguy hiểm”. Con trai ông, Nguyễn Hoàng Thanh Tâm có một tuổi 19 rất đặc biệt trên hòn đảo tuyến đầu, với rất nhiều trải nghiệm lần đầu tiên mà khi nhìn tận mắt, ông Vũ mới hết âu lo.  

Yên tâm như vợ chồng chị Bích Hương, cậu con trai lớn cũng đang ở đảo Phan Vinh làm nhiệm vụ. Năm 2018, hai bố con cùng ra đảo trên một chuyến tàu, bố xuống đảo trước, con lên đảo sau. Chị Hương bảo muốn con theo nghiệp bố. Vất vả một chút nhưng yên tâm: “Mới đầu nhìn ảnh đảo thì thấy sao xa thế, cái đảo nho nhỏ ấy, bốn bề là nước. Nhưng ra đây thì thấy ở đây chỉ thiếu tình cảm thôi”.

Hết đợt thăm, sẽ lâu nữa mới thấy cảnh người lính nắm tay vợ ra ngắm hoàng hôn cầu cảng Trường Sa, thấy cảnh người chồng nhắc vợ đi vào chỗ mát cho khỏi nắng, lâu nữa mới thấy một người vợ hát cho chồng nghề giữa bốn bề nước. Người lính thời bình với cái mong ước “được thành chồng thành vợ, và để cùng ôm con” vẫn là một khát khao rất thật. Ở đảo tiền tiêu, niềm hạnh phúc được gặp người thân, vì thế, được nhân lên gấp nhiều lần.

Mai Nguyên

 Dân Mả Lạng mòn mỏi kiếp 'sống treo' suốt 20 năm trên 'đất vàng'

Dân Mả Lạng mòn mỏi kiếp "sống treo" suốt 20 năm trên "đất vàng"

Không chỉ sinh hoạt hằng ngày mà ngay cả trong giấc ngủ, sự khó khăn bất tiện vẫn đeo bám người dân khu Tứ giác Mả Lạng suốt 20 năm qua.