TS Nguyễn Thị Hiệp với phát minh chữa lành những vết đau

TS Nguyễn Thị Hiệp (sinh năm 1981) – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh Trường ĐH Quốc tế ĐHQG – HCM là nhà khoa học nữ trẻ tuổi tiêu biểu của Việt Nam lọt vào Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2019 cùng GS Nguyễn Thanh Liêm (Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gene Vinmec). Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho một nhà khoa học chân chính, không ngại trải qua hành trình đầy chông gai vì khát khao được cống hiến cho cộng đồng, cho quê hương.

Nguyễn Thị Hiệp tốt nghiệp khoa Hóa học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) loại xuất sắc và được nhận học bổng sau đại học tại Trường ĐH Soonchunhyang Hàn Quốc. Tại đây, đánh dấu bước ngoặt trong con đường khoa học của chị khi “rẽ ngang” từ Hóa sang ngành Y sinh (do nguyên nhân chỉ tiêu từ phía trường).

Vượt qua những khó khăn do khác biệt ngôn ngữ, khác biệt giữa y sinh và hóa, tạm quên những nỗi nhớ nhà, nhớ quê, chị chăm chỉ và say sưa với việc nghiên cứu khoa học: “Nhìn qua kính hiển vi thấy mỗi tế bào là mỗi đơn vị sống trong cơ thể, xây nên hình thù to lớn bên ngoài, tôi cảm thấy rất thú vị”, chị nói.

TS. Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh trường ĐH Quốc tế ĐHQG – HCM. (Ảnh: Đức Toàn)
TS. Nguyễn Thị Hiệp - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh trường ĐH Quốc tế ĐHQG – HCM. (Ảnh: Đức Toàn)

Gần kết thúc khóa học tiến sĩ, đại học phía Hàn Quốc ngỏ ý mời Nguyễn Thị Hiệp ở lại nghiên cứu để vài ba năm sẽ trở thành phó giáo sư với mức thu nhập khởi điểm 3.000 USD và tạo điều kiện nhà cửa cho sinh sống ở đây. Thế nhưng trong lòng chị luôn trăn trở với nền khoa học nước nhà. Cộng với nỗi ám ảnh từ cái chết thương tâm của một người đồng hương đã thôi thúc chị từ bỏ cơ hội làm việc đáng mơ ước, trở về Việt Nam để thực hiện những nghiên cứu thiết thực cho quê nhà: “Đó là lần tôi nhìn thấy người đàn ông ở xóm tôi bị máy xới đất xén ngang người. Người ta chở anh đi bệnh viện cấp cứu, máu chảy ròng ròng mà bệnh viện lại ở rất xa. Sau đó, tôi nghe tin anh đã chết, có thể do mất máu. Khi lớn lên, hình ảnh này vẫn đeo đẳng trong tâm trí tôi. Sau này, ra trường tiếp xúc với ngành y sinh, thấy những ứng dụng tuyệt vời của nó, tôi càng muốn nghĩ ra những vật liệu có thể chữa lành những vết thương cho người dân quê tôi và mọi người ở nước mình” - TS bồi hồi.

Về nước vào năm 2012, Nguyễn Thị Hiệp bắt tay gây dựng chuyên ngành y học tái tạo cùng Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Y sinh, ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, GS Võ Văn Tới. Những ngày tháng thiếu thốn, khó khăn với phòng thí nghiệm “ba không”: không dự án, không máy móc, không tài trợ, nhưng hai thầy trò chị không hề nản chí hay có ý định từ bỏ, vẫn miệt mài nghiên cứu. Thậm chí, TS.Nguyễn Thị Hiệp đã chấp nhận chỉ được ký hợp đồng tạm thời với mức lương khiêm tốn, làm việc với trang thiết bị duy nhất là chiếc bàn gỗ 2m2 để đứng làm thí nghiệm. Dần dần, cùng GS.Võ Văn Tới, chị đã góp phần xây dựng lên phòng thí nghiệm y sinh hiện đại cũng như phát triển ngành học kỹ thuật y sinh tới nhiều trường ĐH trên cả nước, bên cạnh ĐH Quốc tế.

Từ năm 2012 đến nay, chị tập trung nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào và mô. Hiện TS Hiệp có tổng cộng 107 công trình khoa học, trong đó có 2 chương sách chuyên khảo, 50 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc ISI, 6 bài trên các tạp chí quốc tế khác, 10 bài trên các tạp chí trong nước, hơn 35 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế và 4 sáng chế.

Sáng chế tiêu biểu nhất, thành công và có tính ứng dụng rất cao là sáng chế loại keo thông minh có khả năng cầm máu, chống vi khuẩn và giúp làm lành nhanh vết thương. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp đã bắt đầu nghiên cứu này từ những năm 2013. Chị đã tận dụng vật liệu sinh học mới để phát triển một loại keo sinh học, không chỉ có khả năng chữa lành vết thương, loại keo này thậm chí có thể dung nạp với các tế bào sống hoặc sử dụng trong các liệu pháp trị liệu có thể góp phần ngăn chặn những tình huống nguy hiểm như vậy.

Thành tựu nghiên cứu này này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chị nhằm phát triển kỹ thuật mô và y học tái tạo (TERM) ở Việt Nam. Sáng chế của chị được đánh giá cao, khi có thể sử dụng dễ dàng cho việc sơ cứu hiệu quả tại nhà, giúp người dân ở vùng nông thôn cầm máu tức thì trong trường hợp chưa thể đến ngay bệnh viện. Với những thành tích nghiên cứu đó, năm 2017 chị nhận giải nhất trong Giải thưởng Khoa học ASEAN-Hoa Kỳ cho các nghiên cứu tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học và các bộ dụng cụ khâu vết thương không dùng kim.

Trước đó, chị đã được trao tặng học bổng “Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tài năng” (L’Oreal National Fellowship) với đề tài “Biến tinh thể bề mặt titanium bằng collagen nhằm tăng khả năng bám dính mô mềm trong cấy ghép implant, nha khoa phục hồi” năm 2016.

Năm 2018, TS. Nguyễn Thị Hiệp một lần nữa được vinh danh là “Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới” do Quỹ L’Oréal và Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao tặng vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp nhận Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)

Gần đây nhất, tháng 6-2019, TS Nguyễn Thị Hiệp đã đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019 (giải thưởng lần thứ nhất) với công trình Keo thông minh trong điều trị lành thương thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản).

Ngay sau khi hay tin được Asian Scientist bình chọn là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019, TS Nguyễn Thị Hiệp chia sẻ: "Tôi rất vui và tự hào khi được có tên trong danh sách các nhà khoa học tiêu biểu của châu Á. Thật sự tôi khá bất ngờ, có lẽ họ tự bình chọn và tôi không hề hay biết đến việc bình chọn này. Hi vọng đây sẽ là cảm hứng cho các sinh viên, các nhà khoa học, các giảng viên, đặc biệt là tạo cảm hứng cho các bạn trẻ hơn tôi theo con đường khoa học".

Diệu Thuần (Tổng hợp)

10 nhà khoa học nữ thiên tài trong lịch sử nhân loại

10 nhà khoa học nữ thiên tài trong lịch sử nhân loại

Có những người phụ nữ xuất sắc đã đóng góp những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực khoa học, từ hóa học cho đến vật lý, phóng xạ...