NATO thề sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho Ukraina, bắt đầu lên kế hoạch thích ứng với 'thực tế mới'

Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác hôm 16/3 cho biết, họ sẽ tiếp tục giúp Ukraina chống lại cuộc tấn công của Nga, đồng thời điều chỉnh an ninh của liên minh với "thực tế mới" do chiến tranh gây ra.

Các nhà ngoại giao và nhà phân tích quân sự ước tính rằng các đồng minh NATO đã gửi hơn 20.000 vũ khí chống tăng và các loại vũ khí khác tới Ukraina kể từ khi cuộc chiến Ukraina bắt đầu vào ngày 24/2.

"Chúng tôi vẫn đoàn kết ủng hộ Ukraina", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết tại cuộc họp khẩn cấp các bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels. "Chúng tôi ủng hộ khả năng tự vệ của họ và sẽ tiếp tục hỗ trợ họ".

ucnebv6jgjjajiryc62a55ywfm.jpg
Một thành viên của quân đội cầm cờ khi họ chờ đợi sự xuất hiện của Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Adazi, Latvia, ngày 8 tháng 3 năm 2022. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói với các phóng viên sẽ tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Ukraina ngay cả khi những chuyến xe chở vũ khí có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga.

Nga gọi các hành động của mình ở Ukraina là một "hoạt động đặc biệt" mà họ nói không phải nhằm chiếm đóng lãnh thổ mà nhằm phá hủy khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam và bắt những gì nước này coi là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Ukraina không phải là thành viên của NATO. Mặc dù đã nhiều lần nói rằng họ muốn tham gia để được sự bảo vệ của tổ chức này, nhưng hôm thứ Ba, Kyiv cho biết họ hiểu rằng họ không có cánh cửa để trở thành thành viên NATO và đang tìm kiếm các hình thức đảm bảo an ninh khác.

Lo ngại rằng một cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO cũng nằm trong kế hoạch quân sự rộng lớn hơn của Moscow, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng các bộ trưởng quốc phòng đã đồng ý yêu cầu các chỉ huy quân đội vạch ra kế hoạch cho những cách thức mới để răn đe Nga.

Những kế hoạch đó có thể sẽ được các nhà lãnh đạo NATO thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào tháng 6 và cũng sẽ được các nhà lãnh đạo thảo luận ngắn gọn vào thứ Năm tới khi họ gặp nhau ở Brussels tại trụ sở của đồng minh nhằm thể hiện sự thống nhất.

"Chúng ta phải thiết lập lại khả năng phòng thủ và răn đe tập thể trong thời gian dài hơn. Hôm nay, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các chỉ huy quân sự của mình phát triển các phương án trên tất cả các lĩnh vực - đất liền, trên không, trên biển, mạng và không gian", Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo.

Stoltenberg cho biết bất kỳ "thế trận" mới nào cũng sẽ có thêm quân ở Đông Âu, nhiều lực lượng phòng thủ trên không và tên lửa hơn, nhiều tàu sân bay và tàu ngầm trên biển hơn và có thể sử dụng vũ khí phòng thủ trên mạng máy tính và trong không gian.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết NATO muốn tránh trực tiếp nêu các kế hoạch hoặc điều gì sẽ kích hoạt cam kết phòng thủ tập thể "Điều 5", đồng thời cho rằng "sự mơ hồ chiến lược" cũng là một công cụ phòng thủ chống lại bất kỳ hành động xâm lược nào của Nga.

"Điều ngạc nhiên đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin là phương Tây đoàn kết đến vậy. Ông ấy không tin điều đó. Ông ấy có một bức tranh sai lầm về các nước phương Tây", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet nói.

"Chúng ta không thể sợ hãi, chúng ta phải giữ bình tĩnh, bởi vì Putin muốn thấy rằng mọi người đều sợ hãi".

(Nguồn: CNBC)

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương