GS.TS Phạm Hồng Trung: Tại sao thẩm định SGK lại không thể truyền hình trực tiếp?

GS.TS Phạm Hồng Trung Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những trao đổi về vấn đề minh bạch chọn SGK.

Công khai, minh bạch vấn đề đổi mới giáo dục

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, nền giáo dục Việt Nam đã quen với một chương trình và một bộ sách cố định, thậm chí là chỉ có SGK.

Tuy nhiên theo Chủ trương của Quốc hội của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ thực hiện một kế hoạch bao gồm nhiều bộ SGK từ 2020. Việc này gây nhiều bất ngờ với xã hội, tuy nhiên để đảm bảo việc thực hiện một cách sát sao và có hiệu quả, cần phải minh bạch vấn đề này.

GS.TS Phạm Hồng Tung.
GS.TS Phạm Hồng Tung.

Khi nói về các lo ngại trong cải cách giáo dục với một chương trình có nhiều SGK, ông Tung cho biết cho dù có nhiều ngỡ ngàng vẫn phải áp dụng vì đây là xu thế chung của thế giới. Học sinh phải dần làm quen với trường học, kỹ năng tìm kiếm thông tin phù hợp, phân biệt tính chất của thông tin. Tuy nhiên với môi trường giáo dục của Việt Nam không thể áp dụng một cách vội vàng, cần có quy trình dưới sự lãnh đạo của Chính phủ.

Ông khẳng định đây mới chỉ là bước đầu tiên trong một chương trình nhiều SGK đạt chuẩn, trong từng môn, từng trường, thầy giáo lựa chọn các bộ SGK khác nhau, tùy vào tính chất bài giảng và sự sáng tạo. “Không có lo ngại gì về việc SGK khác nhau thì mặt bằng kiến thức kỹ năng có bằng nhau hay không, vì tất cả SGK đã được cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp ở Việt Nam là Hội đồng thẩm định SGK cấp quốc gia, trong đó có nhiều giáo viên phổ thông thẩm định. Những bộ sách này đã đạt chuẩn, giáo viên cha mẹ học sinh hoàn toàn có thể yên tâm, mức độ đáp ứng về phẩm chất năng lực như nhau, chỉ khác nhau về cách trình bày”, ông Tung nói.

Nếu việc áp dụng nhiều SGK gây ra vấn đề là ai là người lựa chọn để dạy và học, việc lựa chọn này mang tính chất quyết định với nhu cầu học sinh. Theo ông, nếu Hội đồng Giáo dục quốc ra đứng ra chọn, sẽ phải bỏ quyền của các địa phương và các trường. Ngược lại nếu giao cho địa phương cấp tỉnh, phải có thẩm quyền và vừa phải đáp ứng được chọn ra tài liệu phù hợp nhất.

Ví dụ, các tỉnh miền núi phải chọn những học liệu phù hợp hơn là những vùng có biển, đảo. Những tỉnh có biển đảo phải lựa chọn những bộ sách khác. Đây là ưu điểm, phù hợp với địa phương vùng miền, địa phương.

Vấn đề cần thảo luận ở đây là ai là đại diện địa phương lựa chọn sách, có thể là UBND, Sở GD-ĐT và các Sở có liên quan, như Sở Khoa học-Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch… tuy nhiên nếu giao toàn quyền UBND thì sẽ bị nặng về mặt hành chính.

Đó là lý do vì sao, Bộ phải có hướng dẫn rõ ràng, lập ra Hội đồng chuyên môn với các thành phần là các giáo viên chủ chốt, bộ môn, sau đó mới trình lên UBND để duyệt.

Về vấn đề lợi ích nhóm, ông Tung cho rằng ở đâu cũng sẽ có thể xảy ra tình trạng này, cần phải đặt ra quy định rõ ràng, minh bạch. Nếu nhìn theo hướng tích cực, các nhóm đó sẽ can thiệp vào việc tài trợ tài liệu điện tử, tài trợ trường mua sách. Vì vậy cần khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chung tay với giáo dục. các Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên môn có thể họp công khai, có thể truyền hình trực tiếp, livestream…

Ông nói: “Quốc hội bàn bao nhiêu vấn đề nhạy cảm còn có thể truyền hình trục tiếp thì tại sao SGK lại không thể truyền hình trực tiếp. Bất kỳ Hội đồng nào cũng nên  truyền hình trực tiếp để thấy việc lựa chọn xuất phát từ trách nhiệm của thầy cô. Những nhóm lợi ích muốn can thiệp phải có sự đồng ý của địa phương. Những nhà giáo khi được mời vào Hội đồng không những rất giỏi chuyên môn mà còn rất có tâm với giáo dục. Chẳng có lý do gì quan ngại khi phê bình một bộ sách, không phải phê bình tác giả mà phê bình những cái chưa được của bộ sách. Tới đây nếu có đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại cũng nên truyền hình trực tiếp”.

Thực hiện cải cách giáo dục có đúng thời điểm?

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, đổi mới giáo dục là đòi hỏi tất yếu phải làm thành công. Không thể bàn lùi trong vấn đề này, phải xác định đổi mới để chuyển cách tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.

“Đây là một chặng đường dài, chúng ta phải cần thời gian để cây trồng đâm hoa kết trái. Chúng ta không nên sốt ruột, nhưng cũng không thể ngồi chờ. Toàn bộ hệ thống giáo dục lúc nào cũng ở trong trạng thái sức ép, phải triển khai nhanh nhưng phải đúng bài bản”.

Hiện nay xã hội đều rất quan tâm đến vấn đề giao dục, không đơn thuần chỉ là cha mẹ mà còn là các phương tiện truyền thông. Nếu thực hiện đổi mới mà không công khai, minh bạch, không khoa học, không đáp ứng được mong đợi của xã hội thì xã hội sẽ mất lòng tin. Khi đó, không có lòng tin, không có sự đồng thuận của xã hội thì không ai có thể triển khai được chương trình đổi mới SGK, cũng như đổi mới giáo dục nói chung.

Chúng ta cần có hướng dẫn cho các em trước tình hình thông tin quá nhiều và không xác định được tính chất đúng sai. “Hãy tạo cho các em có năng lực mà tôi vẫn gọi là “kháng thể xã hội” - bao gồm cả năng lực và phẩm chất văn hóa để các con biết được đâu là thiện đâu là ác, đâu là chính nghĩa - phi nghĩa, đâu là thật - giả…”, ông Tung nhấn mạnh.

Giáo dục không đổi mới sẽ là bước thụt lùi với thời đại, giáo dục chính là hành trang cho đất nước hội nhập quốc tế.

Cuối cùng ông chia sẻ: "Đổi mới chương trình lần này đứng trước áp lực khách quan rất lớn từ đòi hỏi phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập. Tôi nhiều lúc cảm thấy áp lực đó làm cho mình ngộp thở”.

Thanh Mai

Chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp nhất về giáo dục trong cuộc thi ảnh #Education2019 của AGORA

Chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp nhất về giáo dục trong cuộc thi ảnh #Education2019 của AGORA

Những tấm hình ấn tượng về tầm quan trọng của việc học và chia sẻ kiến thức của các nhiếp ảnh gia trên thê giới lộ diện.