Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đau đầu vì giá heo hơi quá cao

Masan cho biết hiện 40% lượng thịt của Masan MeatLife được thu mua từ các bên thứ ba đáp ứng yêu cầu chất lượng và theo giá thị trường. Do đó, giá heo hơi đầu vào cao khiến lợi nhuận mảng thịt bị ảnh hưởng.

Masan tiếp tục kỳ vọng với bia sau khi Sư tử trắng thất bại

Vốn là thế mạnh của Masan, Masan Consumer Holding (MCH) - công ty phụ trách mảng hàng tiêu dùng nhanh, tiếp tục là một trong những điểm sáng của tập đoàn này trong quý II và nửa đầu năm 2020.

Chỉ tính riêng quý II/2020, doanh thu MCH đạt 5.650 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và EBITDA tăng đến 45%. Masan cho biết sở dĩ tăng trưởng lợi nhuận vượt xa doanh thu nhờ tất cả các ngành hàng chiến lược như thực phẩm tiện lợi, gia vị, thịt chế biến… đều tăng trưởng và tối ưu hóa các khoản đầu tư vào tiếp thị, bán hàng.

  Masan tiếp tục kỳ vọng với bia sau khi Sư tử trắng thất bại. 

Masan tiếp tục kỳ vọng với bia sau khi Sư tử trắng thất bại. 

Cụ thể, mảng thực phẩm tiện lợi như mì ăn liền, bún miến… trong quý II tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ, từ mức đóng góp chỉ 8% doanh thu thì hiện đóng góp của mảng này đã tăng gấp đôi. Mảng thịt chế biến trong quý II mang lại doanh thu tăng gấp 2,3 lần so với quý II/2019.

Masan cho biết nửa đầu năm, MCH có 2 phát kiến mới nắm bắt xu hướng dùng bữa tại nhà trong dịch COVID-19, dự kiến sẽ tung ra thêm nhiều ý tưởng mới vào nửa cuối năm.

Một trong những động lực tăng trưởng chính của ngành hàng này là mảng gia vị, tăng 22%. Danh mục nước mắm tăng 16%, các sản phẩm gia vị khác tăng trưởng 38%, được thúc đẩy bởi tăng trưởng mạnh mẽ của tương ớt đạt mức 63% và hạt nêm tăng trưởng 76%.

Ngoài ra, mảng đồ uống của MCH trong quý II/2020 cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu 12%, dù gặp nhiều khó khăn do kênh hàng quán bị đóng cửa bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Một trong những mảng mới của Masan trong năm nay khi quyết định mua lại Bột giặt NET là sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình, cũng đạt được kết quả ấn tượng. Cụ thể, ngành hàng này đóng góp 365 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II/2020 và 494 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. 

Đáng chú ý, trong báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, mảng bia đã được Masan nhắc lại với một màu sắc sáng sủa hơn, khi mảng này có 1 sản phẩm hoàn toàn mới, thay cho sự èo uột của thương hiệu bia Sư tử trắng trước đây.

“Bia tăng trưởng 60% trong quý II/2020 và 29% trong nửa đầu năm 2020. Kết quả này có được một phần nhờ vào chiến dịch ra mắt bia Red Ruby với nhận diện sản phẩm bắt mắt và chiến dịch quảng cáo hiệu quả đã mang lại một số thành công bước đầu ở những thị trường chủ chốt”, đại diện Masan cho biết.

Đây là một kết quả rất ấn tượng đối với sản phẩm bia, bởi nửa đầu năm nay, ngành bia đang phải chịu tác động kép của Nghị định 100 và đại dịch COVID-19, ngay cả “ông lớn” Sabeco cũng đã thấm đòn.

Đau đầu vì giá thịt heo đang quá cao

Ngoài thực phẩm tiêu dùng nhanh, ngành thịt cũng là một trong những lĩnh vực kinh doanh đáng chú ý của Masan, khi doanh nghiệp tuyên bố muốn làm bài bản hơn, thiết lập lại thói quen dùng thịt mát thay cho thịt nóng của người dân.

Doanh thu Masan MeatLife (MML) trong quý II/2020 đạt 3.805 tỷ đồng, lũy kế nửa đầu năm đạt 7.202 tỷ đồng, cùng mức tăng 7%. 

“Ngành thịt tiếp tục tăng tốc, đạt biên EBITDA dương trong quý II/2020. Tổng thể mảng kinh doanh của MML đạt biên EBITDA 11%, mang lại dòng tiền bền vững trong quý”, Masan cho biết.

Masan cũng đau đầu vì giá thịt heo đang quá cao. Ảnh:  MSN .
Masan cũng đau đầu vì giá thịt heo đang quá cao. Ảnh: MSN .

Ngành thịt chính là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của MML. Theo Masan, mảng B2C đang tăng trưởng tốt do người tiêu dùng ngày càng đón nhận sản phẩm thịt mát MEATDeli. Cụ thể, doanh số ngành thịt trong quý II tăng đến 35% so với quý trước. Doanh số B2C cửa hàng/ngày của MEATDeli tăng 22% từ 3 triệu đồng trong quý I/2020 lên 3,6 triệu đồng trong quý II/2020. 

Hiệu quả tăng tốc đáng kể nhờ mở rộng mạng lưới phân phối và ra mắt các sản phẩm thịt mát chế biến. Cụ thể, sau khi có thêm hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+, MEATDeli đã gia tăng sự hiện diện tại hệ thống này từ mức 11% lên 35%.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Masan cũng thừa nhận một trong những khó khăn của ngành thịt nửa đầu năm khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng là do… giá heo hơi đang ở mức cao kỷ lục.

Giải thích về điều này, Masan cho biết hiện 40% lượng thịt của MML được thu mua từ các bên thứ ba đáp ứng yêu cầu chất lượng và theo giá thị trường. Do đó, giá heo hơi đầu vào cao khiến lợi nhuận mảng thịt mát bị ảnh hưởng. 

“MML đang tìm các giải pháp thay thế mang tính chiến lược để xây dựng mô hình chuỗi cung ứng bền vững hơn. Tuy nhiên, ban điều hành tin tưởng rằng giá heo hơi sẽ quay trở lại mức bình thường trong 6-12 tháng tới”, Masan kỳ vọng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, doanh thu từ thức ăn gia súc của tập đoàn cũng giảm 15%, tuy nhiên, việc tái đàn đang diễn ra nhanh nên doanh nghiệp vẫn cho rằng mảng thức ăn chăn nuôi sẽ dần triển vọng hơn.

Masan lần đầu lỗ trăm tỷ vì hợp nhất mảng bán lẻ của Vingroup

Tính chung các lĩnh vực kinh doanh, doanh thu thuần hợp nhất của Masan trong quý II/2020 đạt 17.766 tỷ đồng, tăng 92%, lũy kế nửa đầu năm đạt 35.404 tỷ đồng, tăng 103% so với nửa đầu năm 2019. Sở dĩ doanh thu thuần của Masan tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhờ hợp nhất mảng kinh doanh của Vincommerce - đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+.

Masan lần đầu lỗ trăm tỷ vì hợp nhất mảng bán lẻ của Vingroup. Ảnh: Nguyên Phương.
Masan lần đầu lỗ trăm tỷ vì hợp nhất mảng bán lẻ của Vingroup. Ảnh: Nguyên Phương.

Tuy nhiên, cũng vì Vincommerce (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao -EBITDA, trong nửa đầu năm 2020 âm 1.058 tỷ đồng) khiến nửa đầu năm nay, Masan lỗ 162 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch lãi ròng gần 2.200 tỷ đồng.

Dù vậy, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông nửa đầu năm của Masan vẫn dương với con số 117 tỷ đồng.

Kết thúc nửa đầu năm, tổng nợ hợp nhất của Masan tăng 18.698 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 48.714 tỷ đồng. Kết hợp với số dư tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt thấp hơn, nợ ròng hợp nhất trên EBITDA của Masan tăng từ 1,4 lần lên 3,6 lần. 

Tập đoàn cho biết trong vòng 12-18 tháng tới sẽ tập trung củng cố bảng cân đối kế toán và cân đối chỉ số đòn bẩy thông qua các sáng kiến sau sử dụng dòng tiền sẵn có trong quá trình hoạt động và cải thiện chu kỳ chuyển đổi vốn lưu động để trả các khoản nợ lãi cao hơn.

Đồng thời, cải thiện các tỷ suất tài chính với EBITDA cao hơn trong tương lai gần thông qua việc mở rộng mảng kinh doanh thịt, tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram vào lĩnh vực khai khoáng.

Ban lãnh đạo cũng chỉ rõ tập đoàn sẽ gọi vốn chủ sở hữu tại mỗi nền tảng đang có với ưu tiên dành cho các nhà đầu tư chiến lược có khả năng tạo giá trị gia tăng cho hiệu quả hoạt động.

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương