Lý do khiến nhiều ngân hàng phương Tây vẫn sẵn sàng đặt cược vào Trung Quốc

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vừa lọt top 300 người giàu nhất hành tinh. Khối tài sản trị giá 7,53 tỷ USD của ông được cho là nhờ phản ứng tích cực từ vụ rót vốn khủng từ nhóm quỹ đầu tư ngoại vào Vinhomes.

Các ngân hàng lớn trong những tuần gần đây đã ký kết các thỏa thuận nhằm mở rộng dấu chân của họ ở Trung Quốc, hoặc đang cố gắng kiểm soát nhiều hơn các hoạt động kinh doanh của họ tại đây sau nhiều năm tham gia thị trường thông qua liên doanh, bất chấp tình hình địa chính trị, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và môi trường ngày càng thù địch đối với doanh nghiệp tư nhân, theo CNN.

Cuối tháng trước, Trung Quốc cho phép HSBC nâng sở hữu trong một công ty bảo hiểm nhân thọ lên 100%. Liên doanh 50/50 giữa HSBC và một công ty Trung Quốc được thành lập năm 2009.

Ngân hàng cho biết động thái này nhấn mạnh "cam kết mở rộng kinh doanh của HSBC ở Trung Quốc".

2286abea-69a3-4859-98b6-65299d6c9222_1e6c520b.jpg
Một lá cờ Trung Quốc tung bay trước trụ sở chính của HSBC tại Hồng Kông. Ảnh: Reuters

Gã khổng lồ ngân hàng Anh này cũng đang tìm kiếm cổ phần lớn hơn trong HSBC Qianhai, một liên doanh chứng khoán của họ tại Trung Quốc, theo Reuters , dẫn một nguồn tin giấu tên.

HSBC không phải là duy nhất. Những công ty hạng A của Phố Wall như BlackRock, JPMorgan và Goldman Sachs đã đi được vài bước trên con đường đó.

Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc hôm 12/1 đưa tin Deutsche Bank muốn thành lập một liên doanh trong lĩnh vực quản lý tài sản ở nước này. Ngân hàng Đức từ chối bình luận khi CNN hỏi về thông tin này.

Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, cho biết: "Quy mô lớn của thị trường trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc, hầu như chưa được khai thác, là sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, đặc biệt khi Bắc Kinh cuối cùng cũng cho phép họ mở các quỹ tương hỗ với mức sở hữu 100%".

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai toàn cầu về cổ phiếu, trái phiếu nhưng phần lớn chưa được các nhà đầu tư nước ngoài khai thác. Cổ phiếu quốc tế chiếm khoảng 5% thị trường chứng khoán trị giá 14.000 tỷ USD, và chưa đến 4% thị trường trái phiếu trị giá 17 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán và ngân hàng trung ương.

211124133834-jamie-dimon-regrets-china-comment-full-169.jpg
CEO Jamie Dimon khi đó bình luận rằng Trung Quốc đại diện cho "một trong những cơ hội lớn nhất thế giới" đối với JP Morgan. Ảnh: CNN

Năm ngoái, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới đã trở thành đơn vị đầu tiên được chấp thuận quyền sở hữu hoàn toàn. 2 tháng sau, BlackRock ra mắt quỹ tương hỗ đầu tiên và nhanh chóng huy động thành công 1 tỷ USD từ hơn 111.000 nhà đầu tư.

Sau đó, tháng 8, JP Morgan trở thành ngân hàng Mỹ đầu tiên được phép sở hữu 100% một công ty chứng khoán. CEO Jamie Dimon khi đó bình luận rằng Trung Quốc đại diện cho "một trong những cơ hội lớn nhất thế giới" đối với JP Morgan.

Tháng 10, Goldman Sachs được nâng sở hữu trong một liên doanh chứng khoán lên 100%. Tháng 12, Morgan Stanley có "chiến thắng" tương tự. Đối tác Trung Quốc của Morgan Stanley trước đó cho biết ngân hàng Mỹ có kế hoạch tăng sở hữu trong một liên doanh chứng khoán lên 94%.

1530185113067191.jpg
Văn phòng tại Thượng Hải của ngân hàng JP Morgan. Ảnh: IC

Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư của KraneShares, một công ty quản lý tài sản tập trung vào cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc, khẳng định: "Trung Quốc là cơ hội tăng trưởng đáng kể cho các công ty dịch vụ tài chính toàn cầu".

Ông nói thêm: "Các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và châu Âu có tính cạnh tranh cao và trưởng thành, cơ hội ngày càng eo hẹp. Nhưng với Trung Quốc, thị trường này còn tương đối non trẻ".

Mở rộng bất chấp rủi ro

Các ngân hàng phương Tây đã thâm nhập đáng kể vào thị trường Trung Quốc hai thập kỷ qua, kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO cuối năm 2001 và hứa hẹn mở cửa lĩnh vực tài chính.

Trong khi tiến độ "thâm nhập" có chậm lại một thời gian, năm 2019, Trung Quốc tuyên bố sẽ bỏ hoàn toàn giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các công ty tài chính vào năm tiếp sau, tức 2020, ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán thương mại.

Sự nhiệt tình từ các ngân hàng toàn cầu cũng đi kèm với rủi ro, vì ngày càng xuất hiện nhiều bất ổn về quy định của Trung Quốc, cũng như căng thẳng gia tăng của Bắc Kinh với các nước khác.

Cuối năm 2020, Bắc Kinh đã tung ra một đợt siết chặt quy định chưa từng có đối với doanh nghiệp tư nhân, do lo ngại rằng những công ty như vậy đã trở nên quá mạnh.

Cuộc "trấn áp" sau đó đã mở rộng sang các công ty tài chính lớn của Trung Quốc như Ant Group. Hãng này sau đó đã buộc phải thay đổi rất nhiều hoạt động kinh doanh của mình và tuân theo các quy định nghiêm ngặt đối với hoạt động ngân hàng.

ant-gruop.jpeg
Ant Group chịu sự giám sát của PBoC.

Một số doanh nghiệp phương Tây đã bị cuốn vào những căng thẳng địa chính trị tồi tệ hơn, đặc biệt liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực phía tây Tân Cương của nước này.

Theo CNN, trong những tuần gần đây, Walmart và Intel đã gặp phải phản ứng dữ dội của công chúng ở Trung Quốc vì những cáo buộc rằng họ đang cố tránh nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ Tân Cương.

Năm ngoái, H&M, Nike, Adidas và các nhà bán lẻ phương Tây khác đã bị người tiêu dùng Trung Quốc đe dọa tẩy chay vì lập trường chống lại cái gọi là "sử dụng lao động cưỡng bức" để sản xuất bông ở Tân Cương.

Áp lực trên sân nhà

Các công ty phương Tây cũng đang phải đối mặt với áp lực trên sân nhà. Nhà đầu tư tỷ phú George Soros gọi khoản đầu tư vào Trung Quốc của BlackRock là một "sai lầm bi thảm" có thể gây mất tiền cho khách hàng của mình và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Một số chính trị gia Mỹ cũng kêu gọi Phố Wall ngừng "tạo điều kiện cho Trung Quốc và có lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh".

Sự siết chặt tiếp tục diễn ra trong những tuần gần đây. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ, một đạo luật cấm nhập khẩu từ Tân Cương vì lo ngại về "lao động cưỡng bức".

Đạo luật đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng chính quyền của ông Biden và Quốc hội đang tìm cách tăng cường áp lực lên Bắc Kinh.

Theo Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, quyết định của Trung Quốc cho phép các công ty phương Tây nắm giữ cổ phần lớn hơn ở Trung Quốc cũng mang lại cho Bắc Kinh "đòn bẩy" đối với chính quyền Mỹ và EU.

Tuy nhiên, tiềm năng kiếm tiền ở Trung Quốc dường như đã lấn át những vấn đề đau đầu về chính trị.

Craig Singleton của Tổ chức bảo vệ các nền dân chủ (Foundation for the Defense of Democracies) bình luận: "Trong khi Trung Quốc đối mặt với cản trở lớn về kinh tế, nước này đã cho thấy những dự báo bi quan trong quá khứ là sai. Các ngân hàng phương Tây tiếp tục tạo ra hàng tỷ đô la doanh thu từ Trung Quốc, ngay cả khi có các "trấn áp" pháp lý gần đây. Nói cách khác, các ngân hàng phương Tây đang chơi trò chơi dài hạn, dưới cái gọi là đa dạng hóa danh mục đầu tư".

Động cơ của Trung Quốc

Ngay cả khi Bắc Kinh thắt chặt quyền lực đối với các bộ phận của nền kinh tế, có rất nhiều lí do khiến Trung Quốc mở cửa cho ngành tài chính đầu tư nước ngoài.

Chính phủ muốn sử dụng kiến ​​thức chuyên môn của giới tinh hoa toàn cầu xây dựng một ngành dịch vụ tài chính đa dạng và mạnh mẽ, lấp khoảng trống cho cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập.

Dân số già nhanh và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp đã làm tăng gánh nặng lên hệ thống lương hưu của đất nước, đồng thời gây áp lực to lớn lên chính phủ trong cung cấp đủ nguồn tài chính cho người cao tuổi.

Việc Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược "zero COVID" ã vô tình tự cô lập với phần còn lại của thế giới. Năm ngoái, Fang Xinghai, Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã nhiều lần nói về tầm quan trọng của việc mở cửa ngành dịch vụ tài chính và thu hút vốn và chuyên môn tài chính toàn cầu.

Ông Singleton nói Trung Quốc hiểu rằng họ cần duy trì khả năng tiếp cận thị trường, công nghệ và vốn nước ngoài, thúc đẩy quan hệ đối tác liên tục với các công ty phương Tây.

"Nói cách khác, Trung Quốc phải hội nhập để tồn tại, tức không thể hoàn toàn tránh xa các chuẩn mực hoặc hệ thống toàn cầu hiện có, ngay cả khi nước này cố gắng thay đổi chúng cho phù hợp với nhu cầu của Bắc Kinh".

(Nguồn: CNN)

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương