Việt Nam cần ghi nhận vai trò của phụ nữ trong chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam cần đưa bình đẳng giới vào trong các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần ghi nhận vai trò của phụ nữ là tác nhân tạo thay đổi trong ứng phó với biến đổi khí hậu thay vì chỉ coi họ là đối tượng dễ bị tổn thương như hiện nay. Đó là những đề xuất mới nhất của Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) đề xuất với Chính phủ tại Hội thảo quốc tế: Sẵn sàng cho COP25: Hướng tới thực hiện Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) một cách toàn diện, diễn ra tại Hà Nội ngày 8/10 vừa qua.
Hội thảo quốc tế: Sẵn sàng cho COP25: Hướng tới thực hiện Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) một cách toàn diện.
Hội thảo quốc tế: Sẵn sàng cho COP25: Hướng tới thực hiện Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) một cách toàn diện.

NDC là báo cáo thể hiện cam kết và chính sách của chính phủ các nước thành viên Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 trong cắt giảm khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước đây, Kế hoạch thực hiện NDC của Việt Nam được thông qua năm 2016 với hai giai đoạn, 2016-2020 và 2021-2030, trong đó NDC giai đoạn một chưa đề cập đến bình đẳng giới một cách toàn diện. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang xem xét và cập nhật để đệ trình bản cập nhật NDC 2016 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) dự kiến được tổ chức tại Vương quốc Anh năm 2020.

Tại Hội thảo, Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) cho biết bình đẳng giới chưa được xem xét toàn diện trong NDC mà Việt Nam công bố năm 2016, do đó cần cân nhắc lồng ghép vấn đề này vào NDC giai đoạn hai.

Đây là việc làm cần thiết bởi vì tuy cùng chịu những tác động của biến đổi khí hậu nhưng phụ nữ thường là đối tượng chịu nhiều tác động bất lợi hơn nam giới. Chẳng hạn, do đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp và trong gia đình, phụ nữ thường chịu nhiều gánh nặng hơn nam giới từ các đợt hạn hán, lũ lụt và các loại hình thiên tai khác. Hơn nữa, mặc dù nhiều phụ nữ rất tích cực tham gia vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng nói chung tiếng nói và tầm ảnh hưởng của họ đối với các quyết định liên quan đến quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế.

Phụ nữ thường là đối tượng chịu nhiều tác động bất lợi hơn nam giới trong các vấn đề về biến đổi khí hậu
Phụ nữ thường là đối tượng chịu nhiều tác động bất lợi hơn nam giới trong các vấn đề về biến đổi khí hậu

“Chúng tôi thấy một hiện tượng rất thú vị tại Việt Nam: Nhiều phụ nữ rất tích cực trong chống biến đổi khí hậu, vận động thực hiện các giải pháp năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường, tham gia và thậm chí lãnh đạo các tổ chức xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đó. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe và hỗ trợ họ tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà hoạch định chính sách ở các cấp". Bà Yvonne Blos, Giám đốc dự án khí hậu Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.

Bà Yvonne Blos, Giám đốc dự án khí hậu Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.
Bà Yvonne Blos, Giám đốc dự án khí hậu Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo.

 “Các nỗ lực giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ không hiệu quả hoặc thiếu tính bền vững nếu các vấn đề giới và xã hội không được quan tâm và coi trọng” CCWG cho biết.

Theo đó, CCWG cho rằng cần đưa vấn đề bình đẳng giới vào trong tất cả các công việc liên quan đến biến đổi khí hậu, các cam kết cấp cao (bao gồm phân bổ ngân sách cần thiết); bổ nhiệm  đầu mối của cơ quan chuyên trách về sự bình đẳng giới của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC)  tham gia các bộ phận liên quan đến biến đổi khí hậu, chẳng hạn như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài nguyên Môi trường; tăng cường chuyên môn về giới trong nội bộ các đơn vị liên quan, có sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong các quyết định liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.  

CCWG đề nghị cần công nhận kiến thức và kinh nghiệm của phụ nữ và người dân tộc thiểu số địa phương, coi họ là tác nhân tạo nên sự thay đổi, chứ không chỉ là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của phụ nữ và người dân tộc thiểu số tại các khu vực liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm thích ứng, đa dạng hóa sinh kế và khởi nghiệp; cung cấp hỗ trợ, bao gồm tập huấn và đào tạo, hỗ trợ phụ nữ trong các mô hình sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương, kể cả trong nông nghiệp bền vững, thủy sản, lĩnh vực năng lượng và chất thải, giao thông và du lịch.

Nâng cao năng lực của phụ nữ và người dân tộc thiểu số tại các khu vực liên quan đến biến đổi khí hậu
Nâng cao năng lực của phụ nữ và người dân tộc thiểu số tại các khu vực liên quan đến biến đổi khí hậu

Đảm bảo phụ nữ và nhóm dân tộc thiểu số tiếp cận với thông tin liên quan đến khí hậu, tài chính cho ứng phó với khí hậu, công nghệ sạch và bền vững, đất đai và các nguồn lực sản xuất khác; đồng thời tận dụng các đồng lợi ích của hành động khí hậu cho bình đẳng giới và công bằng xã hội, đặc biệt đối với các nhóm chịu thiệt thòi như người di cư và hộ gia đình do phụ nữ làm chủ. CCWG đề xuất quá trình tổng hợp, lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá cần có sự tham gia, cũng như tham khảo ý kiến của phụ nữ.

Ngày 8/10 tại Hà Nội Nhóm Công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG), WWF-Vietnam và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam kết hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức Hội thảo quốc tế: Sẵn sàng cho COP25: Hướng tới thực hiện Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) một cách toàn diện.

Mục tiêu: nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội với Chính phủ trong quá trình rà soát NDC và thúc đẩy vấn đề giới trong thực hiện NDC nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện Hiệp định Paris.

Đồng thời, cần hợp tác với các tổ chức và nhóm chuyên gia, bao gồm các nhóm phụ nữ địa phương, Hội Phụ nữ, CCWG, các tổ chức phi chính phủ quốc tế (như CARE, SNV v.v), các tổ chức phát triển như Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), các nhà tài trợ, viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội khác trong quá trình ra quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, CCWG cũng đề nghị tiến hành các nghiên cứu cần thiết về giới, làm căn cứ để đưa ra các chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động giới và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Với phần lớn dân số hiện đang sinh sống tại các lưu vực sông trũng và thấp, và các vùng bờ biển, dự kiến có hơn 70% dân số Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của thiên tai. Trong những năm gần đây bão và lũ lụt diễn ra ngày càng thường xuyên, gây ra những thiệt hai về con người và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt, hơn bao giờ hết chúng ta cần huy động nguồn lực từ tất cả các bên để có thể quản lí rủi ro thiên tai một cách hiệu quả hơn nữa. Phụ nữ, với năng lực, kỹ năng và kiến thức của mình là những nguồn lực có giá trị nhưng vẫn chưa được phát huy tối đa. Đưa phụ nữ vào trọng tâm của các hoạt động về biến đổi khí hậu sẽ góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, và tạo điều kiện để họ có thể đóng vai trò chủ chốt trong những nỗ lực của quốc gia nhằm ứng phó với thảm họa và biến đổi khí hậu.

Thanh Hoài (t/h)

Bảo tàng Phụ nữ tổ chức diễn đàn Hướng tới bình đẳng và Triển lãm ảnh về quyền con người

Bảo tàng Phụ nữ tổ chức diễn đàn Hướng tới bình đẳng và Triển lãm ảnh về quyền con người

Nhân ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10/2019, tại BT Phụ nữ tổ chức diễn đàn "Hướng tới bình đẳng cho mọi lứa tuổi" và Triển lãm ảnh.